Quyết định 879/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 879/QĐ-TTg
Ngày ban hành 09/06/2014
Ngày có hiệu lực 09/06/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 879/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 09 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm

a) Phát triển ngành công nghiệp trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế dân doanh và đầu tư nước ngoài.

b) Phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, trọng tâm trước mắt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trên cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến, lấy cạnh tranh là động lực phát triển.

c) Khai thác các lợi thế sẵn có và cơ hội quốc tế; gắn kết sản xuất với dịch vụ, thương mại, chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp thế giới.

d) Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia.

đ) Phát triển công nghiệp trên cơ sở tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

2. Chiến lược phát triển công nghiệp

Huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo; Ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược; Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Các nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển như sau:

a) Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo

- Nhóm ngành Cơ khí và Luyện kim

Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm: máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp, ôtô và phụ tùng cơ khí, thép chế tạo. Sau năm 2025, ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm: đóng tàu, kim loại màu và vật liệu mới.

- Nhóm ngành Hóa chất

Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên hóa chất cơ bản, hóa dầu và sản xuất linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; Giai đoạn sau năm 2025, ưu tiên phát triển nhóm ngành hóa dược.

- Nhóm ngành Chế biến nông, lâm, thủy sản

Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực và chế biến gỗ phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

- Nhóm ngành Dệt may, Da giầy

Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên sản xuất nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu; Giai đoạn sau năm 2025, ưu tiên sản xuất sản phẩm quần áo thời trang, giầy cao cấp.

b) Ngành Điện tử và Viễn thông

Giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên phát triển sản phẩm thiết bị máy tính, điện thoại và linh kiện. Giai đoạn sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ