Quyết định 898/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước”

Số hiệu 898/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/05/2013
Ngày có hiệu lực 13/05/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Cao
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 898/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 13 tháng 05 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ TRỞ THÀNH MỘT TRONG NHỮNG TRUNG TÂM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CỦA CẢ NƯỚC”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Nghị Quyết số 07-NQ/TU ngày 15 tháng 11 năm 2011 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 751/QĐ-UBND ngày 03 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt đề cương và kinh phí đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước”;

Căn cứ Quyết định số 1104/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2012 về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ V về Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 218/TTr-SKHCN ngày 25 tháng 3 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước” (có đề án chi tiết kèm theo) với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, có hệ thống thiết chế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ; có đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ khả năng tiếp thu, làm chủ, phát triển các công nghệ tiên tiến và hiện đại hóa công nghệ truyền thống; có nhiều công trình nghiên cứu giá trị trên các lĩnh vực khoa học và công nghệ; đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành động lực then chốt, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đến năm 2020 có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của cả nước.

II. Mục tiêu cụ thể

1. Đến năm 2015, hình thành, phát triển các thể chế khoa học và công nghệ của tỉnh và bước đầu triển khai việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghệ cao. Đến năm 2020, hình thành một số phòng thí nghiệm trọng điểm đạt trình độ quốc gia và khu vực.

2. Đến năm 2015, cơ bản đáp ứng nhu cầu kiểm nghiệm hóa dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và kiểm định tất cả các loại hàng hóa, công trình, công nghệ trên địa bàn. Đến năm 2020, khoa học và công nghệ có được vai trò chủ đạo tạo bước đột phá cho nền kinh tế của tỉnh, đạt được mức đáng kể về sản phẩm công nghiệp công nghệ cao mang thương hiệu Huế; có được các sản phẩm khoa học và công nghệ mang tầm khu vực về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, về ứng dụng công nghệ cao trong y dược và công nghệ bảo tồn, trùng tu di tích.

3. Đến năm 2015, số lượng công bố quốc tế và quốc gia từ các đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách tăng 2 lần, số lượng đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tăng lên 10 lần so với hiện nay; tăng số lượng hội thảo, hội nghị khoa học mang tầm quốc gia và quốc tế và có công trình khoa học được tặng giải thưởng nhà nước.

4. Tăng tổng mức đầu tư xã hội cho hoạt động khoa học và công nghệ đạt 1,5 % GDP vào năm 2015 và trên 2 % GDP vào năm 2020. Bảo đảm mức đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh.

5. Đến năm 2015, số cán bộ khoa học và công nghệ đạt 9 - 10 người trên một vạn dân và năm 2020 đạt 11 - 12 người trên một vạn dân. Đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đủ năng lực để quản lý, điều hành, tiếp nhận và làm chủ dây chuyền sản xuất công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh.

6. Năm 2015 đạt trình độ, năng lực về công nghệ vượt mức trung bình cả nước, có những công nghệ mang chỉ dẫn địa lý của địa phương. Tăng chỉ số đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp TFP (phần giá trị tăng trưởng do công nghệ, tri thức, trình độ quản lý) trong GDP đạt trên 32% vào năm 2015 và 35% vào năm 2020.

7. Xây dựng Đại học Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 thành trung tâm đào tạo đại học và sau đại học đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia và khu vực; là trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ mạnh về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội - nhân văn, giáo dục, quản lý, nông nghiệp, y dược, kỹ thuật và công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng và khu vực.

8. Xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo hướng trung tâm y học cao cấp, ngang tầm khu vực và quốc tế.

9. Đổi mới mô hình quản lý Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, định hướng đến năm 2017 là một đơn vị quản lý, khai thác, trùng tu, nghiên cứu di tích mang tầm quốc gia, khu vực.

III. Mô hình để phát triển tại Thừa Thiên Huế là mô hình chuyển đổi hệ thống đổi mới khoa học và công nghệ

Các tổ chức khoa học và công nghệ hiện hành hình thành và phát triển theo con đường này có thể cải biến hoặc chuyển đổi sang mô hình hoặc loại hình khác, không phải thành lập mới; có thể thay đổi lĩnh vực hoạt động sang một lĩnh vực lân cận, có liên quan hoặc có thể không thay đổi lĩnh vực hoạt động, mà chỉ mở rộng hoặc thay đổi về hình thức tổ chức, đổi mới công nghệ, nhân sự... để kế thừa các nguồn lực và kinh nghiệm về nghiên cứu khoa học và công tác quản lý. Kết hợp hài hòa giữa yếu tố nội sinh và yếu tố ngoại sinh; tiếp thu, làm chủ và sáng tạo các thành tựu về khoa học và công nghệ của nước ngoài.

IV. Lựa chọn lĩnh vực khoa học và công nghệ để phát triển tại Thừa Thiên Huế

1. Khoa học xã hội và nhân văn

a) Tập trung nghiên cứu các vấn đề về quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội đặc thù của tỉnh, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Huế; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tình hình mới; phát huy nhân tố con người và văn hóa các dân tộc tại địa phương.

[...]