Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 78/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình "Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022-2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 78/QĐ-TTg
Ngày ban hành 14/01/2022
Ngày có hiệu lực 14/01/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Đức Đam
Lĩnh vực Giáo dục

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 78/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH “PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG BẢO ĐẢM VÀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ CAO ĐẲNG SƯ PHẠM GIAI ĐOẠN 2022 - 2030”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 ngày 27 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030” (sau đây gọi tắt là Chương trình) với những nội dung sau đây:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm Việt Nam đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng Khung bảo đảm chất lượng ASEAN, góp phần quan trọng thúc đẩy tự chủ giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm.

2. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2022 - 2025:

Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo) được cơ bản hoàn thành; năng lực hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm được nâng cao, cụ thể:

a) 100% cơ sở đào tạo hoàn thành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong với mục tiêu, chính sách, nguồn lực, nhiệm vụ, kế hoạch, các quy trình bảo đảm chất lượng và hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng được xác định rõ ràng phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo trong từng giai đoạn trên cơ sở các bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trong nước và nước ngoài;

b) 100% cơ sở đào tạo hoàn thành tự đánh giá, 95% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; 70% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng chu kỳ kiểm định lần thứ hai;

c) 35% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; trong đó có ít nhất 10% số chương trình đào tạo đạt theo tiêu chuẩn nước ngoài (sau đây gọi là kiểm định quốc tế), 100% số chương trình đào tạo giáo viên các trình độ đạt tiêu chuẩn chất lượng;

d) 100% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt tiêu chuẩn đánh giá theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 10% các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được đánh giá đạt theo tiêu chuẩn đánh giá của tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế;

đ) 50% tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong nước tham gia vào mạng lưới các tổ chức bảo đảm chất lượng quốc tế hoặc có thoả thuận hợp tác quốc tế trong việc công nhận kết quả kiểm định lẫn nhau;

e) Có ít nhất 750 người được cấp thẻ kiểm định viên; 100% kiểm định viên được bồi dưỡng chuyên sâu về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục trong đó có 5% kiểm định viên có chứng nhận và tham gia hoạt động kiểm định quốc tế;

g) 90% công chức và 70% viên chức, người lao động trong cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở đào tạo làm việc ở các vị trí về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục được bồi dưỡng chuyên sâu nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu tham mưu xây dựng và thực thi chính sách, quy định về bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; trong đó có 20% được tập huấn, đào tạo bởi chuyên gia quốc tế và khu vực.

3. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2026 - 2030:

Phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm; phát triển bền vững hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm:

a) 100% cơ sở đào tạo phát triển hệ thống đảm chất lượng bên trong để thực thi hiệu quả mục tiêu chiến lược và văn hóa chất lượng của cơ sở đào tạo;

b) 100% cơ sở đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo các chu kỳ kiểm định phù hợp (chu kỳ kiểm định lần thứ nhất với cơ sở đào tạo mới có một khóa người học tốt nghiệp hoặc các chu kỳ kiểm định tiếp theo với cơ sở đào tạo đã đạt kiểm định chất lượng giai đoạn trước năm 2025);

[...]