ỦY BAN
NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 793/2001/QĐ-UB
|
Huế, ngày 13 tháng
4 năm 2001
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN KHÁCH DU LỊCH
ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
21/6/1994;
- Căn cứ Nghị định số 40/CP ngày 05/7/1996
của Chính phủ về Bảo đảm trật tự an toàn giao thông vận tải đường thủy nội địa;
- Căn cứ quyết định số 906/1999/ QĐ-UB ngày
17/5/1999 của UBND Tỉnh về tổ chức quản lý hoạt động của bến thuyền du lịch;
- Căn cứ quyết định số 907/1999/ QĐ-UB ngày
17/5/1999 của UBND Tỉnh về tiêu chuẩn phương tiện và người điều khiển phương
tiện du lịch;
- Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước
đối với hoạt động vận chuyển khách du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo
môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các chủ phương tiện tham gia vận chuyển
khách du lịch đường thủy nội địa;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận
tải Thừa Thiên Huế;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Nay
ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế về tổ chức và quản lý hoạt động vận
chuyển khách du lịch đường thủy nội địa”
Điều 2: Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2001. Các quy định trước đây trái với Quy
chế này đều bãi bỏ.
Điều 3: Giám
đốc Sở GTVT có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện quyết định này.
Điều 4: Chánh
Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Du lịch, Văn hóa
Thông tin: Công an Tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện và thành phố Huế, Thủ trưởng
các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như điều IV;
- TVTU;
- Thường trực HĐND;
- CT và các PCT UBND Tỉnh;
- Sở KHĐT, Đoạn QL đường sông
- VP: LĐ và CV GT, XH,TM, TH;
- Lưu VT,LT.
|
TM/UBND TỈNH THỪA
THIÊN HUẾ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Văn Hoàng
|
QUY
CHẾ
VỀ
TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN KHÁCH DU LỊCH ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 793/2001/QĐ-UB ngày 13 tháng 4 năm 2001)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Vận
chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa là một loại hình vận tải đặc
thù của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm phục vụ khách du lịch du thuyền trên sông
Hương và vùng đầm phá để tham quan, thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh của
Thừa Thiên Huế.
Điều 2: Quy chế này quy định những nguyên tắc cơ bản về tổ chức và
quản lý hoạt động vận chuyển khách du lịch đường thủy nội địa, nhằm tạo môi
trường kinh doanh lành mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách du
lịch với mục tiêu “an toàn - văn minh - hiệu quả”.
Điều 3: Đối tượng và phạm vi điều chỉnh.
Quy chế này được áp dụng đối với tất cả các
tổ chức, cá nhân có thuyền du lịch đã được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm
quyền cho phép kinh doanh vận chuyển khách du lịch; các bến thuyền du lịch được
thành lập theo quy định của pháp luật.
Điều 4: Trong Quy chế này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Thuyền du lịch: là loại thuyền tự chạy bằng
động cơ, có công suất lớn hơn 15CV, có sức chở từ 15 khách trở lên và do người
điều khiển.
Bến thuyền du lịch: là nơi quy định để thuyền
du lịch vào đón, trả khách, là nơi dừng đỗ thuyền cho khách đi tham quan. Việc
tổ chức quản lý hoạt động của bến thuyền du lịch thực hiện theo quyết định số
906/1999/ QĐ-UB ngày 17/5/1999 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chương II
TỔ
CHỨC VÀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG VẬN CHUYỂN KHÁCH DU LỊCH ĐTNĐ
Điều 5: Điều
kiện để được vận chuyển khách du lịch ĐTNĐ.
5.1/ Đối với đơn vị vận tải:
Các tổ chức, cá nhân, đơn vị vận tải được
thành lập theo quy định của pháp luật: Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Doanh
nghiệp, Luật Hợp tác xã đều có điều kiện đăng ký dịch vụ vận chuyển khách du
lịch ĐTNĐ.
5.2/ Đối với thuyền du lịch:
+ Tình trạng kỹ thuật phải đảm bảo an toàn.
Có đủ các giấy tờ: Giấy chứng nhận đăng ký kỹ thuật, đăng ký hành chính, bảo
hiểm và các giấy tờ liên quan khác còn thời hạn hiệu lực. Hình thức phải đẹp,
sạch sẽ, hai bên thành phương tiện kẻ chữ Tourist và tên đơn vị.
+ Trần của thuyền ở buồng khách phải có
la-phông, vị trí người điều khiển phải tách biệt với buồng khách, các cửa sổ có
kính và riđô đẹp.
+ Có đủ ghế ngồi chắc chắn, lịch sự, sạch sẽ,
được lắp cố định trên thuyền và phân bổ đều, đối xứng để đảm bảo tính ổn định
của thuyền. Ghế được bố trí cách hàng dọc tối thiểu 800mm và cách hàng ngang
tối thiểu 600mm. Độ cao của ghế tính từ sàn lên mặt ghế ngồi không lớn hơn
0,4m.
+ Có hệ thống đèn chiếu sáng và thông gió
tốt. Có bình chữa cháy, thuốc cấp cứu thông thường và được bố trí nơi thuận
tiện khi sử dụng.
+ Có radiocassette; có loa, micrô (đối với
thuyền ghép).
+ Phải có buồng vệ sinh có thùng chứa và phải
đưa lên bờ xử lý chất thải.
+ Không được để người nhà ăn ở trên thuyền.
+ Không được nuôi các loại gia cầm, gia súc ở
trên thuyền.
+ Không được chở quá số lượng khách đã quy
định cho mỗi thuyền
+ Vị trí lắp phao cứu sinh bố trí dọc hai bên
mạn, bảo đảm thuận tiện cho khách sử dụng khi có sự cố. Phao cứu sinh phải sử
dụng loại phao áo đủ số lượng theo trọng tải thuyền và kèm theo phao tròn.
+ Phải có hệ thống giảm âm và cách âm để độ
ồn do máy phát ra ở buồng khách không vượt quá 50db.
+ Có bảng nội quy an toàn của thuyền.
+ Khuyến khích chủ thuyền lắp động cơ YAMAHA
của Nhật.
Ngoài ra, thuyền du lịch phải đáp ứng các yêu
cầu vềì tiêu chuẩn phương tiện vận chuyển khách du lịch theo quy định tại quyết
định số 907/1999/QĐ - UB ngày 17/5/1999 của UBND Tỉnh.
5.3/ Đối với người điều khiển phương tiện:
+ Người điều khiển phải có bằng thuyền trưởng
hợp lệ phù hợp với loại phương tiện đang điều khiển.
+ Có ý thức chấp hành luật pháp, chấp hành
nghiêm túc thể lệ vận tải hành khách đường thủy nội địa, các văn bản quy định
của Trung ương và của Tỉnh.
+ Khi hoạt động phải đưa thuyền đến vị trí
đón, trả khách đúng nơi quy định. Trước khi thuyền khởi hành phải làm đầy đủ
các thủ tục xuất bến theo quy định bao gồm: Lệnh xuất bến và danh sách hành
khách đi thuyền.
+ Phải có phong cách giao tiếp lịch sự, thái
độ nhã nhặn, tôn trọng khách. Thống nhất trang bị đồng phục chỉnh tề, sạch sẽ,
phải đeo phù hiệu có dán ảnh. Kích thước phù hiệu theo mẫu:
Nền phù hiệu màu xanh
nước biển, chữ màu trắng
5.4/ Đối với bến thuyền du lịch:
- Bến chính: là nơi xuất phát và kết thúc
hành trình của thuyền du lịch, được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập và
đã được công bố mở bến theo quy định hiện hành và có Ban quản lý bến thuyền.
Tại bến chính phải có nhà chờ cho khách, có
phòng bán vé, có cầu cho khách lên xuống an toàn, có trang thiết bị phục vụ
sinh hoạt cần thiết cho khách du lịch.
- Bến phụ: là các bến dùng cho thuyền du lịch
dừng, đỗ để khách đi tham quan; được cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập
và đã được công bố mở bến theo quy định hiện hành.
Tại bến phụ phải có cầu cho khách lên xuống
an toàn, thuận tiện, có đèn đủ độ sáng nếu hoạt động ban đêm và các trang thiết
bị cần thiết khác nếu khách có nhu cầu.
Các bến thuyền phải có đủ thiết bị cho thuyền
neo buộc, đủ điều kiện an toàn cho thuyền ra vào bến và hành khách lên xuống
thuyền thuận tiện.
Điều 6: Hợp
đồng vận chuyển khách du lịch
Hợp đồng vận chuyển khách du lịch bằng phương
tiện thủy nội địa được ký giữa đơn vị vận tải và đại diện khách đi thuyền hoặc
được ký giữa Ban quản lý bến thuyền và đại diện khách đi thuyền nếu đơn vị vận
tải ủy quyền cho Ban quản lý bến thuyền thực hiện theo thỏa thuận.
Ngoài ra đơn vị vận tải (hoặc Ban quản lý bến
thuyền được đơn vị vận tải ủy quyền) còn có thể được bán vé lẻ cho khách đi
thuyền.
Điều 7: Giá
cước và lệ phí.
- Giá cước vận chuyển khách du lịch được thực
hiện thống nhất trên cơ sở khung giá cước do UBND Tỉnh ban hành.
- Các thuyền du lịch phải thực hiện thống
nhất một loại giá cước theo từng loại thuyền được phân hạng và chất lượng dịch
vụ...(do sự thống nhất giữa các chủ thuyền).
- Lệ phí bến thuyền được thực hiện thống nhất
theo quyết định số 1852/QĐ-UB ngày 11/9/1998 của UBND Tỉnh.
Điều 8: Đón
và trả khách.
- Việc đón trả khách được thực hiện tại hai
bến chính: Bến thuyền du lịch Tòa Khâm và Bến thuyền du lịch số 5 Lê Lợi.
- Nghiêm cấm các phương tiện đậu đỗ đón trả
khách ngoài hai bến quy định trên.
- Ban quản lý bến thuyền có quyền từ chối cấp
lệnh xuất bến cho thuyền du lịch khi xét thấy các điều kiện về an toàn không
đảm bảo hoặc các giấy tờ thủ tục không hợp lệ; lập biên bản vi phạm và yêu cầu
đơn vị vận tải bố trí thuyền khác thay thế, mọi sự chậm trễ giờ chạy đối với
khách đơn vị vận tải phải chịu trách nhiệm.
- Ban quản lý bến thuyền phối hợp với đơn vị
vận tải để tổ chức tốt việc điều hành thuyền xuất nhập bến một cách an toàn.
Điều 9: Chất
lượng phục vụ.
9.1/ Đối với bến thuyền:
- Tại các bến thuyền phải bố trí khu vực
thuận tiện, an toàn, bảo đảm mỹ quan cho thuyền đậu đỗ để đón trả khách.
- Có bảng niêm yết các loại hình dịch vụ, giá
vé đầy đủ, rõ ràng.
- Có bảng nội quy bến và nội quy đi thuyền
treo ở nơi dễ thấy.
- Có phòng chờ cho khách thoáng mát lịch sự.
- Cán bộ và nhân viên phục vụ tại bến khi
tiếp xúc với khách du lịch và người điều khiển phương tiện phải có thái độ nhã
nhặn, văn minh, lịch sự; giải quyết nhanh các thủ tục xuất bến và lập danh sách
hành khách đi thuyền, không gây phiền hà cho chủ thuyền và du khách.
- Có thể tổ chức quầy hàng lưu niệm chất
lượng cao, phục vụ giải khát cho khách trong khi chờ đi thuyền.
9.2/ Đối với người điều khiển và thuyền viên
phục vụ trên thuyền:
- Làm đầy đủ các thủ tục theo quy định trước
khi thuyền khởi hành.
- Điều khiển thuyền đi, về đúng hành trình
theo hợp đồng, không gây khó dễ cho khách đi thuyền.
- Không được chở số lượng người quá trọng tải
cho phép, không được uống rượu bia hoặc có mùi men khi điều khiển phương tiện.
- Phải mặc đồng phục và đeo phù hiệu theo quy
định. Có thái độ phục vụ khách du lịch chu đáo, nhã nhặn, văn minh và lịch sự.
- Việc tổ chức bán hàng lưu niệm trên thuyền
(nếu có) phải được trưng bày trong tủ kính và có ghi bảng giá rõ ràng. Nghiêm
cấm việc cho các ghe thuyền khác bu bám để bán hàng rong.
Điều 10: Phạm
vi hoạt động của phương tiện.
Do Sở Giao thông vận tải quy định cho mỗi
phương tiện trên cơ sở tính năng kỹ thuật của phương tiện.
Chương III
KIỂM
TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 11: Kiểm tra.
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kiểm
tra, kiểm soát được tiến hành kiểm tra xử lý theo quy định hiện hành của pháp
luật. Nếu thuyền đang chở khách mà không có lệnh xuât bến của Ban quản lý bến
thuyền thì bị xử phạt tương tự như thiếu các giấy tờ theo quy định tại Nghị
định 40/CP của Chính phủ.
Điều 12: Mọi vi phạm Quy chế về hoạt động vận chuyển khách du lịch
đều bị xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.
Chủ thuyền và người điều khiển phương tiện
vận chuyển khách du lịch nếu vi phạm Quy chế này, tùy thuộc vào mức độ vi phạm,
ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định hiện hành, Sở Giao thông
vận tải có trách nhiệm kiểm tra để có hình thức xử lý thu hồi lại Giấy chứng
nhận an toàn kỹ thuật phương tiện
Đơn vị hoặc chủ thuyền nào cố tình tái phạm,
ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính, các cơ quan chức năng của Tỉnh có trách
nhiệm xem xét, đình chỉ hoạt động và thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh.
Điều 13: Ngoài việc kiểm tra kỹ thuật của phương tiện theo các quy
phạm của Bộ Giao thông vận tải, Cơ quan đăng kiểm kỹ thuật còn phải căn cứ vào
tiêu chuẩn phương tiện của Tỉnh quy định để kiểm tra, nếu đạt yêu cầu mới cấp Giấy
chứng nhận an toàn kỹ thuật. Thời hạn đăng kiểm kỹ thuật đối với thuyền du lịch
là 6 tháng/1 lần.
Chương IV
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14: Sở GTVT có trách nhiệm phối hợp với Công an Tỉnh (Phòng
Cảnh sát giao thông đường thủy), Sở du lịch, Sở Văn hóa Thông tin, Công an
thành phố Huế và các huyện và các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra việc
thực hiện Quy chế này.
Điều 15: Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh
hoặc cần bổ sung, sửa đổi các điều khoản của Quy chế này, các cấp, các ngành
liên quan báo về Sở Giao thông vận tải để tổng hợp đề xuất UBND Tỉnh xem xét
giải quyết./.