THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------
|
Số:
85/2009/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG
CHÍNH SÁCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 1077/1997/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 1997 của Thủ tướng Chính
phủ về việc thành lập Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Chủ
tịch Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ
quốc gia ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết
định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 7 năm 2009 và thay thế Quyết định
số 148/2003/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê
duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ
quốc gia.
Điều 3. Chủ
tịch và các thành viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, các
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- UB Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các thành viên HĐCSKH&CNQG;
- Văn phòng HĐCSKH&CNQG;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH SÁCH KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 85/2009/QĐ-TTg ngày 08 tháng 06 năm 2009 của
Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ
QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH SÁCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ QUỐC GIA
Điều 1. Chức
năng của Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia
1. Hội đồng Chính sách khoa học
và công nghệ quốc gia (sau đây gọi tắt là Hội đồng) là cơ quan tư vấn của Thủ
tướng Chính phủ về chính sách phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam phục vụ
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức và hội
nhập quốc tế.
Hội đồng có tên giao dịch tiếng
Anh là National Council for Science and Technology Policy (NCSTP).
2. Hội đồng thực hiện tư vấn cho
Thủ tướng Chính phủ với hai hình thức: tư vấn theo yêu cầu và tư vấn độc lập.
3. Hội đồng có con dấu, tài khoản
riêng. Kinh phí hoạt động của Hội đồng được ngân sách nhà nước cấp qua Bộ Khoa
học và Công nghệ. Hội đồng có trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm
vụ và quyền hạn của Hội đồng
1. Hội đồng có nhiệm vụ đề xuất
ý kiến với Thủ tướng Chính phủ trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định về:
a) Phương hướng, chiến lược, quy
hoạch phát triển khoa học và công nghệ quốc gia;
b) Chính sách lớn thúc đẩy phát triển
khoa học và công nghệ quốc gia, các chương trình khoa học và công nghệ cấp nhà
nước, các lĩnh vực và sản phẩm khoa học và công nghệ trọng điểm quốc gia;
c) Các chỉ tiêu chủ yếu của kế
hoạch khoa học và công nghệ 5 năm, hàng năm;
d) Vấn đề đổi mới cơ chế quản lý
khoa học và công nghệ, đặc biệt là đổi mới cơ chế tài chính, sử dụng hiệu quả
nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ;
đ) Các vấn đề khoa học và công
nghệ liên quan tới chương trình, dự án lớn về kinh tế - xã hội, quản lý, sử dụng
tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường;
e) Các văn bản quy phạm pháp luật
của Nhà nước về khoa học và công nghệ;
g) Chính sách đối với cán bộ
khoa học và công nghệ, chính sách đào tạo tài năng trẻ và thu hút trí thức là
người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công
nghệ.
2. Tham gia tư vấn, phản biện
các vấn đề quan trọng khác có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo
đảm quốc phòng, an ninh.
3. Thực hiện các nhiệm vụ cụ thể
được Thủ tướng Chính phủ giao.
4. Tổ chức các hoạt động của Hội
đồng (các phiên họp thường kỳ và đột xuất, chuyên đề nghiên cứu, khảo sát, điều
tra, hội thảo, hợp tác quốc tế, xây dựng trang tin điện tử, ấn phẩm,…).
5. Yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan
liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và phối hợp triển khai hỗ trợ chương
trình hoạt động của Hội đồng.
6. Mời một số cán bộ khoa học và
công nghệ có uy tín và kinh nghiệm tham gia các hoạt động của Hội đồng.
7. Trình Thủ tướng Chính phủ các
báo cáo tư vấn và đề xuất, kiến nghị của Hội đồng.
Chương 2.
TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 3. Cơ
cấu tổ chức của Hội đồng
1. Hội đồng gồm Chủ tịch Hội đồng,
các Phó Chủ tịch Hội đồng, Tổng thư ký Hội đồng và các Ủy viên Hội đồng do Thủ
tướng Chính phủ quyết định.
2. Hội đồng mời một số chuyên
gia cao cấp là các nhà khoa học đã hoặc đang làm việc trong các cơ sở nghiên cứu
khoa học, giáo dục đào tạo, một số cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp
tham gia các hoạt động của Hội đồng với tư cách là chuyên gia của Hội đồng.
3. Hội đồng có các nhóm chuyên
môn được thành lập phù hợp với chương trình hoạt động nhiệm kỳ của Hội đồng.
4. Giúp việc cho Hội đồng có Văn
phòng Hội đồng (sau đây gọi tắt là Văn phòng). Văn phòng có một số biên chế
chuyên trách nằm trong tổng biên chế của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số cán
bộ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Cơ cấu tổ chức của Văn phòng do Chủ
tịch Hội đồng quyết định trên cơ sở thỏa thuận với Bộ Nội vụ.
Điều 4. Nhiệm
vụ và quyền hạn của các thành viên Hội đồng
1. Chủ tịch Hội đồng:
a) Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng
Chính phủ về nội dung và hiệu quả hoạt động của Hội đồng;
b) Lãnh đạo Hội đồng hoạt động
theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 1, Điều 2 Quy chế này;
c) Chỉ đạo việc chuẩn bị nội
dung các vấn đề đưa ra thảo luận ở Hội đồng;
d) Triệu tập và chủ trì các
phiên họp của Hội đồng;
đ) Phân công nhiệm vụ cho các
thành viên Hội đồng;
e) Xử lý các đề xuất, kiến nghị
của các thành viên Hội đồng.
2. Phó Chủ tịch Hội đồng:
a) Giúp Chủ tịch Hội đồng trong
việc lãnh đạo công tác chung của Hội đồng và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội
đồng về phần công tác được phân công phụ trách;
b) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng điều
hành và giải quyết công việc thuộc quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng khi được ủy
quyền.
3. Các Ủy viên Hội đồng:
a) Tham gia có trách nhiệm và đầy
đủ các phiên họp của Hội đồng;
b) Đóng góp ý kiến trực tiếp tại
phiên họp Hội đồng hoặc trả lời các văn bản lấy ý kiến do Hội đồng gửi đến;
c) Chịu trách nhiệm trước Hội đồng
về nội dung, kết quả các nhiệm vụ được Hội đồng phân công. Thực hiện nhiệm vụ
và quyền hạn cụ thể khi được Chủ tịch Hội đồng giao;
d) Chủ động đề xuất ý kiến, kiến
nghị các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và các vấn đề có liên
quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ chuyên sâu;
đ) Được Hội đồng cung cấp đầy đủ
những thông tin cần thiết và được tìm hiểu những tài liệu, văn bản liên quan đến
nội dung thảo luận tại phiên họp Hội đồng;
e) Được bảo đảm các điều kiện làm
việc cần thiết theo chế độ quy định hiện hành để thực hiện các nhiệm vụ được
giao;
g) Có trách nhiệm quản lý tài liệu
và văn bản mật theo quy định chung của Nhà nước.
Chương 3.
PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA
HỘI ĐỒNG
Điều 5. Những
nguyên tắc chung
1. Các thành viên Hội đồng tham
gia các hoạt động của Hội đồng với tư cách cá nhân nhà khoa học, giúp Hội đồng
phối hợp công tác với cơ quan hoặc tổ chức nơi mình làm việc. Các ý kiến đề xuất
của các thành viên Hội đồng phải khách quan và trung thực.
2. Hội đồng họp thường kỳ 6
tháng một lần. Khi cần thiết Chủ tịch Hội đồng có thể triệu tập các phiên họp bất
thường.
3. Các phiên họp của Hội đồng phải
có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng (tỷ lệ 2/3 được tính bao gồm cả
thành viên vắng mặt có lý do nhưng có ý kiến góp ý bằng văn bản gửi đến Hội đồng
trước phiên họp).
4. Các ý kiến đưa ra của Hội đồng
chỉ được ghi thành nghị quyết khi hơn 1/2 tổng số thành viên Hội đồng có mặt biểu
quyết đồng ý (kể cả thành viên vắng mặt có ý kiến đồng ý bằng văn bản).
5. Tùy theo tính chất phiên họp
Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng được mời Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính
phủ và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tham dự phiên họp Hội
đồng hoặc mời các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức liên quan để tham vấn tại
phiên họp.
6. Tài liệu của các phiên họp Hội
đồng do Văn phòng chuyển đến cho các thành viên Hội đồng bằng đường bưu điện hoặc
qua thư điện tử từ trước phiên họp 2 tuần; trước 2 ngày đối với các phiên họp bất
thường.
Điều 6.
Phương thức hoạt động của Hội đồng
1. Tại các phiên họp, Hội đồng
làm việc theo phương thức báo cáo, thảo luận, góp ý kiến và các thành viên của
Hội đồng biểu quyết.
2. Đối với một số vấn đề cấp
bách hoặc xét thấy không cần thiết phải triệu tập họp, Văn phòng sẽ gửi tài liệu,
văn bản và phiếu lấy ý kiến biểu quyết của các thành viên Hội đồng.
3. Đối với những vấn đề khoa học
và công nghệ mới, Chủ tịch Hội đồng quyết định tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy
ý kiến các nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước để chuẩn bị nội dung,
luận cứ trước khi đưa ra Hội đồng thảo luận.
4. Hội đồng có thể thành lập các
tổ công tác để thực hiện một số nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyên ngành.
Các tổ công tác do Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập và giao nhiệm vụ.
5. Hội đồng có thể mời các cộng
tác viên là các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động của Hội đồng về nghiên
cứu, khảo sát, cung cấp thông tin, tư vấn cho Hội đồng trên cơ sở hợp đồng công
việc.
6. Việc điều hành hoạt động của
Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng, các Phó Chủ tịch Hội đồng (sau đây gọi tắt là
Thường trực Hội đồng) đảm nhiệm. Thường trực Hội đồng có thể tổ chức các phiên
họp Thường trực Hội đồng mở rộng để giải quyết kịp thời các công việc mới phát
sinh của Hội đồng.
7. Hàng năm, Hội đồng báo cáo Thủ
tướng Chính phủ kết quả thực hiện chính sách phát triển khoa học và công nghệ
quốc gia và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ những vấn đề cần tập trung chỉ đạo,
giải quyết.
Điều 7. Quan
hệ làm việc của Hội đồng
1. Hội đồng phối hợp công tác với
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành và các tổ chức
liên quan đối với những vấn đề có tầm quốc gia về phát triển khoa học và công
nghệ, kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ có
trách nhiệm bố trí kinh phí để Hội đồng thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi được Thủ
tướng Chính phủ giao.
Chương 4.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8.
Trách nhiệm thi hành
1. Chủ tịch Hội đồng và các
thành viên Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quy chế này.
2. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế
này do Chủ tịch Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia và Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.