ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
855/2007/QĐ-UBND
|
Huế, ngày 02
tháng 4 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NGĂN CHẶN VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG
TRẺ EM BỊ XÂM PHẠM TÌNH DỤC” GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh phòng chống
mại dâm số 10/2003/PL-UBTVQH ngày 17 tháng 03 năm 2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc
Hội;
Căn cứ Quyết định số
19/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê
duyệt Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em
bị xâm hại tình dục và trẻ em bị lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại,
nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Đề án “Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị
xâm phạm tình dục” giai đoạn 2006 - 2010.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Trưởng
ban Ban chỉ đạo phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và phòng, chống ma tuý, mại
dâm; Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định
này./.
|
TM.ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Ngô Hòa
|
ĐỀ ÁN
NGĂN CHẶN VÀ GIẢI QUYẾT TÌNH TRẠNG TRẺ EM BỊ XÂM PHẠM TÌNH DỤC
(GIAI ĐOẠN 2006 - 2010)
( Ban hành kèm theo Quyết định số: 855/2007/QĐ-UBND ngày 02 tháng 04 năm
2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế )
A. PHẦN MỞ ĐẦU:
Trong những năm qua, thực hiện
đường lối đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo,
theo con đường xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công
bằng, dân chủ và văn minh”, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu quan trọng: nền
kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng và phát triển nhanh, văn hoá - xã hội có bước
tiến mới, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng an ninh được giữ vững,
đã tạo và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước và chế độ... Tuy vậy,
trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế, đặc biệt là sự tác động từ mặt trái của
nền kinh tế thị trường, lại chịu ảnh hưởng phức tạp của tình hình thế giới, nhiều
vấn đề xã hội vốn đã khó giải quyết, nay càng trở nên phức tạp và bức xúc hơn
như: Vấn đề việc làm, công bằng xã hội, tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó bức
xúc nhất là tệ nạn mại dâm mà đặc biệt là tệ nạn xâm hại tình dục ở trẻ em đã
phát triển cả về quy mô, tính chất, gây hậu quả nhiều mặt, cản trở việc thực hiện
các mục tiêu tiến bộ xã hội, đã và đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn quân, toàn
dân ta những nhiệm vụ hết sức nặng nề.
Trước tình hình đó, để phòng ngừa,
ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn này, Đảng và Nhà nước ta đã có những
giải pháp về tổ chức cũng như đề ra các Nghị quyết, chỉ thị, các văn bản pháp
luật quan trọng. Các văn bản đó đã tạo thành một hệ thống cơ sở pháp lý về
phòng chống mại dâm nói chung, xâm hại tình dục ở trẻ em nói riêng, góp phần
tích cực và hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội hiện nay.
Trước đây, cũng như hiện nay,
cùng với cả nước, tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang dấy lên phong trào phòng chống
tệ nạn mại dâm nói chung, xâm hại tình dục ở trẻ em nói riêng một cách sâu rộng,
quyết liệt và mạnh mẽ nhằm từng bước đẩy lùi căn nguyên, làm lành mạnh môi trường
xã hội, xứng đáng với vị trí là trung tâm giáo dục, văn hóa, du lịch, là nơi có
nhiều di tích, thắng cảnh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Đảng
bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm phấn đấu
thực hiện các chương trình phòng chống tệ nạn xã hội, trong đó có Chương trình
phòng chống mại dâm của Quốc gia, Chương trình ngăn chặn và giải quyết tình trạng
trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh, làm động lực tốt cho việc phát
triển kinh tế xã hội, văn hóa du lịch. Đây là ước mơ, nguyện vọng, ý chí của
nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và của Đảng bộ, chính quyền tỉnh.
Từ thực tiễn đó, thực hiện Quyết
định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về phê
duyệt chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em
bị xâm hại tình dục và trẻ em bị lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại,
nguy hiểm giai đoạn 2004-2010; tỉnh Thừa Thiên Huế xác định việc xây dựng Đề án
“Ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục giai đoạn
2006-2010” trên địa bàn nhằm đưa ra những giải pháp, kiến nghị để nâng cao hơn
nữa hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn và giải quyết tình trạng trẻ em bị
xâm hại tình dục là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa thiết thực.
I. THỰC TRẠNG
XÂM PHẠM TÌNH DỤC TRẺ EM TẠI THỪA THIÊN HUẾ:
Cùng với sự gia tăng của TNXH,
thì tệ nạn hiếp dâm trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Tính từ năm 2001 đến nay
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 17 vụ xâm phạm tình dục trẻ em (XPTDTE) được
đưa ra xét xử, số em bị xâm phạm tình dục là 18 em.
Tuy nhiên, số vụ đưa ra xét xử
chỉ chiếm một số rất nhỏ trong thực tế vụ xảy ra, do gia đình không dám nói ra
sợ ảnh hưởng đến tương lai con cái sau này nên e ngại không tố cáo, vô tình bao
che cho loại tội phạm này phát sinh và phát triển. Đã có những trường hợp đáng
tiếc xảy ra như ở Phú Hiệp - thành phố Huế một cháu trai 14 tuổi đã có hành vi
giao cấu với cháu gái mới 8 tuổi và trường hợp có đối tượng đã 63 tuổi giao cấu
với một cháu bé mới 9 tuổi…
Về tình trạng trẻ em làm mại
dâm chưa phát hiện nhưng số trẻ em bị dâm ô và hiếp dâm có xu hướng tăng dần, đặc
biệt trong các đối tượng gây ra các vụ Xâm phạm tình dục trẻ em thì đối tượng vị
thành niên chiếm một tỷ lệ đáng kể, phần lớn các thủ phạm đều thiếu hiểu biết về
pháp luật.
II. NGUYÊN
NHÂN, HẬU QUẢ CỦA TỆ NẠN XÂM PHẠM TÌNH DỤC TRẺ EM:
1.Nguyên nhân:
a.Nguyên nhân chủ quan:
Do còn non yếu về tinh thần
cũng như thể chất trẻ em không tự bảo vệ được mình; do biến chuyển về tâm sinh
lý; đua đòi ăn diện, tò mò làm theo người khác, làm theo phim ảnh sách báo đồi
trụy, dùng chất kích thích ...
Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền
và đoàn thể chưa quan tâm, chú ý đúng mức đối với quần chúng nhân dân về quan
điểm lối sống, đạo đức, truyền thống dân tộc.
Do công tác thông tin, tuyên
truyền chưa đầy đủ, đôi khi còn mang tính hình thức, chạy theo phong trào; do
đó chưa chuyển hoá sâu sắc nhận thức về nguy cơ, tác hại nhiều mặt của tệ nạn mại
dâm nói chung và trẻ em bị xâm hại tình dục nói riêng. Mặc khác, công tác tuyên
truyền chưa đi sâu xuống từng địa bàn, cụm dân cư, gia đình và các nhóm, các đối
tượng có nguy cơ cao; cũng như chưa chú ý tuyên truyền, phổ biến những điển
hình tốt, mô hình hay trong phong trào đấu tranh ngăn chặn tệ nạn xâm hại tình
dục ở trẻ em.
Sự phối hợp hoạt động của các
ngành, đoàn thể từ Trung ương xuống các địa phương trong cuộc đấu tranh còn thiếu
thống nhất, thiếu đồng bộ hoặc thiếu kiên quyết.
Việc phân công giữa các ngành
có liên quan chưa đạt hiệu quả cao, tình trạng dẫm chân nhau trong công tác quản
lý vẫn còn xảy ra; việc phối hợp hoạt động nhiều khi còn mang tính hình thức
nên hiệu quả chưa cao.
b.Nguyên nhân khách quan:
Về góc độ gia đình, do không
dành cho con cái tình thương yêu, trách nhiệm, sự quan tâm chăm sóc, bảo vệ để
cho các em rơi vào tình trạng bị xâm hại hoặc gia đình không hoàn thiện, thiếu
sự bền vững hoặc tan vỡ, gia đình bất hòa, thiếu sự gương mẫu.
Về xã hội, do một số mặt tiêu cực
của kinh tế thị trường tác động xấu tới các hoạt động kinh tế - xã hội của đất
nước nói chung và của một số bộ phận dân cư nói riêng; do ảnh hưởng lối sống của
một số nước Âu, Mỹ và khu vực bằng nhiều con đường khác nhau thâm nhập vào nước
ta.
Ảnh hưởng xấu đó đã tác động mạnh
mẽ đến trẻ em, tạo ra những vấn đề xã hội căng thẳng như thất nghiệp, nghèo
đói, giáo dục thấp, sự kết hợp của các môi trường giáo dục hạn chế. Vì vậy, một
số trẻ em trở thành đối tượng bị lừa đảo để phục vụ cho việc kinh doanh thương
mại tình dục.
Về mặt luật pháp, do còn nhiều
điều bất cập, việc xử lý pháp luật chưa nghiêm minh cũng làm hạn chế trong việc
đấu tranh phòng ngừa cái xấu.
2. Hậu quả:
Xâm phạm tình dục trẻ em gây ra
những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng của ấn tượng thường kéo dài suốt đời, thậm
chí đe dọa tính mạng. Các em phải chịu đựng những ấn tượng đầy mặc cảm, thái độ
kỳ thị, xa lánh của cộng đồng. Nhiều em phải bỏ học, một bộ phận bị xã hội ruồng
bỏ, sức khỏe sinh sản bị ảnh hưởng, tâm lý khủng hoảng, khả năng sống bình thường
với quan hệ lành mạnh và việc xây dựng gia đình riêng bị tổn hại nghiêm trọng,
sức khỏe bị suy sụp.
Tệ nạn xâm phạm tình dục trẻ em
làm xói mòn các giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa dân tộc, chà đạp lên quyền
con người của trẻ em, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự xã hội. Nguy hại
hơn cả là việc lây nhiễm HIV/AIDS làm ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc, hủy
hoại tương lai của một đất nước.
3.Tính cấp thiết của việc
xây dựng Đề án:
Trước những tác hại nghiêm trọng
ảnh hưởng về thể chất, tinh thần, đạo đức và trẻ em bị xâm phạm, đòi hỏi phải
có những giải pháp cấp bách, đồng bộ;
Trong những năm qua, mặc dù công
tác phòng, chống xâm phạm tình dục trẻ em đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền
các cấp quan tâm, đã có nhiều chủ trương, pháp luật, chính sách về phòng, chống
xâm hại tình dục trẻ em được ban hành và đã đạt được những kết quả đáng kể. Tuy
nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hiện tượng xâm hại tình dục trẻ em ở
tỉnh ta vẫn diễn ra và mang tính phức tạp, nghiêm trọng. Thực tiễn này đòi hỏi
cần phải xây dựng Đề án để kịp thời đề ra các biện pháp để ngăn chặn từng bước
đẩy lùi tiến tới xóa bỏ tình trạng này.
B.NỘI DUNG CỦA
ĐỀ ÁN
I. MỤC
TIÊU:
1. Mục tiêu chung:
Tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về
nhận thức, vai trò trách nhiệm và hành động của mỗi cá nhân, gia đình, các cấp ủy
Đảng, chính quyền và toàn xã hội nhằm ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tệ
nạn này tại địa bàn Thừa Thiên Huế.
2. Mục tiêu cụ thể:
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm
của người dân, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động nhằm
ngăn chặn XPTDTE để có biện pháp phù hợp với từng hoàn cảnh địa phương nhằm đảm
bảo mục tiêu chung; đồng thời. tăng cường sự phối hợp giữa các ngành một cách đồng
bộ, toàn diện trong công tác chống XPTDTE trong giai đoạn 2006 - 2010; đặc biệt
là trực tiếp cung cấp các dịch vụ y tế - xã hội, luật pháp cho các em được tham
gia các chương trình đào tạo về phòng chống xâm phạm tình dục trẻ em.
Giảm dần số vụ xâm hại tình dục
trẻ em để đến năm 2008 chấm dứt cơ bản tệ nạn này tại các địa bàn không trọng
điểm.
Phấn đấu xóa bỏ về cơ bản tệ nạn
xâm phạm tình dục trẻ em vào năm 2010.
Phấn đấu 100% trẻ em bị xâm phạm
tình dục được giáo dục, chữa bệnh và tổ chức tái hòa nhập cộng đồng.
II. PHẠM
VI VÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN:
1. Phạm vi: Đây là một vấn
đề của xã hội; ngăn ngừa giải quyết tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em phải thực
hiện đồng bộ, các giải pháp đòi hỏi phải toàn diện, mang tính thống nhất của
toàn xã hội. Đề án được thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh.
2. Đối tượng:
Trẻ em là nạn nhân của tệ nạn bị
xâm phạm tình dục.
Trẻ em có nguy cơ cao bị xâm phạm
tình dục như trẻ em lang thang, trẻ em lao động sớm, trẻ mồ côi hoặc thiếu người
chăm sóc, trẻ em trong gia đình thiếu cha hoặc mẹ, trẻ em thuộc gia đình có
hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trẻ em sống trong vùng ít được tiếp cận các dịch vụ
y tế, văn hoá , xã hội, kinh tế.
Đối tượng tội phạm xâm phạm
tình dục trẻ em.
Các cơ quan chức năng nhà nước,
chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể quần chúng, các
trung tâm bảo trợ xã hội, nhà mở, nhà tình thương hoạt động trong lĩnh vực bảo
vệ, chăm sóc trẻ em và người dân trong cộng đồng.
III. CÁC GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN:
a.Tổ chức tham mưu, góp ý để
hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về công tác bảo vệ trẻ em theo yêu
cầu.
b.Đẩy mạnh công tác giáo dục
pháp luật; Phối hợp với các cơ quan, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền các văn
bản quy phạm pháp luật hiện hành về bảo vệ trẻ em nhằm tạo ra chuyển biến mạnh
mẽ trong công tác phòng chống XPTDTE.
Tổ chức tuyên truyền rộng rãi
trong các nhóm đối tượng trọng điểm nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức, trách nhiệm.
Đề cao việc giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh trong mỗi gia đình.
c.Thiết lập mối quan hệ liên kết,
hợp tác giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật với các cơ quan liên quan đến việc bảo
vệ quyền lợi trẻ em để ngăn ngừa một cách hiệu quả tình trạng XPTDTE.
d.Hỗ trợ về giáo dục cho các em
có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt chú trọng đến đối tượng trẻ em đường phố,
trẻ em lang thang, trẻ em lao động kiếm sống sớm . . . Hỗ trợ về tư vấn giúp
các em đề phòng được nạn XPTDTE.
e.Tổ chức phối hợp với các ban,
ngành, đoàn thể để lồng ghép nội dung phòng chống xâm phạm tình dục trẻ em vào
các chương trình mục tiêu khác và xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho trẻ bị xâm phạm
tình dục.
f.Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện các qui định của quản lý nhà
nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có môi trường dễ phát sinh xâm phạm
tình dục trẻ em, khuyến khích, bảo vệ trẻ em nạn nhân và gia đình tố giác tội
phạm.
g.Tham gia hợp tác quốc tế
trong công tác bảo vệ trẻ em theo nguyên tắc phù hợp với hoàn cảnh của địa
phương.
IV. CÁC HOẠT
ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN:
1. Công tác điều tra, khảo sát
địa bàn, đối tượng xâm phạm tình dục trẻ em:
a.Xây dựng mạng lưới thu thập
thông tin về địa bàn, đối tượng từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã.
b.Tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp
vụ cho các đối tượng làm công tác xã hội ở cơ sở về điều tra khảo sát đối tượng
xâm phạm tình dục trẻ em. Trên cơ sở đó, nắm chắc số liệu, hoạch định, xây dựng
các chủ trương, giải pháp cho công tác ngăn ngừa tệ nạn xâm phạm tình dục trẻ
em.
2. Công tác tuyên truyền, giáo
dục:
Tình trạng XPTDTE là một tệ nạn
xã hội phức tạp cần phải kiên quyết loại bỏ bằng nhiều biện pháp đồng bộ. Trong
đó, tuyên truyền, vận động, giáo dục, phải được xem là một biện pháp quan trọng
để phòng ngừa tệ nạn này phát triển. Công tác tuyên truyền giáo dục phòng chống
XPTDTE tập trung vào các hoạt động sau:
Giáo dục, trang bị kiến thức
cho nhóm trẻ có nguy cơ cao như trẻ em đường phố, trẻ em lao động kiếm sống sớm,
trẻ em lang thang... để các em có khả năng tự bảo vệ mình.
Giáo dục cộng đồng thông qua
các đoàn thể đặc biệt chú trọng giáo dục trong hội viên phụ nữ, đoàn thanh niên
qua đó tác động đến gia đình và cộng đồng trong công tác phòng chống XPTDTE.
Tăng cường giáo dục giới tính,
trang bị kiến thức cho các em thông qua hệ thống giáo dục.
Phối hợp tuyên truyền xây dựng
gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa để tạo môi trường bền vững cho công tác
ngăn chặn tệ nạn XPTDTE.
3. Tăng cường công tác quản lý
Nhà nước và các biện pháp chế tài đối với tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em:
Tham mưu, bổ sung các chính
sách hỗ trợ đối với các em bị XPTD, tổ chức tư vấn, tạo điều kiện để các em hòa
nhập tốt với cộng đồng.
Đẩy mạnh việc xét xử các vụ xâm
hại tình dục trẻ em qua đó răn đe, giáo dục các đối tượng vi phạm tệ nạn xâm hại
tình dục trẻ em.
V. KINH
PHÍ:
Tổng kinh phí thực hiện đề án
“Ngăn chặn và giải quyết tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em” giai đoạn 2006
-2010: 680 triệu đồng (có phụ lục kèm theo). Kinh phí thuộc ngân sách Nhà nước
được bố trí theo kế hoạch hàng năm của đơn vị và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN:
1. Phân công trách nhiệm:
a/ Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội:
Là cơ quan chủ trì đề án, trong
đó giao trách nhiệm cho Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội làm cơ quan thường trực
có trách nhiệm tham mưu, giúp việc cho Sở triển khai thực hiện đề án, có trách
nhiệm phối hợp, thúc đẩy các ban ngành, đoàn thể thực hiện đề án trong phạm vi
toàn tỉnh theo kế hoạch và tiến độ quy định. Giám sát tổng hợp tình hình thực
hiện và chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ của đề án.
Phối kết hợp với các ban ngành
liên quan để tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân
về nguy cơ, tác hại và ý thức trách nhiệm đấu tranh phòng chống tệ nạn XPTDTE.
b/ Ủy ban Dân số - Gia đình
- Trẻ em tỉnh:
Triển khai thực hiện chương
trình kế hoạch phòng chống tệ nạn XPTDTE. Tập huấn pháp luật, chính sách, các
văn bản khác có liên quan về phòng chống xâm phạm tình dục trẻ em và các kỹ
năng làm việc với các trẻ em bị XPTD và gia đình trẻ cho cán bộ của các ngành,
đoàn thể liên quan. Nghiên cứu xây dựng chiến lược đề xuất các chính sách về bảo
vệ trẻ em, các mô hình giáo dục, chữa bệnh và tái hòa nhập cộng đồng cho những
trẻ bị XPTD.
Xây dựng các mô hình cung cấp
các dịch vụ tư vấn về pháp luật, điều trị y tế, tâm lý xã hội cho trẻ em bị xâm
phạm tình dục ở Trung tâm, cộng đồng, gia đình bao gồm các nội dung sau:
Thực hiện mô hình cung cấp các
dịch vụ tư vấn về quyền trẻ em, pháp luật hành chính và hình sự liên quan đến
xâm phạm tình dục, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, gia đình nạn nhân khai báo, tố giác tội
phạm.
Tư vấn điều trị các tổn thương
về tâm lý, sức khỏe.
Phương pháp tham gia của trẻ em
trong các hoạt động chữa trị, phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng.
Phối hợp với ngành giáo dục đào
tạo tổ chức tốt việc tuyên truyền phòng chống tệ nạn XPTDTE trong trường học.
c/ Sở Y tế:
Tổ chức hỗ trợ điều trị về y tế,
điều trị các tổn thương về tâm lý, sinh lý cho các em bị XPTDTE, tạo điều kiện
tốt nhất về sức khỏe để các em tái hòa nhập cộng đồng tốt.
d/ Công an tỉnh:
Tổ chức tốt công tác kiểm tra
các địa bàn trọng điểm dễ có môi trường tệ nạn xã hội phát sinh. Phối hợp với
các ban ngành có liên quan để thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm liên
quan đến tệ nạn XPTDTE theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó giúp đỡ, bảo vệ
nạn nhân và gia đình nạn nhân khai báo, tố giác tội phạm.
e/ Sở Giáo dục -
Đào tạo:
Tổ chức tốt việc
tuyên truyền, giáo dục phòng chống XPTDTE trong các trường học.
g/ Sở Văn hóa
Thông tin:
Tổ chức các hoạt
động tuyên truyền sâu rộng về tác hại của tệ nạn XPTDTE bằng nhiều hình thức.
h/ Sở Kế hoạch -
Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính:
Bố trí kế hoạch
ngân sách hàng năm cho chương trình; chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội và các cơ quan liên quan để huy động các nguồn lực trong và
ngoài nước hỗ trợ cho chương trình thực hiện nhiệm vụ phòng chống tình trạng
xâm phạm tình dục trẻ em.
i/ Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam
tỉnh:
Chỉ đạo các đoàn thể trong khối
có liên quan, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ... vận động, giáo dục
đoàn viên, hội viên tham gia tích cực vào công tác phòng chống XPTDTE một cách
có hiệu quả.
2. Cơ chế quản lý, kiểm tra,
giám sát và thông tin báo cáo:
Việc quản lý, cấp phát, quyết toán
kinh phí thực hiện đề án theo qui định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản
liên quan khác. Chế độ thông tin, báo cáo:
Thực hiện hệ thống dữ liệu
thông tin về trẻ em bị xâm phạm tình dục theo hướng dẫn chi tiết của Bộ Lao động-Thương
binh và Xã hội.
Thực hiện báo cáo định kỳ: hàng
quý và cuối năm, báo cáo đột xuất.
Tổ chức các đợt kiểm tra, giám
sát của các cơ quan chuyên trách và liên ngành. Tổ chức các cuộc đánh giá đầu kỳ,
giữa kỳ, cuối kỳ việc thực hiện đề án.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội
có trách nhiệm báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội về tình hình triển khai và kết quả thực hiện đề án theo định kỳ./.
PHỤ LỤC KINH PHÍ THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(ĐVT:
1.000 đồng)
STT
|
NỘI DUNG
|
KINH PHI
|
2007
|
2008
|
2009
|
2010
|
Tổng số
|
01
|
Hỗ trợ chỉ đạo
Trong đó:
- Tập huấn cho các ban ngành
đoàn thể
- Xây dựng hệ thống thu thập
xử lý thông tin về trẻ em bị xâm phạm tình dục và xây dựng các chương trình
can thiệp
- Chi khác để phục vụ công
tác
|
50.000
20.000
20.000
10.000
|
50.000
20.000
20.000
10.000
|
60.000
20.000
30.000
10.000
|
60.000
20.000
30.000
10.000
|
220.000
|
02
|
Tuyên truyền giáo dục
- Tuyên truyền giáo dục mạng
lưới xã phường
- Tuyên truyền khối đoàn
thể
- Khối trường học
- Tờ rơi, tờ gấp
- Pa nô áp phích
|
80.000
20.000
20.000
10.000
10.000
20.000
|
90.000
30.000
20.000
10.000
10.000
20.000
|
100.000
30.000
20.000
20.000
10.000
20.000
|
110.000
30.000
30.000
20.000
10.000
20.000
|
380.000
|
03
|
Điều tra, khảo sát, tái
hòa nhập
- Điều tra, khảo sát
- Tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ
tái hòa nhập
|
20.000
10.000
10.000
|
20.000
10.000
10.000
|
20.000
10.000
10.000
|
20.000
10.000
10.000
|
80.000
|
|
TỔNG CỘNG
|
150.000
|
160.000
|
180.000
|
190.000
|
680.000
|