Quyết định 992/QĐ-BNV năm 2022 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Vụ Pháp chế do Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành

Số hiệu 992/QĐ-BNV
Ngày ban hành 05/12/2022
Ngày có hiệu lực 05/12/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nội vụ
Người ký Phạm Thị Thanh Trà
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ NỘI VỤ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 992/QĐ-BNV

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC CỦA VỤ PHÁP CHẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/201 6/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 63/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

Vụ Pháp chế là tổ chức thuộc Bộ Nội vụ, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ về công tác pháp chế trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Vụ Pháp chế tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Về công tác xây dựng pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh trình Bộ trưởng gửi Bộ Tư pháp để lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; lập đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ trình Bộ trưởng gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp để lập dự kiến chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ; lập dự kiến chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của Bộ Nội vụ. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Chủ trì thẩm định dự thảo thông tư của Bộ trưởng Bộ Nội vụ theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tham gia Hội đồng thẩm định và Hội đồng tư vấn thẩm định đối với các văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo phân công của lãnh đạo Bộ;

c) Tham gia ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì xây dựng trước khi Lãnh đạo Bộ ký trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định;

d) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo phân công của lãnh đạo Bộ;

đ) Phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

e) Giúp Bộ trưởng theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện công tác xây dựng pháp luật của Bộ.

2. Về công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ. Tổ chức thực hiện kế hoạch, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;

b) Định kỳ hằng năm trình Bộ trưởng kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ và phương án xử lý những quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp;

c) Xây dựng báo cáo về kết quả công tác rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trình Bộ trưởng gửi Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

3. Về công tác kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan giúp Bộ trưởng kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật;

b) Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị liên quan tự kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật;

c) Tham mưu xử lý hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý văn bản trái pháp luật theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

d) Giúp Bộ trưởng đôn đốc, chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Bộ;

[...]