Quyết định 803/QĐ-BTC về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2020 của Bộ Tài chính

Số hiệu 803/QĐ-BTC
Ngày ban hành 01/06/2020
Ngày có hiệu lực 01/06/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 803/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 68/NQ-CP NGÀY 12/5/2020 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NĂM 2020 CỦA BỘ TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh năm 2020 của Bộ Tài chính.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
-
Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng
Chính phủ (để b/c);
-
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng;
- Các
đồng chí Thứ trưởng;
- Lưu: VT. VP (Hằng - 20.b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 68/NQ-CP NGÀY 12/5/2020 CỦA CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CẮT GIẢM, ĐƠN GIẢN HÓA QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG KINH DOANH NĂM 2020 CỦA BỘ TÀI CHÍNH
(Kèm theo Quyết định số 803/QĐ-BTC ngày 01/6/2020 của Bộ Tài chính)

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm, động lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thúc đẩy, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tham gia hoạt động kinh doanh; giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

2. Cắt giảm, đơn giản hóa ngay những quy định thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp, là rào cản, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân trọng các văn bản hiện hành do Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

3. Bảo đảm tính công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính trong việc thực hiện cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính.

4. Bảo đảm tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do trong lĩnh vực tài chính mà Việt Nam đã tham gia.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU, PHẠM VI

1. Mục tiêu:

a) Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản do Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

b) Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài chính trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của Bộ trưởng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.

2. Yêu cầu:

a) Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, sản phẩm dự kiến hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có liên quan; bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng thời hạn, công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ tại Chương trình của Chính phủ và Kế hoạch này.

b) Cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh phải lượng hóa được lợi ích mang lại cho doanh nghiệp, người dân và xã hội, không gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động, quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người dân; bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước, không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quy định pháp luật.

c) Thực hiện đúng quy định tại khoản 3 Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành văn bản quy định chi tiết liên quan đến hoạt động kinh doanh theo hướng khuyến khích lồng ghép nhiều nội dung trong một văn bản để giảm tối đa số văn bản quy định chi tiết, bảo đảm tính thống nhất và tạo thuận lợi cho việc thi hành, tuân thủ pháp luật.

[...]