Quyết định 95/2001/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét triển vọng đến năm 2020 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 95/2001/QĐ-TTg
Ngày ban hành 22/06/2001
Ngày có hiệu lực 07/07/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 95/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 6 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 95/2001/QĐ-TTG NGÀY 22 THÁNG 6 NĂM 2001 PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2001 - 2010 CÓ XÉT TRIỂN VỌNG ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (Công văn số 149 EVN/HĐQT-KH ngày 21 tháng 6 năm 2000); ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước về các Dự án đầu tư (Công văn số 95/TĐNN ngày 24 tháng 11 năm 2000); ý kiến của các Bộ, ngành liên quan về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 có xét triển vọng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 có xét triển vọng đến năm 2020 (gọi tắt Quy hoạch điện V) theo các nội dung chính sau đây:

1. Về nhu cầu phụ tải:

Phát triển ổn định, nâng cao chất lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phụ tải cho sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đến hết năm 2005, các nhà máy điện trong cả nước sản xuất đạt sản lượng từ 45 đến 50 tỷ kWh, dự báo năm 2010 đạt sản lượng từ 70 đến 80 tỷ kWh và năm 2020 đạt sản lượng từ 160 - 200 tỷ kWh.

2. Về phát triển nguồn điện:

a) Phát triển nguồn điện phải đáp ứng nhu cầu phụ tải nói trên, đảm bảo cung cấp điện an toàn, chất lượng, ổn định, hiệu qủa, hợp lý để phát triển kinh tế - xã hội. Khai thác tối đa các nguồn năng lượng có hiệu quả kinh tế như: thuỷ điện, nhiệt điện khí, nhiệt điện than, nhiệt điện dầu, các dạng năng lượng mới... kết hợp với từng bước trao đổi điện hợp lý với các nước trong khu vực. Ưu tiên xây dựng các nhà máy thuỷ điện có các lợi ích tổng hợp như: chống lũ, cấp nước, sản xuất điện. Phát triển thuỷ điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời... cho các khu vực xa lưới điện, miền núi, biên giới, hải đảo.

b) Việc cân đối nguồn điện phải tính các phương án xây dựng với đầu tư chiều sâu và đổi mới công nghệ các nhà máy đang vận hành; đáp ứng tiêu chuẩn môi trường; sử dụng công nghệ hiện đại đối với các nhà máy điện mới.

- Kết hợp với các nguồn điện đầu tư theo các hình thức xây dựng nhà máy điện độc lập (IPP), nhà máy điện BOT, liên doanh và trao đổi điện với các nước láng giềng... để đáp ứng điện cho từng khu vực và cho cả hệ thống điện.

- Tổng công suất các dự án được đầu tư theo các hình thức BOT, IPP, Liên doanh... có nguồn vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ không quá 20% công suất cực đại của hệ thống.

c) Cơ cấu nguồn điện phải tính toán cho phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với nguồn nhiên liệu, đảm bảo hiệu quả khai thác của hệ thống và đặc điểm của từng địa phương để chủ động cung cấp điện theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô và mùa mưa, kể cả năm thuỷ điện ít nước, giờ cao điểm và giờ thấp điểm, đáp ứng nguồn nước phục vụ nông nghiệp và tham gia chống lũ khi cần thiết.

d) Đẩy mạnh các công trình nguồn điện theo kế hoạch và tiến độ đề ra (xem danh mục tại Phụ lục 1 kèm theo Quyết định này).

Công suất, địa điểm và thời gian xây dựng các công trình nguồn điện sẽ được cấp có thẩm quyền quyết định khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của từng dự án cụ thể.

3. Về phát triển lưới điện:

a) Xây dựng lưới điện từ cao thế xuống hạ thế phải đồng bộ với nguồn điện. Khắc phục tình trạng lưới điện không an toàn, lạc hậu, chắp vá, tổn thất còn cao như hiện nay.

b) Thẩm quyền quyết định đầu tư đối với các công trình phát triển lưới điện được thực hiện như sau:

- Thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án đường dây tải điện và trạm biến áp theo quy định chung của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng (Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ). Các dự án do các ngành, các địa phương quyết định đầu tư cần có sự thống nhất với ngành điện.

- Đối với các công trình trạm biến áp và đường dây tải điện có cấp điện áp 110 kV trở xuống, do Hội đồng Quản trị Tổng công ty Điện lực Việt Nam quyết định phù hợp với Quyết định này.

- Các công trình lưới điện phát triển sau năm 2010, Bộ Công nghiệp phối hợp với các ngành và địa phương chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam xác định cụ thể theo quy hoạch và kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

c) Các dự án phát triển lưới điện theo danh mục tại Phụ lục 2 kèm theo Quyết định này.

4. Về cấp điện cho nông thôn, miền núi:

a) Bộ Công nghiệp phối hợp với các ngành, địa phương liên quan chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện Quyết định số 22/1999/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án điện nông thôn và Quyết định số 294/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư dự án năng lượng nông thôn theo kế hoạch và tiến độ đề ra.

b) Bộ Công nghiệp phối hợp với các ngành và địa phương có đề án giải quyết điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, trong đó kiến nghị các cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Đề án cần phân loại các vùng cấp điện từ hệ thống điện quốc gia và các vùng cấp điện tại chỗ bằng các nguồn điện điezel, điện gió, điện mặt trời, thuỷ điện nhỏ, địa nhiệt... Đối với những vùng cấp điện từ hệ thống điện quốc gia nhưng có thể phát triển nguồn tại chỗ có hiệu quả thì cần xem xét để phát triển các nguồn điện này.

5. Về nguồn vốn đầu tư:

a) Tổng công ty Điện lực Việt Nam giữ vai trò chủ đạo đáp ứng điện cho phát triển kinh tế, xã hội và sinh hoạt của nhân dân. Tổng công ty Điện lực Việt Nam được huy động mọi nguồn vốn để đầu tư các công trình nguồn và lưới điện theo cơ chế tự vay, tự trả (vay vốn ODA, vay vốn tín dụng trong và ngoài nước, vay tín dụng xuất khẩu của người cung cấp thiết bị, vay vốn thiết bị trả bằng hàng...) và tiếp tục thực hiện cơ chế Trung ương, địa phương, Nhà nước và nhân dân cùng làm để phát triển lưới điện nông thôn.

[...]