CHƯƠNG TRÌNH
ĐÀO TẠO 150 THẠC SĨ, TIẾN SĨ Ở NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2010 – 2015 CỦA
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quết đinh số 85/2009/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2009 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Phần I
THỰC TRẠNG TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN CỦA ĐỘI NGŨ
CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ SỰ CẦN THIẾT ĐÀO TẠO 150 THẠC SĨ, TIẾN SĨ Ở NƯỚC
NGOÀI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
I. THỰC TRẠNG TRÌNH ĐỘ
CHUYÊN MÔN CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC:
- Toàn tỉnh có 20.233 cán bộ, công chức,
viên chức, trong đó khối đảng, đoàn thể: 1.041 người, khối quản lý hành chính
nhà nước: 1.820 người, khối sự nghiệp: 17.372 người. Trong tổng số 20.233 cán bộ,
công chức, viên chức có 7.308 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có
345 người có trình độ sau đại học, gồm 12 tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II và 333
thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I. Trong số này đa số là được đào tạo trong nước và
có rất ít người được đào tạo sau đại học ở nước ngoài.
- Trong tổng số 345 người có trình độ
sau đại học chỉ có 41 người hiện đang công tác ở khối đảng và trong lĩnh vực quản
lý hành chính nhà nước (chiếm tỷ lệ 11,8 %).
- Điều này nói lên sự thiếu hụt đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao, nhất là đội ngũ
cán bộ, công chức làm công tác quản lý, tham mưu hoạch định chủ trương, chính
sách.
II. SỰ CẦN THIẾT ĐÀO
TẠO 150 THẠC SĨ, TIẾN SĨ Ở NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015:
- Trong xu thế mới, đất nước ta đang
trên đà phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Công cuộc cải cách trên các lĩnh vực
kinh tế, văn hóa, xã hội, hành chính… để đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đã tạo ra tình hình mới và các nhiệm vụ mới đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ,
công chức, viên chức tương ứng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức không chỉ dừng lại ở việc ''khắc phục sự hẫng hụt'' hay ''bổ sung những
khiếm khuyết'', không chỉ đáp ứng công việc trước mắt, công việc hàng ngày mà
phải hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài: Hiện nay, có nhiều
công việc quan trọng ở tỉnh như hoạch định chủ trương, chính sách; xây dựng
chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển; triển khai thực hiện các dự án...
đang cần những cán bộ đầu ngành, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, thành thạo
nghiệp vụ.
- Bước vào thế kỷ 21, nền kinh tế nước
ta nói chung và của tỉnh ta nói riêng đang đứng trước những thách thức hết sức
to lớn. Xu hướng toàn cầu hóa là một tất yếu. Để hội nhập, đứng vững và cạnh
tranh cùng với các nền kinh tế của khu vực và thế giới, yêu cầu đặt ra là phải
có một đội ngũ cán bộ đầu ngành, cán bộ quản lý, cán bộ, công chức, viên chức
có chuyên môn giỏi, ngang tầm, được đào tạo căn bản theo chuẩn mực quốc tế trên
các lĩnh vực về pháp luật, khoa học - kỹ thuật, kinh tế và xã hội.
- Việc xây dựng, tổ chức thực hiện
chương trình đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài theo các mục tiêu phát
triển kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ từng bước hình thành nguồn cán bộ đầu ngành,
cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn giỏi có khả năng tham mưu,
thực thi các nhiệm vụ của ngành, địa phương, góp phần thúc đẩy sự phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh và quá trình hội nhập với khu vực và thế giới.
Phần II
MỤC TIÊU, NỘI DUNC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO 150
THẠC SĨ, TIẾN SĨ Ở NƯỚC NGOÀI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
I. MỤC TIÊU:
Đến năm 2015 tỉnh cử đi đào tạo được
150 cán bộ, công chức, viên chức, gồm 100 nam và 50 nữ có trình độ thạc sĩ, tiến
sĩ ở nước ngoài, trong đó có 20 tiến sĩ với các chuyên ngành đào tạo gắn liền với
định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để bố trí làm
việc tại các cơ quan đảng, nhà nước và đoàn thể của tỉnh, góp phần thúc đẩy quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình hội nhập kinh tế của tỉnh giai
đoạn 2010 - 2020 và những năm tiếp theo.
II. CÁC NGÀNH VÀ NƯỚC
CỬ ĐI ĐÀO TẠO:
1. Ngành đào tạo: theo định hướng và
mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2010 - 2020, trước mắt
tập trung đào tạo ở các chuyên ngành, lĩnh vực sau: xây dựng, kiến trúc, quản
lý đô thị, tài nguyên - môi trường; tài chính - kinh tế; hành chính công, quản
trị nhân sự; văn hóa, thông tin, du lịch, thể dục - thể thao; giáo dục; y tế và
sức khỏe cộng đồng; luật; công nghiệp, thương mại, quan hệ quốc tế; giao thông
vận tải; nông nghiệp - thủy sản; công nghệ thông tin; khoa học - công nghệ.
2. Nước cử đi đào tạo: các nước Châu
Âu (Anh, Pháp, Đức, Nga...), các nước Châu Á (Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc,
Singapore, Malaisia, Thái Lan...), các nước Châu Mỹ (Hoa Kỳ, Canada),
Newzealand, Úc.
III. ĐỐI TƯỢNG TUYỂN
CHỌN:
1. Cán bộ, công chức, viên chức hiện
đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối, đảng, đoàn thể, các cơ quan
hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức
xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh được cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị cử đi dự
tuyển (dưới đây gọi chung cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh) và viên chức
doanh nghiệp, đơn vị khác ngoài công lập (dưới đây gọi chung là đối tượng
khác).
2. Sinh viên mới tốt nghiệp đại học,
thạc sĩ.
IV. ĐIỂU KIỆN VÀ TIÊU
CHUẨN TUYỂN CHỌN:
1. Về độ tuổi (tính đến năm tuyển
sinh):
a) Đối với cán bộ, công chức, viên chức:
- Đào tạo tiến sĩ: dưới 40.
- Đào tạo thạc sĩ: dưới 35.
b) Đối với sinh viên: dưới 30.
2. Về trình độ chuyên môn:
a) Đối với cán bộ, công chức, viên chức
thuộc tỉnh: tốt nghiệp đại học hoặc thạc sĩ (trường hợp đào tạo tiến sĩ) với
chuyên ngành đào tạo hoặc vị trí công tác phù hợp với chuyên ngành đăng ký theo
yêu cầu của chương trình.
b) Đối với sinh viên và đối tượng
khác: tốt nghiệp đại học hệ chính quy hoặc thạc sĩ (trường hợp đào tạo tiến sĩ
) loại khá trở lên với chuyên ngành đạo tạo phù hợp với chuyên ngành đăng ký
theo yêu cầu của chương trình.
3. Trình độ ngoại ngữ:
a) Đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng
tiếng Anh:
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức
thuộc tỉnh:
+ Đào tạo thạc sĩ: có trình độ B Anh
văn trở lên và phải qua kiểm tra ngoại ngữ đầu vào của cơ quan điều hành chương
trình.
+ Đào tạo tiến sĩ: có trình độ C Anh
văn trở lên và phải qua kiểm tra ngoại ngữ đầu vào của cơ quan điều hành chương
trình.
- Đối với sinh viên và đối tượng
khác: có đủ trình độ tiếng Anh theo yêu cầu của cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở
nước ngoài.
b) Đối với đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ bằng
tiếng Hoa, Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Nga: các ứng cử viên phải có đủ trình độ ngoại
ngư theo yêu cầu của cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
4. Trình độ tin học: sử dụng thành thạo
vi tính.
5. Về phẩm chất đạo đức và năng lực:
a) Đối với cán bộ, công chức, viên chức:
có năng lực và triển vọng phát triển, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tổ chức kỷ luật, không bị xử lý kỷ luật,
không vi phạm pháp luật, là đoàn viên công đoàn, nếu trong tuổi thanh niên là
đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
b) Đối với sinh viên: có triển vọng
phát triển, có hạnh kiểm tốt trong quá trình học tập, có phẩm chất đạo đức tốt,
có ý thức tổ chức kỷ luật, không bị xử lý kỷ luật, không vi phạm pháp luật, là
đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
6. Lịch sử chính trị gia đình và bản
thân rõ ràng.
7. Có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu.
8. Có đủ sức khỏe để học tập.
9. Đáp ứng các điều kiện khác về học
tập, nghiên cứu, kinh nghiệm (nếu có) theo quy định của cơ sở đào tạo ở nước
ngoài.
10. Chấp nhận các nội dung của bản
cam kết tham gia chương trình.
11. Nếu là sinh viên mới tốt nghiệp đại
học, thạc sĩ phải có người bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ của người được cử đi
đào tạo.
12. Những ưu tiên trong tuyển chọn:
a) Ưu tiên Anh hùng lực lượng vũ
trang, Anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh,
người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đội viên thanh niên xung phong, con liệt
sĩ, con thương binh, con bệnh binh, con Anh hùng lực lượng vũ trang, con Anh
hùng lao động, con gia đình có truyền thống cách mạng trong kháng chiến chống
Pháp, chống Mỹ, trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc; gia đình cán bộ, công chức,
viên chức có quá trình công tác, có thành tích, cống hiến xây dựng và phát triển
tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
b) Ưu tiên đối với cán bộ, công chức,
viên chức; những người giữ chức vụ lãnh đạo, có quá trình và thành tích tốt
trong công tác.
c) Ưu tiên đảng viên.
d) Ưu tiên tốt nghiệp đại học, thạc
sĩ hệ chính quy tại các trường đại học có uy tín, được đánh giá và xếp ở thứ hạng
cao.
đ) Ưu tiên học lực chuyên môn và
trình độ ngoại ngữ cao.
e) Ưu tiên là cán bộ đoàn, cán bộ hội
sinh viên (đối với sinh viên).
V. CÁC GIAI ĐOẠN ĐÀO
TẠO VÀ HÌNH THỨC ĐÀO TẠO:
1. Giai đoạn 1: đào tạo ngoại ngữ tiếng
Anh:
- Đối tượng: dành cho những người
trúng tuyển là cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh chưa đủ trình độ ngoại
ngữ.
- Nội dung: đào tạo để có đủ trình độ
ngoại ngữ tiếng Anh theo yêu cầu của cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước
ngoài.
- Thời gian đào tạo: tối đa là 02 năm
(tùy thuộc vào trình độ và khả năng của người trúng tuyển).
- Hình thức đào tạo: tập trung.
- Cơ sở đào tạo ngoại ngữ: các cơ sở
đào tạo ở nước ngoài đặt tại Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo trong nước có uy tín,
chất lượng.
2. Giai đoạn 2: cử đi đào tạo chuyên
môn thạc sĩ, tiến sĩ đối với những người trúng tuyển có đủ trình độ ngoại ngữ
được cơ sở đào tạo chuyên môn ở nước ngoài chấp nhận.
- Việc đào tạo chuyên môn được thực
hiện tại các cơ sở đào tạo ở nước ngoài có uy tín, chất lượng, được đánh giá và
xếp ở thứ hạng cao.
- Thời gian đào tạo:
+ Thạc sĩ : từ 01 đến 02 năm tùy theo
chương trình đào tạo của mỗi nước.
+ Tiến sĩ : từ 02 đến 04 năm tùy theo
chương trình đào tạo của mỗi nước.
- Hình thức đào tạo: tập trung.
VI. QUY TRÌNH TUYỂN
CHỌN:
1. Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh
công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chỉ tiêu, điều
kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn...
2. Cá nhân có đủ các điều kiện và
tiêu chuẩn tiến hành lập hồ sơ đăng ký tham gia dự tuyển. Đối với những người dự
tuyển và cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh: các cơ quan, đơn vị căn cứ điều
kiện và tiêu chuẩn theo quy định để xem xét và có văn bản đề cử dự tuyển. Hồ sơ
dự tuyển gửi về Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa - Vững Tàu (cơ quan thường trực hội đồng
xét chọn ứng viên).
3. Tổ chức xét chọn và phê duyệt:
a) Hội đồng xét chọn ứng viên của tỉnh
tổng hợp danh sách và tiến hành phỏng vấn, xét chọn những người theo học chương
trình.
b) Hội đồng xét chọn ứng viên tổ chức
kiểm tra trình độ, khả năng và sức học ngoại ngữ đối với ứng viên là cán bộ,
công chức, viên chức thuộc tỉnh.
c) Hội đồng xét chọn ứng viên của tỉnh
lập danh sách và đề xuất phương án đào tạo ở nước ngoài đối với từng ứng viên
và trình Ủy ban nhân dân tỉnh.
d) Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua thường
trực Tỉnh ủy xem xét, phê duyệt.
4. Tổ chức học bổ sung ngoại ngữ đối
với những người trúng tuyển và cán bộ, công chức, viên chức thuộc tỉnh.
5. Căn cứ trình độ ngoại ngữ và
phương án đào tạo đối với từng người đã được thường trực Tỉnh ủy phê duyệt, Sở
Nội vụ tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tìm hiểu
thông tin và gửi hồ sơ của các ứng viên đến các cơ sở đào tạo chuyên môn ở nước
ngoài.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định
cử những người trúng tuyển đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sau khi có thông báo
trúng tuyển của cơ sở đào tạo ở nước ngoài.
VII. QUYỀN LỢI VÀ
NGHĨA VỤ CỦA NHỮNG NGƯỜI TRÚNG TUYỂN:
1. Quyền lợi:
a) Trong thời gian đi học, được hưởng
chế độ chính sách sau:
- Cán bộ, công chức, viên chức thuộc
tỉnh: được hưởng chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và nâng bậc
lương theo quy định hiện hành.
- Sinh viên và đối
tượng khác: sau khi trúng tuyển đầu vào học thạc sĩ, tiến sĩ được ký kết hợp đồng
lao động, hưởng ương theo ngạch, bậc (đối với sinh viên mới tốt nghiệp đại học
hưởng lương bậc 1 ngạch chuyên viên) và được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
theo quy định hiện hành.
b) Được cấp kinh phí để thanh toán
cho các chi phí sau:
- Học phí và các khoản lệ phí phải trả
theo quy định của cơ sở đào tạo.
- Sinh hoạt phí theo quy định.
- Tiền tài liệu học tập một năm tương
đương với 01 tháng sinh hoạt phí.
- Chi phí khám sức khỏe, chi phí bảo
hiểm y tế, chi phí làm thủ tục xuất, nhập cảnh theo quy định và vé máy bay lượt
đi và về.
- Đối với học viên nghiên cứu sinh,
ngoài các khoản chi trên, nếu có yêu cầu của giáo sư hướng dẫn và xác nhận của
cơ sở đào tạo, còn được thanh toán các khoản sau:
+ Vé máy bay khứ hồi về Việt Nam để
thu thập số liệu đối với đề tài giải quyết những vấn đề của Việt Nam. Trường hợp
đề tài nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn của tỉnh, sẽ được xem xét, hỗ trợ
thêm từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh quản
lý.
+ Chí phí tham dự tối đa hai (02) cuộc
hội thảo quốc tế để báo cáo khoa học tại hội thảo theo thư mời của ban tổ chức
hội thảo.
c) Sau khi hoàn thành khóa đào tạo
chuyên môn được phân công, bố trí công tác phù hợp với ngành nghề đào tạo và
yêu cầu quy hoạch cán bộ của tỉnh.
2. Nghĩa vụ và trách nhiệm:
a) Những người trúng tuyển phải chấp
hành các quy định của Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức đi học tập,
công tác ở nước ngoài, tuân thủ pháp luật của nước sở tại và các quy định, quy
chế của cơ sở đào tạo nơi người trúng tuyển đang theo học.
b) Bồi thường toàn bộ kinh phí đã nhận
nếu phải chấm dứt việc học tập do vi phạm kỷ luật, tự ý bỏ học, không chấp hành
các quy định của tỉnh và của cơ sở đào tạo. Thời gian hoàn trả không quá 06
tháng kể từ khi có quyết định chấm dứt học tập và hoàn trả chi phí đào tạo có
hiệu lực.
Các trường hợp phải chấm dứt việc học
tập do các nguyên nhân khách quan thì tùy từng trường hợp cụ thể sẽ được xem
xét miễn, giảm chi phí đào tạo đã nhận.
c) Những người trúng tuyển sau khi
hoàn thành khoá học nhưng không chấp hành sự phân công của tổ chức, không đảm bảo
thời gian công tác theo phân công của tỉnh quy định tại điểm d dưới đây thì phải
bồi thường chi phí đào tạo chậm nhất là 06 tháng kể từ khi có quyết định bồi thường
chi phí có hiệu lực, cụ thể:
- Đối với đối tượng là cán bộ, công
chức, viên chức thuộc tỉnh phải bồi thường chi phí đào tạo theo quy định hiện
hành; ngoài ra phải chịu các hình thức xử lý kỷ luật theo Luật Cán bộ, công chức
và các quy định khác có liên quan.
- Đối với sinh viên và đối tượng khác
phải bồi thường toàn bộ chi phí đào tạo theo cam kết của học viên với cơ quan
điều hành chương trình.
đ) Những người trúng tuyển sau khi
hoàn thành khoá học, phải thực hiện thời gian công tác theo phân công của tỉnh
ít nhất 10 năm.
đ) Khi kết thúc chương trình đào tạo,
những người trúng tuyển phải nộp cho cơ quan có thẩm quyền một đề tài nghiên cứu
phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh về một lĩnh vực đã được
đào tạo.
e) Sau khi kết thúc khóa học phải về
nước đúng thời hạn theo quy định.
VIII. KINH PHÍ THỰC
HIỆN CHƯƠNG TRÌNH:
1. Nguồn kinh phí thực hiện chương
trình do ngân sách tỉnh đảm bảo, đồng thời tranh thủ kinh phí đào tạo từ các
chương trình đào tạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành trung
ương, học bổng của các cơ sở đào tạo và các nguồn tài trợ khác.
2. Các khoản chi phí để phục vụ cho
chương trình, bao gồm:
a) Chi phí trả lương, chi bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm y tế và chi phí đào tạo cho học viên trong thời gian đào tạo ngoại
ngữ và chuyên môn.
b) Chi phí cho các giao dịch với các
đối tác nước ngoài trong khuôn khổ tìm xác định cơ sở đào tạo, khai thác các tiềm
năng trợ giúp để thực hiện chương trình.
c) Chi phí cho hoạt động tuyên truyền,
tuyển sinh.
d) Chi phí khác phục vụ cho các hoạt
động của chương trình.
IX. QUẢN LÝ HỌC VIÊN
TRONG THỜI GIAN ĐÀO TẠO:
1. Những người được cử đi đào tạo chịu
sự quản lý của cơ quan điều hành chương trình và Đảng ủy, Thủ trưởng cơ quan,
đơn vị cử đi học. Định kỳ 06 tháng và cuối khóa học phải báo cáo kết quả học tập,
nghiên cứu, sinh hoạt ở nơi đào tạo và báo cáo đột xuất về các vấn đề phát sinh
cần giải quyết về Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Thông qua các cơ quan ngoại giao
Việt Nam ở nước ngoài, các cơ sở đào tạo, cơ quan điều hành chương trình có
trách nhiệm theo dõi tình hình học tập, nghiên cứu, sinh hoạt của học viên để tạo
điều kiện cho học viên đạt được kết quả học tập, nghiên cứu tốt nhất; định kỳ
06 tháng và cuối khóa học báo cáo tình hình học tập của học viên cho các cơ
quan chức năng và cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức, viên chức cử đi học.
X. BỐ TRÍ, SỬ DỤNG
SAU ĐÀO TẠO:
Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường
vụ Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí công tác cho những
người đã hoàn thành chương trình đào tạo theo đúng ngành nghề và mục tiêu đào tạo;
thực hiện các biện pháp để giúp những người được đào tạo thực hiện các cam kết
ban đầu.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. CÁC GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN:
1. Xây dựng các văn bản quản lý về
chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ:
- Kế hoạch triển khai chương trình
đào tạo 150 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài giai đoạn 2010 - 2015.
- Quy chế hoạt động của Hội đồng xét
chọn ứng viên.
- Quy định chế độ chi tiêu.
- Quy chế bố trí, sử dụng sau đào tạo.
2. Công tác chỉ đạo, điều hành: cấp ủy
và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương theo phạm vi chức trách được giao
lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ
giai đoạn 2010 - 2015, xem đây là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng trong hoạt
động chỉ đạo điều hành của cơ quan, đơn vị và địa phương.
3. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa
các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh: để thực hiện chương trình có hiệu
quả, cần bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị, địa
phương trong tỉnh trong việc giới thiệu, lựa chọn ứng viên, quản lý học viên, bố
trí sử dụng sau đào tạo....
4. Cung cấp đầy đủ tài chính và các
nguồn lực cần thiết: nguồn tài chính của chương trình chủ yếu do ngân sách tỉnh
bảo đảm, ngoài ra tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc
tế dưới các hình thức dự án, chương trình, học bổng. Nguồn nhân lực để triển
khai thực hiện chương trình phải được chuẩn bị, huấn luyện nắm vững chuyên môn
nghiệp vụ để thực hiện.
5. Công tác tuyên truyền: chương
trình 150 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài giai đoạn 2010 - 2015 được tuyên truyền
phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh, trên mạng
Intemet; đến các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh, các cơ sở đào tạo và
các tổ chức có liên quan.
II. PHÂN CÔNG THỰC
HIỆN:
1. Sở Nội vụ: giúp Ủy ban nhân dân tỉnh
làm đầu mối tổ chức thực hiện chương trình, xây dựng kế hoạch và các văn bản để
triển khai thực hiện; hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có
liên quan đến việc triển khai thực hiện chương trình; dự toán kinh phí hàng năm
thực hiện chương trình thông qua Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt và quản lý, thanh quyết toán kinh phí thực hiện chương trình theo quy định;
tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp kết quả theo định kỳ báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan.
2. Ban Tổ chức Tỉnh ủy: tham mưu Thường
trực Tỉnh ủy phê duyệt danh sách ứng viên theo học chương trình và tham mưu
trong công tác luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ sau khi được đào tạo.
3. Sở Tài chính: chủ trì, phối hợp với
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách
hàng năm đảm bảo việc thực hiện chương trình.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn:
phối hợp với Sở Nội vụ trong việc giới thiệu, tuyển chọn cán bộ nguồn từ đội
ngũ sinh viên.
5. Sở Ngoại vụ: phối hợp với Sở Nội vụ
nghiên cứu, thiết lập quan hệ với các cơ sở đào tạo nước ngoài; tranh thủ nguồn
tài trợ; tham gia với các cơ quan, tổ chức có liên quan để quản lý học viên
trong thời gian đào tạo ở nước ngoài.
6. Các cơ quan, đơn vị, địa phương:
xem xét, đánh giá, lựa chọn, giới thiệu ứng viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn trong
cơ quan, đơn vị, ngành, địa phương để cử đi đào tạo theo chương trình này, đồng
thời phối hợp với cơ quan chức năng để quản lý cán bộ, công chức, viên chức của
cơ quan, đơn vị mình được cử đi học.
III. THÀNH LẬP HỘI
ĐỔNG XÉT CHỌN ỨNG VIÊN THEO HỌC CHƯƠNG TRÌNH:
Để tổ chức và triển khai thực hiện
chương trình có hiệu quả, Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng xét chọn ứng
viên, bao gồm:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh: Chủ
tịch Hội đồng.
- Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy: Phó Chủ
tịch Hội đồng.
- Giám đốc Sở Nội vụ: Phó Chủ tịch
thường trực Hội đồng.
- Các ủy viên: Phó Giám đốc Sở Nội vụ
và đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Kế hoạch - Đầu tư,
Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở
Khoa học và Công nghệ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, Công an tỉnh./.