Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 886/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2012 – 2020 do tỉnh Hòa Bình ban hành

Số hiệu 886/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/07/2012
Ngày có hiệu lực 09/07/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Bùi Văn Tỉnh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 886/QĐ-UBND

Hoà Bình, ngày 9 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC, GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HOÀ BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 33/TTr-CAT-PV28 ngày 13/6/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giai đoạn 2012 – 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Bùi Văn Tỉnh

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC, GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 886/QĐ-UBND ngày 09/7/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình)

I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở lý luận

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, nhân dân là nền tảng của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT); phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) là phong trào cách mạng hết sức quan trọng và có tính chiến lược, do Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý điều hành để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trên mặt trận bảo vệ ANTT; trong đó lực lượng Công an đóng vai trò tham mưu nòng cốt.

Phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ là hoạt động tự giác, có tổ chức, được đông đảo nhân dân tích cực, tự giác tham gia để cùng phòng ngừa, phát hiện đấu tranh chống các thế lực thù địch, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG), giữ gìn trật tự an toàn xã hội (TTATXH), bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản hợp pháp của nhân dân.

Qua các thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết và các văn bản pháp quy để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, như: Kết luận số 86-KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo ANQG trong tình hình mới; Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân vững chắc”; “xây dựng lực lượng Công an nhân vững mạnh toàn diện; kết hợp lực lượng chuyên trách, bán chuyên trách, các cơ quan bảo vệ pháp luật với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ”; “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng an ninh”…

- Quyết định số 521/QĐ-TTg ngày 13/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” quy định: Hàng năm lấy ngày 19/8 là “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ”… nhằm thực hiện nội dung, yêu cầu: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng của các tầng lớp xã hội trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

2. Cơ sở thực tiễn

Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, những năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác đảm bảo ANTT và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Hàng năm, Tỉnh uỷ luôn dành sự quan tâm lãnh, chỉ đạo đối với việc xây dựng và phát huy tác dụng của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ bằng việc ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo chỉ đạo công tác đảm bảo ANTT, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch chỉ đạo thực hiện. Công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân, phát huy hiệu quả trong phòng chống tội phạm. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động 65 mô hình tự quản về ANTT, trong đó có 43 mô hình hoạt động có hiệu quả = 66%. Điển hình như các mô hình: “Tổ liên gia tự quản”; “Làng, thôn, xóm tự quản”; “Ổ nhà, dòng họ tự quản”; “Tiếng kẻng bình yên”; “Nhà nhà cây gậy vây bắt kẻ gian”; “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy”; “Giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa hòa nhập cộng đồng”; “Câu lạc bộ 19/8 v.v.. Các mô hình trên sau khi thực hiện thí điểm ở các khu dân cư, khẳng định hiệu quả trong phòng, chống tội phạm đã được nhân rộng ra nhiều địa phương khác, góp phần làm cho các khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp được đảm bảo an toàn về an ninh, trật tự, qua khảo sát toàn tỉnh có trên 50 % khu dân cư có phong trào khá và an toàn về an ninh, trật tự. Ngoài ra thông qua việc tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ” hàng năm từ các thôn, xóm, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học đã tạo được khí thế sôi nổi, mang ý nghĩa thiết thực trong công tác đảm bảo ANTT trên tinh thần tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hoà giải. Có thể khẳng định rằng khi người dân thực sự làm chủ trong việc tham gia bảo vệ ANTT, ý thực tự quản và tinh thần cảnh giác được nâng lên, là điều kiện cơ bản để duy trì phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đồng thời góp phần tích cực trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội ở cơ sở ngày càng trong sạch vững mạnh.

Tuy nhiên, tại một số địa bàn, cơ quan, đơn vị cấp uỷ, lãnh đạo chưa thực sự quan tâm chỉ đạo phong trào, chưa chủ động đối với công tác tổ chức và xây dựng phong trào, chưa nhân rộng được các mô hình điển hình tiên tiến hoặc xây dựng mô hình còn mang tính hình thức; có nhiều nghị quyết liên tịch, nhiều Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tai tệ nạn xã hội nội dung chồng chéo, hiệu quả hoạt động thấp. Kinh phí đầu tư cho phong trào còn hạn chế, một số nơi quần chúng nhân dân còn thiếu cảnh giác, chưa tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tố giác các loại tội phạm và vi phạm pháp luật. Các mô hình tự quản chưa được hướng dẫn thống nhất và quy định cụ thể về nội dung hoạt động nên hiệu quả chưa cao. Chất lượng hoạt động của lực lượng chuyên trách xây dựng phong trào và lực lượng Công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp cong mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu, do đó chưa thực sự làm tốt vai trò tham mưu nòng cốt và trực tiếp giải quyết công việc ở cơ sở.

Trong thời gian tới tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, tội phạm tăng cường hoạt động chống phá với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn nhằm tiếp tục thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình”, gây ra tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ; lợi dụng sơ hở để thâm nhập chống phá nội bộ, kích động lôi kéo thực hiện các hành vi chống phá ta. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm nguy hiểm, tội phạm mới có nhiều khó khăn phức tạp. Bên cạnh những mặt tích cực, còn phát sinh những vấn đề xã hội gay gắt, nếu không được giải quyết kịp thời ngay tại cơ sở sẽ làm xuất hiện những yếu tố tiềm ẩn là nguyên nhân phát sinh các vấn đề gây mất ổn định chính trị xã hội.

Trước yêu cầu tình hình thực tế, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số: 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma tuý trong tình hình mới; Nghị quyết số 09/CP ngày 31/7/1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới; Chỉ thị 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, Chỉ thị 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới. Thực hiện Kế hoạch số: ...-KH/TU ngày tháng năm 2012 của Tỉnh uỷ về thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW của Ban bí thư TW. Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ giai đoạn 2012 - 2020” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể nhân dân và của toàn dân tham gia bảo vệ ANQG, giữ gìn TTATXH.

II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

[...]