Quyết định 75/2003/QĐ-BNV quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Cơ quan thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 75/2003/QĐ-BNV
Ngày ban hành 07/11/2003
Ngày có hiệu lực 22/11/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Đỗ Quang Trung
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 75/2003/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA CƠ QUAN THƯỜNG TRỰC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 45/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ trưởng - Phụ trách cơ quan thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Cơ quan thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh là tổ chức của Bộ Nội vụ, có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng theo dõi và tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Nội vụ đối với địa bàn khu vực phía Nam; và là Cơ quan đại diện của Bộ Nội vụ để phục vụ các hoạt động theo chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, Văn phòng Bộ và các tổ chức thuộc bộ.

2. Cơ quan thường trực tại thành phố Hồ Chí Minh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại kho bạc nhà nước.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Theo dõi và tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ về lĩnh vực công tác tổ chức nhà nước trong địa bàn khu vực được phân công, bao gồm:

a) Báo cáo Bộ trưởng theo định kỳ hoặc đột xuất những diễn biến của địa bàn khu vực;

b) Làm đầu mối giúp các tổ chức của Bộ tổng hợp các thông tin, những kiến nghị và vướng mắc của các cơ quan và địa phương tại địa bàn khu vực phía Nam có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Bộ để báo cáo Bộ trưởng xem xét, chỉ đạo giải quyết;

c) Tham gia ý kiến với các tổ chức của Bộ trong việc đề xuất các chủ trương biện pháp chỉ đạo thực hiện công tác có liên quan đến khu vực phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế, kịp thời phát hiện những vấn đề mới xuất hiện để báo cáo Bộ trưởng xin ý kiến chỉ đạo;

d) Tham dự các cuộc họp do các Bộ, ngành triệu tập ở phía Nam. Chịu trách nhiệm nắm tình hình và báo cáo về Bộ kết luận của các cuộc họp khi không có đại diện Lãnh đạo Bộ hoặc các đơn vị chức năng của Bộ tham dự.

2. Giúp Văn phòng Bộ thực hiện các nhiệm vụ:

Theo chỉ đạo của Chánh Văn phòng Bộ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Văn phòng Bộ trên địa bàn khu vực;

b) Thực hiện tốt công tác hậu cầu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tốt các cuộc hội nghị, hội thảo, tập huấn... của Bộ được tổ chức tại địa bàn khu vực;

c) Phục vụ Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo, cán bộ, công chức các tổ chức của Bộ và khách của Bộ theo chương trình, kế hoạch công tác đã được Bộ trưởng phê duyệt khi công tác tại địa bàn khu vực phía Nam (đón tiếp, bố trí nơi ăn, ở, phương tiện đi lại, làm việc, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác...);

d) Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Bộ trưởng và yêu cầu của Chánh Văn phòng Bộ.

3. Theo chỉ đạo của Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương tổ chức triển khai các hoạt động công tác xây dựng chính quyền ở các tỉnh, thành phố phía Nam theo phân công của Bộ trưởng, bao gồm:

a) Hướng dẫn địa phương chuẩn bị hồ sơ, thủ tục thành lập mới, sáp nhập, giải thể, chia tách, điều chỉnh, nâng cấp đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh và tổng hợp tình hình tranh chấp địa giới hành chính trong địa bàn khu vực phía Nam. Tổ chức khảo sát thực địa theo chỉ đạo của Bộ trưởng và hướng dẫn của Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương để lập báo cáo và đề xuất phương án giải quyết;

b) Theo dõi tiến độ thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, quy trình bầu thành viên Uỷ ban nhân dân để báo cáo Bộ trưởng và gửi Vụ Chính quyền địa phương tổng hợp chung;

c) Xác minh hồ sơ nhân sự của người được giới thiệu ứng cử chức danh thành viên Uỷ ban nhân dân theo phân công của Bộ trưởng để Vụ Chính quyền địa phương tổng hợp và làm thủ tục theo quy định;

d) Tham dự kỳ họp của Hội đồng nhân dân, phiên họp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi được lãnh đạo Bộ phân công; tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng nội dung kỳ họp, phiên họp và thông báo cho Vụ Chính quyền địa phương những nội dung có liên quan để tổng hợp;

đ) Theo dõi tình hình thực hiện chính sách cán bộ xã và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở theo địa bàn khu vực phía Nam, báo cáo Bộ trưởng và thông báo cho Vụ chính quyền địa phương những vấn đề nảy sinh để xử lý, giải quyết;

e) Phối hợp với Vụ Chính quyền địa phương tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước đối với cán bộ, công chức cơ sở theo phân công của Bộ trưởng;

[...]