BỘ VĂN HÓA,
THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
869/QĐ-BVHTTDL
|
Hà Nội, ngày
12 tháng 3 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC GIAO NHIỆM VỤ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN BAN HÀNH
CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN, PHÁT HUY BỀN VỮNG GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA GIAI ĐOẠN 2021 -
2030
BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Căn cứ Luật Di sản văn
hóa, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và Nghị định số
98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản
văn hoá;
Căn cứ Nghị định số
79/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Quyết định số
3356/QĐ-BVHTTDL ngày 20/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Di sản văn
hóa;
Căn cứ Thông báo số
09/TB-VPCP ngày 14/01/2021 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó
Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi làm việc với Hội đồng Di sản văn hóa quốc
gia nhiệm kỳ 2020 - 2024;
Theo đề nghị của Cục trưởng
Cục Di sản văn hóa.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Giao Cục Di sản văn hóa chủ trì phối hợp với các đơn vị
liên quan triển khai thực hiện xây dựng Đề án ban hành Chương trình bảo tồn,
phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2030 (Kế hoạch xây dựng
Đề án kèm theo).
Điều 2.
Kinh phí xây dựng Đề án được trích từ nguồn ngân sách sự
nghiệp văn hóa, nguồn không thường xuyên năm 2021 của Cục Di sản văn hóa.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Thủ
trưởng cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương;
- Lưu: VT, DSVH, LQV.09.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Đạo Cương
|
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH BẢO TỒN, PHÁT HUY
BỀN VỮNG GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
(Ban hành theo Quyết định số /QĐ-BVHTTDL ngày
tháng năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Thông báo số 09/TB-VPCP ngày 14/01/2021
của Văn phòng Chính phủ về việc giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Đề án
ban hành Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn
2021 - 2030, Cục Di sản văn hóa dự thảo kế hoạch triển khai xây dựng: Đề
án ban hành Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai
đoạn 2021 - 2030, cụ thể như sau:
I. MỤC
ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Việc xây dựng Đề án ban hành
Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 -
2030 nhằm nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành, huy động
sức mạnh của toàn xã hội tham gia, đóng góp vào sự nghiệp phát triển văn hoá, bảo
tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc, các công trình có
ý nghĩa biểu tượng quốc gia, ý nghĩa chính trị, lịch sử, truyền thống đặc sắc
hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự
phát triển bền vững đất nước.
2. Yêu cầu
- Bám sát yêu cầu về công
tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa theo quan điểm, chủ trương của Đảng
và quy định pháp luật của Nhà nước.
- Xác định cụ thể nội dung
công việc, nhiệm vụ ở các lĩnh vực di tích, phi vật thể, bảo tàng và di sản thời
tư liệu, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan trong
việc triển khai xây dựng dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ về việc
ban hành Đề án.
- Trong quá trình thực hiện,
phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan đơn vị, kịp thời đôn đốc,
tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đảm bảo tiến độ và hiệu quả.
II. THỜI
GIAN: Từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 3 năm 2021.
III. NỘI
DUNG KẾ HOẠCH
1. Triển khai các hoạt động
xây dựng Đề án ban hành Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản
văn hóa giai đoạn 2021 - 2030 ở các lĩnh vực di tích, phi vật thể, bảo tàng và
di sản tư liệu, theo các chuyên đề với nội dung theo các lĩnh vực, cụ thể như
sau:
1.1. Đối với lĩnh vực di
tích
- Đầu tư lập quy hoạch đối với
các di tích quốc gia đặc biệt; một số dự án tu bổ các hạng mục gốc của di tích
quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia đang đầu tư dở dang trong những năm qua: Cố
đô Huế, Phố cổ Hội An, Tháp Chăm Mỹ Sơn, Đền Hùng, Cố đô Hoa Lư, Lam Kinh,
Thành Nhà Hồ, Khu di tích Bà Triệu, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim
Liên, Đền Trần (Nam Định, Thái Bình), chùa Keo, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc,
Khu di tích Phố Hiến, Tháp Bình Sơn...
- Đầu tư tu bổ các di tích
cách mạng - kháng chiến quan trọng, tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ như: ATK (Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng
Sơn), Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế, Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh,
Địa điểm về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành cổ Quảng
Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, Địa đạo Vịnh Mốc
và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Khu căn cứ Cái Chanh… hệ thống các nhà tù tố
cáo tội ác: Nhà tù Côn Đảo, Nhà tù Sơn La, Phú Quốc… các dự án đường mòn Hồ Chí
Minh...
- Đầu tư tu bổ di tích khảo
cổ tiêu biểu: Cát Tiên, Óc Eo - Ba Thê, Gò Tháp, Mộ cự thạch Hàng Gòn, Phật viện
Đồng Dương, Hắc Y...
- Hỗ trợ chống xuống cấp, tu
bổ cấp thiết di tích quốc gia.
1.2. Đối với lĩnh vực di
sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu
- Xây dựng và triển
khai các Đề án, Dự án bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá phi vật thể,
di sản tư liệu đã được UNESCO ghi danh theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với
UNESCO và các di sản tiêu biểu, đặc sắc trong danh mục di sản văn hóa phi vật
thể quốc gia.
- Lập hồ sơ khoa học ghi
danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản tư liệu đối với
di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, di sản tư liệu quý cần được bảo
vệ.
- Hoàn thành việc tổng điều
tra di sản văn hoá phi vật thể, di sản tư liệu theo địa giới hành chính và theo
tộc người, xây dựng danh mục kiểm kê quốc gia.
- Xác định danh mục và triển
khai công tác sưu tầm, lưu giữ và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể, di sản
tư liệu tiêu biểu quốc gia, đặc biệt quan trọng.
1.3. Đối với lĩnh vực bảo
tàng
- Đầu tư xây dựng một số bảo
tàng công lập (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch tổng thể hệ
thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020), gồm: Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam,
Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Văn học Việt Nam, Bảo tàng Bưu điện Việt
Nam, Bảo tàng tỉnh Điện Biên, Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu...
- Đầu tư 1 - 2 dự án về
trung tâm bảo quản hiện vật theo chất liệu ở quy mô quốc gia.
- Đầu tư, nâng cấp, cải tạo
hệ thống trưng bày và kho bảo tàng bảo tàng công lập.
- Thực hiện một số Dự án sưu
tầm hiện vật của bảo tàng công lập.
- Triển khai các dự
án chỉnh lý, nâng cấp trưng bày các bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng tại các
vùng kinh tế trọng điểm, bảo tàng tại các địa bàn có sức thu hút khách du lịch.
- Thực hiện dự án kiểm
kê, sưu tầm di vật, hiện vật, cổ vật quý hiếm.
- Thực hiện các dự án
bảo quản đối với bảo vật quốc gia.
1.4. Về đào tạo, bồi dưỡng,
tập huấn cho nguồn nhân lực ngành di sản văn hóa
- Hợp tác, làm việc với các
cơ sở đào tạo, các cơ quan, tổ chức ở nước ngoài để xây dựng danh mục các cơ sở
đào tạo đối với từng ngành/chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn dài hạn và
ngắn hạn, thuộc các lĩnh vực của ngành di sản văn hóa, yêu cầu cụ thể về chuyên
môn, ngoại ngữ của từng cơ sở đào tạo đối với ứng viên Việt Nam, mời chuyên gia
vào Việt Nam để giảng dạy, hỗ trợ chuyên môn nghiệp vụ và chuyển giao, ứng dụng
công nghệ.
- Cử nhân lực đi đào tạo dài
hạn, bồi dưỡng tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ ở nước
ngoài.
- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi
dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ ở trong nước.
- Tổ chức các cuộc thi, hoạt
động chuyên môn, chuyên ngành nhằm đánh giá chất lượng nguồn nhân lực ngành di
sản văn hóa để có kế hoạch nâng cao năng lực, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực
cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời kỳ mới, hội
nhập quốc tế.
1.5. Thực hiện tuyên truyền,
giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa
- Tổ chức trưng bày, giới
thiệu di sản văn hóa tại các bảo tàng trong nước và một số bảo tàng, trung tâm
văn hóa ở nước ngoài.
- Tổ chức các liên hoan,
trình diễn di sản văn hóa phi vật thể ở trong nước và quốc tế.
- Tổ chức các cuộc thi sáng
tác về di sản văn hóa.
- Tổ chức các hoạt động
thông tin, tuyên truyền giới thiệu về di sản văn hóa trên các phương tiện truyền
thông.
1.6. Triển khai ứng dụng
công nghệ thông tin để tư liệu hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản
văn hóa
- Thực hiện các dự án
ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác chuyên môn và quản lý ở lĩnh vực bảo
tàng, di tích, phi vật thể và di sản tư liệu (trưng bày, thuyết minh, bảo quản,
tu bổ, phục chế, thực hành, trao truyền...).
- Xây dựng và triển
khai thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý, bảo vệ và phát
huy giá trị di sản văn hóa.
- Thực hiện các dự án
số hóa các di sản ở các lĩnh vực di tích, bảo tàng, di sản văn hóa phi vật thể
và di sản tư liệu ở quy mô quốc gia để thống nhất quản lý và lưu giữ.
1.7. Thực hiện các hoạt động
hợp tác quốc tế:
Đoàn ra, đoàn vào, hợp tác một
số nước có thế mạnh về di sản văn hóa ở các lĩnh vực để huy động nguồn lực, các
dự án, mời chuyên gia hỗ trợ liên quan đến hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị
di sản văn hóa và đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở trong nước.
2. Hoàn thiện Đề án và hồ sơ
trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê
duyệt.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Nội dung công việc, tiến
độ thực hiện
1.1. Dự thảo Quyết định
trình Lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ Cục Di sản văn hóa chủ trì phối hợp với các đơn
vị liên quan triển khai thực hiện xây dựng Đề án ban hành Chương trình bảo tồn,
phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 - 2030: Tháng 3 năm
2021.
1.2. Dự thảo Quyết định
trình Lãnh đạo Bộ thành lập Tổ Soạn thảo xây dựng Đề án: Tháng 3 năm 2021.
1.3. Xây dựng Đề án ban hành
Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 -
2030: Tháng 3 năm 2021.
1.4. Tổ chức các cuộc họp Tổ
soạn thảo lấy ý kiến về Dự thảo Đề án; tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án:
Tháng 3 năm 2021.
1.5. Tổ chức các Hội thảo lấy
ý kiến của các cơ quan, chuyên gia, nhà khoa học về nội dung Dự thảo Đề án; tiếp
thu, hoàn thiện Đề án: Tháng 3 năm 2021.
1.6. Xin ý kiến góp ý Vụ
Pháp chế, Vụ Kế hoạch, Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan: Tháng 3 năm
2021.
1.7. Hoàn thiện Hồ sơ Đề án,
báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt: Tháng 3 năm
2021.
2. Phân công nhiệm vụ
2.1. Đơn vị chủ trì: Cục
Di sản văn hóa
- Chủ trì, tham mưu Lãnh đạo
Bộ ban hành Kế hoạch triển khai; thành lập Tổ Soạn thảo xây dựng Đề án;
- Chủ trì, phối hợp với các
cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động xây dựng Đề án.
- Trong quá trình thực hiện
kế hoạch, nếu có vướng mắc phát sinh, Cục Di sản văn hóa là đầu mối báo cáo
lãnh đạo Bộ để kịp thời giải quyết.
2.2. Đơn vị phối hợp
2.2.1. Vụ Pháp chế
- Phối hợp xây dựng, biên tập
Hồ sơ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được
giao.
- Chịu trách nhiệm thẩm định
Hồ sơ dự thảo Quyết định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
2.2.2. Vụ Kế hoạch, Tài
chính
- Phối hợp xây dựng, biên tập
Hồ sơ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được
giao.
- Phối hợp bảo đảm kinh phí
xây dựng Hồ sơ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo quy định hiện
hành.
V. HỒ SƠ
SẢN PHẨM TRÌNH THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
1. Tờ trình Thủ tướng Chính
phủ quyết định chủ trương đầu tư Đề án ban hành Chương trình.
2. Dự thảo Quyết định phê
duyệt Đề án trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Đề án được lãnh đạo Bộ phê
duyệt trình Thủ tướng Chính phủ (kèm theo phụ lục).
4. Báo cáo đề xuất chủ
trương đầu tư Đề án.
VI. KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí xây dựng Đề
án ban hành Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai
đoạn 2021 - 2030 được bố trí từ nguồn ngân sách sự nghiệp văn hóa, nguồn
không thường xuyên năm 2021 của Cục Di sản văn hóa./.