Quyết định 88/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 88/QĐ-TTg
Ngày ban hành 20/01/2017
Ngày có hiệu lực 20/01/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ,Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 88/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ VÀ THỰC THI CÓ HIỆU QUẢ PHÁP LUẬT BẢO HỘ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Căn cứ Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Đề án), với nội dung chính như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tạo chuyển biến, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; thúc đẩy sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng có giá trị phục vụ công chúng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2020:

- Hệ thống các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ Trung ương đến địa phương được củng cố, kiện toàn, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ; trong đó tập trung vào các tỉnh, thành phố trọng điểm hình thành các ngành công nghiệp văn hóa.

- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

- 70% cán bộ quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương được tham gia chương trình tập huấn nghiệp vụ.

- Khoảng 500 lượt người là các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan được tham dự các lớp tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan mỗi năm.

b) Phấn đấu đến năm 2025:

- 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cán bộ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

- Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.

- 100% cán bộ quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương được tham gia chương trình tập huấn nghiệp vụ.

- Khoảng 700 lượt người là các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan tham dự các lớp tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan mỗi năm.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nghiên cứu, rà soát, đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế.

2. Tăng cường năng lực quản lý và thực thi

a) Biên soạn cẩm nang tuyên truyền, tài liệu hỏi đáp về quản lý và thực thi pháp luật quyền tác giả, quyền liên quan;

[...]