Quyết định 95/2002/QĐ-TTg về kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam đến năm 2005 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 95/2002/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/07/2002
Ngày có hiệu lực 17/07/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 95/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TỔNG THỂ VỀ ỨNG DỤNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÔNG TIN Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2005.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 07/2000 /NQ-CP ngày 05 tháng 6 năm 2000 của Chính Phủ về xây dựng và phát triển công nghiệp phần mềm giai đoạn 2000-2005;
Căn cứ vào Quyết định số 81/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình hành động triển khai chỉ thị số 58-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hoá giai đoạn 2001-2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (tờ trình số 2297/TTr-BKHCNMT ngày 15 tháng 8 năm 2001) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tờ trình số 3215 BKH/VPTĐ ngày 23 tháng 5 năm 2002),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch tổng thể về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (CNTT) ở Việt Nam đến năm 2005 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU

Đến năm 2005 ứng dụng và phát triển CNTT Việt Nam đạt những đặc trưng và chỉ tiêu cơ bản sau:

1. Trình độ và hiệu quả ứng dụng CNTT trung bình trong cả nước đạt mức trung bình của các nước trong khu vực; ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội và các ngành kinh tế mũi nhọn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân ở Trung ương, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đạt trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực. 

2. Phát triển mạng viễn thông và Internet có công nghệ hiện đại với thông lượng ngày càng lớn, tốc độ và chất lượng cao, cung cấp cho xã hội, người tiêu dùng các dịch vụ đa dạng với giá cả tương đương mức bình quân của các nước trong khu vực. Đến năm 2005, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước được kết nối bằng cáp quang, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 4 đến 5% trên tổng số dân.

3 . Công nghiệp CNTT đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 20 - 25%, hỗ trợ các ngành quan trọng phát triển, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao và bền vững của nền kinh tế.

4. Đào tạo thêm 50.000 chuyên gia về CNTT ở các trình độ khác nhau, trong đó có 25.000 chuyên gia trình độ cao và lập trình viên chuyên nghiệp, thông thạo ngoại ngữ cần thiết cho CNTT.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH

1. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong những lĩnh vực ưu tiên

a) Các lĩnh vực kinh tế - xã hội đóng vai trò quan trọng thiết yếu nhằm góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của các doanh nghiệp; phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn.

b) Trong an ninh và quốc phòng.

c) Trong các dịch vụ hành chính nhà nước và các dịch vụ xã hội khác. Trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

d) Xây dựng và đưa vào hoạt động một số hệ thống thông tin điện tử, từng bước kiến tạo hạ tầng thông tin quốc gia tiến tới một hệ thống thông tin quốc gia thống nhất.

2. Phát triển mạng viễn thông và Internet quốc gia

Phát triển mạng viễn thông và Internet tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả an toàn và tin cậy, phủ sóng trong cả nước. Hình thành xa lộ thông tin quốc gia có dung lượng lớn, tốc độ cao. Cung cấp dịch vụ truy cập băng rộng đến tận hộ tiêu dùng: cáp quang, vô tuyến băng rộng, thông tin vệ tinh vv... Phát triển các mạng thông tin dùng riêng.

Đẩy nhanh việc phổ cập Internet trong các hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có thể tiếp cận, truy cập Internet với chất lượng tốt, giá cả tương đương mức bình quân các nước trong khu vực.

Phát triển Internet để ứng dụng các loại hình dịch vụ và ứng dụng CNTT khác nhau như: báo chí điện tử, thương mại điện tử, hành chính điện tử, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, giáo dục, đào tạo, y tế qua mạng... phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Mở cửa cho phép thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ kết nối (IXP), dịch vụ truy nhập (ISP), dịch vụ ứng dụng (OSP) tham gia cạnh tranh bình đẳng nhằm nâng cao hiệu quả và thúc đẩy  thị trường phát triển.

Tới năm 2005 số người sử dụng Internet tăng ít nhất 10 lần so với năm 2000, đạt chỉ tiêu 1,3 đến 1,5 thuê bao/100 dân. Tỷ lệ người sử dụng Intemet đạt 4 đến 5 % trên tổng số dân: Tạo điều kiện cơ bản để đến năm 2010 tỷ lệ người sử dụng Intemet của Việt Nam đạt mức trung bình khu vực.

Năm 2002 - 2003 tất cả các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề được kết nối Intemet. Năm 2005: 50% số trường phổ thông trung học trên toàn quốc; tất cả các bệnh viện tuyến Trung ương và trên 50% số bệnh viện tuyến tỉnh được kết nối Internet.

Năm 2005 mạng thông tin của tất cả các Bộ, ngành, các cơ quan hành chính của bộ máy quản lý nhà nước Trung ương, chính quyền địa phương cấp tỉnh và huyện được kết nối với mạng diện rộng của Chính phủ và Internet; hầu hết cán bộ, công chức tại các đơn vị trên có khả năng sử dụng các ứng dụng trên Internet phục vụ công tác chuyên môn; đưa Internet vào phục vụ nền hành chính công điện tử.

3. Xây dựng ngành công nghiệp CNTT

a) Công nghiệp phần mềm

[...]