Quyết định 1592/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Kế hoạch phát triển đào tạo nghề từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015 của tỉnh Kiên Giang

Số hiệu 1592/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/08/2007
Ngày có hiệu lực 22/08/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kiên Giang
Người ký Bùi Ngọc Sương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1592/QĐ-UBND

Rạch Giá, ngày 22 tháng 8 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÀO TẠO NGHỀ TỪ NAY ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2015 CỦA TỈNH KIÊN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 139/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động về dạy nghề; Quyết định số 20/2006/QĐ-TTg ngày 20/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17 tháng 4 năm 2007 của Tỉnh ủy Kiên Giang về phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 33/2007/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 của tỉnh Kiên Giang;

Xét Tờ trình số 636/TTr-LĐTBXH ngày 08 tháng 8 năm 2007 của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về phê duyệt Kế hoạch phát triển đào tạo nghề từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015 của tỉnh Kiên Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển đào tạo nghề từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, bao gồm các nội dung cơ bản sau:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

Chuyển dạy nghề từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động; tăng nhanh quy mô và chất lượng dạy nghề; tập trung đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy nhanh xã hội hóa, mở rộng khả năng dạy nghề ở các bậc học; phát huy tiềm năng lợi thế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề để đến năm 2010 mạng lưới dạy nghề đạt 49 cơ sở; giai đoạn đến năm 2015 tăng lên thêm 23 cơ sở;

- Tăng quy mô tuyển sinh dạy nghề giai đoạn 2007 - 2010 lên 116.196 người; trong đó trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề là 11.040 học sinh, sinh viên, sơ cấp nghề 105.156 người; đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 23%, bao gồm: lĩnh vực nông lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 39%, công nghiệp - xây dựng 17%, giao thông vận tải - dịch vụ và du lịch 44%.

Đến năm 2015, tổng số lao động được học nghề là 189.720 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 40,7%; trong đó lĩnh vực nông lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 38,6%, công nghiệp - xây dựng 26,4%, dịch vụ - giao thông vận tải - du lịch 35%;

- Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề, đảm bảo số học sinh học nghề ngoài ngân sách nhà nước chiếm 40%/năm trở lên;

- Giải quyết việc làm cho số học sinh, sinh viên tốt nghiệp hàng năm đạt 60 – 70%;

- Tuyển mới, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy nghề đến năm 2010 tỷ lệ giáo viên/học sinh đạt khoảng 1/20; 100% giáo viên đạt chuẩn đào tạo; 10% giáo viên trong các trường cao đẳng, trung cấp nghề có trình độ sau đại học.

II. Các giải pháp:

1. Tuyên truyền:

Tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là Luật Giáo dục và Luật Dạy nghề. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phân cấp triệt để hợp lý nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở dạy nghề.

2. Thực hiện xã hội hóa, tăng cường nguồn lực tài chính cho dạy nghề:

Khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và cá nhân thành lập trường, trung tâm dạy nghề ngoài công lập; trên cơ sở vận dụng và ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, thuê đất, tín dụng... tạo cơ hội cho mọi người lao động có nhu cầu, được học nghề phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở dạy nghề công lập theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP và Nghị định 53/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Tăng chi ngân sách cho dạy nghề giai đoạn 2007-2010 để đạt tỷ lệ 10-12%/năm trong tổng chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo; giai đoạn 2010-2015 đạt tỷ lệ 14 - 16%.

3. Đổi mới nội dung, chương trình và liên thông đào tạo:

Xây dựng chương trình liên thông, giữa các trình độ dạy nghề với các trình độ khác trong hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Trung ương. Chuyển nhanh phương pháp dạy nghề từ truyền đạt thụ động sang phương pháp tích cực, tạo chủ động sáng tạo trong học tập; song song với việc sử dụng công nghệ thông tin và công cụ video, máy chiếu, internet vào quá trình giảng dạy.

[...]