Quyết định 487/QĐ-VKSTC-V7 năm 2008 giao nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của cơ quan tư pháp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 487/QĐ-VKSTC-V7
Ngày ban hành 04/09/2008
Ngày có hiệu lực 04/09/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Trần Quốc Vượng
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 487/QĐ-VKSTC-V7

Hà Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

GIAO NHIỆM VỤ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP CỦA CÁC CƠ QUAN TƯ PHÁP

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

- Căn cứ Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2002

- Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 2007, Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004.

- Căn cứ Qui chế về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát, ban hành kèm theo Quyết định số 59/2006/QĐ-VKSTC-V7 ngày 06/02/2006 của Viện trưởng VIện kiểm sát nhân dân tối cao; Quyết định số 04/QĐ-VKSTC-V9 ngày 14/01/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về phân công nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra án hình sự.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Các Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự (Vụ 1, Vụ 1A, Vụ 1B, Vụ 1C, Vụ 2) kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động điều tra án hình sự của Cơ quan điều tra Bộ Công an (theo phân công tại Điều 1 Quyết định số 04/QĐ-VKSTC-V9 ngày 14/01/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ).

Vụ 1A còn có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động điều tra án hình sự của Cơ quan điều tra

(Cục 6) thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Các Phòng, bộ phận thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm thuộc Viện kiểm sát nhân dân các cấp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động điều tra án hình sự của Cơ quan điều tra Công an cùng cấp và giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cùng cấp.

Điều 2. Các đơn vị kiểm sát xét xử có nhiệm vụ:

1. Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (Vụ 3) kiểm sát việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tối cao đối với các bản án, quyết định hình sự có hiệu lực pháp luật.

Phòng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Các viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm (Viện phúc thẩm 1,2,3) kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động xét xử phúc thẩm của các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao.

3. Các đơn vị: Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự (Vụ 5); Vụ kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo qui định của pháp luật (Vụ 12) (sau đây gọi chung là dân sự) kiểm sát việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân tối cao đối với các bản án, quyết định dân sự có hiệu lực pháp luật.

Phòng, bộ phận kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự của Viện kiểm sát nhân dân các cấp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động thu thập chứng cứ và xét xử sơ thẩm các vụ việc dân sự của Tòa án cùng cấp theo qui định tại thông tư số 03 ngày 01/09/2005 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Các Phòng, bộ phận kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh kiểm sát việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động xét xử các vụ án dân sự theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Điều 3. Vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù (Vụ 4) có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ Công an về việc chấp hành pháp luật trong tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù.

Phòng kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Công an cùng cấp về việc chấp hành pháp luật trong tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù.

Điều 4. Vụ kiểm sát thi hành án (Vụ 10) kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự của Cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ tư pháp, Cơ quan thi hành án dân sự các cấp; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự của các cơ quan thi hành án hình sự (bao gồm Cơ quan Công an các cấp, Chính quyền địa phương và cơ quan của người bị kết án cư trú, làm việc khi họ chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ).

Phòng kiểm sát thi hành án thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự của Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự của các cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Chính quyền địa phương và Cơ quan của người bị kết án cư trú, làm việc khi họ chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ.

Điều 5. Vụ khiếu tố có nhiệm vụ sau:

1. Giúp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo dõi, quản lý thống nhất toàn ngành về công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp; Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về các hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp trong từng thời gian cụ thể (6 tháng, 1 năm) hoặc theo yêu cầu của các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở Trung ương như: Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Quốc hội, UBTV Quốc hội…

2. Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp trong trường hợp cần thiết do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các hoạt động tư pháp, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành lập Đoàn kiểm sát gồm thành viên Vụ khiếu tố và các Vụ nghiệp vụ có liên quan; trên cơ sở kết quả kiểm sát, tổng hợp các vi phạm của các cơ quan tư pháp để tham mưu cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

3. hướng dẫn nghiệp vụ cho các Viện kiểm sát nhân dân các cấp về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp của các cơ quan tư pháp.

Điều 6. Thủ trưởng các đơn vị Vụ 1, Vụ 1A, Vụ 1B, Vụ 1C, vụ 2, Vụ 3, Vụ 4, Vụ 5, Vụ 10, Vụ 12, Viện phúc thẩm 1, Viện phúc thẩm 2, Viện phúc thẩm 3 có trách nhiệm gửi kết quả kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp mà đơn vị đã thực hiện định kỳ 1 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc khi có yêu cầu đột xuất báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (thông qua Vụ khiếu tố).

Các Phòng nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm gửi kết quả kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tư pháp, định kỳ 1 tháng, 6 tháng, 1 năm hoặc khi có yêu cầu đột xuất báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (thông qua phòng khiếu tố).

[...]