CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐÀI
PHÁT THANH TRUYỀN HÌNH TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 78/2004/QĐ-UB ngày 12/07/2004 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Dương)
Điều 1: Vị trí
Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Bình Dương (sau
đây gọi tắt là Đài) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, chịu sự
chỉ đạo và quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời được sự hướng
dẫn về nghiệp vụ, kỹ thuật của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam
và Cục Báo chí thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin.
Điều 2: Đài có chức năng:
- Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về
phát thanh, truyền thanh, truyền hình trên địa bàn tỉnh.
- Trực tiếp quản lý, khai thác cơ sở vật chất kỹ
thuật của Đài, chỉ đạo các Đài Truyền thanh huyện, thị từ khâu sản xuất chương
trình đến khâu truyền dẫn phát sóng.
Điều 3: Đài có nhiệm vụ :
3.1- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết
định, chỉ thị về quản lý các hoạt động phát thanh, truyền thanh, truyền hình
trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
3.2- Trình Ủy ban nhân dân tỉnh quy hoạch, kế hoạch
dài hạn, 5 năm và hàng năm về phát triển công tác phát thanh, truyền thanh và
truyền hình trên địa bàn tỉnh.
3.3- Thực hiện các chương trình phát sóng phát
thanh, truyền hình theo nguyên tắc báo chí về báo nói, báo hình.
3.4- Tổ chức, xây dựng và sản xuất các chương
trình phát thanh, truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; phục vụ
đời sống văn hoá, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân theo chủ trương, đường lối
của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
3.5- Tổ chức quản lý thống nhất và chỉ đạo các
Đài Truyền thanh cấp huyện và cơ sở hoạt động đúng chủ trương, đường lối của Đảng
và pháp luật Nhà nước; thực hiện việc tiếp âm Đài quốc gia và Đài tỉnh theo quy
định; xây dựng nội dung phát thanh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và phục vụ
đời sống văn hoá, tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân địa phương. Hướng dẫn, bồi
dưỡng về nghiệp vụ, kỹ thuật cho cán bộ các đài phát thanh cấp huyện và cơ sở.
3.6- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ báo
chí, kỹ thuật điện tử, đảm bảo mạng lưới đài truyền thanh huyện, thị và cơ sở
hoạt động liên tục, thực hiện đầy đủ tiếng nói 4 cấp.
3.7- Trực tiếp duy tu bảo dưỡng, khai thác cơ sở
vật chất kỹ thuật của Đài từ khâu sản xuất chương trình đến khâu truyền dẫn
phát sóng; bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định; ứng dụng công
nghệ tiên tiến theo chuẩn quốc gia, quốc tế vào lĩnh vực phát thanh, truyền
thanh, truyền hình.
3.8- Lập kế hoạch hàng năm về xây dựng cơ bản
theo định hướng quy hoạch của ngành, chủ trương đầu tư vốn của tỉnh, kết hợp
khai thác vốn đầu tư của huyện và của nhân dân theo phương châm kết hợp ngành với
lãnh thổ, Nhà nước và nhân dân cùng làm, đảm bảo kế hoạch phát triển sự nghiệp
phát thanh, truyền thanh, truyền hình ở địa phương.
3.9- Quản lý, khai thác có hiệu quả tài sản, thiết
bị, vật tư của Đài và mạng lưới truyền thanh; thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng
định kỳ và xử lý ngay các sự cố để đảm bảo làn sóng điện an toàn và liên tục.
3.10- Tổ chức, phổ biến ứng dụng các tiến bộ
khoa học kỹ thuật; hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu, định
mức, quy trình, quy phạm kỹ thuật trong xây dựng và quản lý mạng truyền thanh
toàn tỉnh.
3.11- Thực hiện báo cáo định kỳ hàng tháng, quý,
6 tháng, năm và báo cáo đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ về các lĩnh vực
công tác được giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh.
3.12- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Uỷ ban nhân
dân tỉnh giao.
Điều 4: Đài có quyền hạn:
4.1- Có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu
riêng, được dự toán kinh phí để hoạt động và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà
nước.
4.2- Được phối hợp và đề nghị các cơ quan, đơn vị,
đoàn thể trong tỉnh thông báo tình hình về các vấn đề liên quan chuyên ngành
(kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng địa phương) bằng văn bản
hoặc trực tiếp trao đổi để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo sự chỉ
đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
4.3 Được tổ chức, điều hành các hoạt động dịch vụ
phát thanh, truyền hình, tiếp thị quảng cáo, vận động tài trợ tạo nguồn thu bổ
sung kinh phí hoạt động của Đài.
4.4 Được đề nghị hay quyết định theo thẩm quyền
về các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức của Đài theo quy
định của Nhà nước và theo phân cấp quản lý cán bộ của tỉnh.
TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 5: Cơ cấu tổ chức :
1- Lãnh đạo Đài : Đài có 01 Giám đốc điều hành
và từ 03 đến 04 Phó giám đốc giúp việc cho Giám đốc. Chức vụ Giám đốc do Ủy ban
nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm . Chức vụ Phó giám đốc do Ủy ban nhân dân tỉnh
bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Đài và Giám đốc Sở Nội vụ.
2- Các phòng chức năng
- Phòng Thời sự
- Phòng Chuyên đề
- Phòng Tuyên truyền pháp luật
- Phòng Khoa học – Giáo dục
- Phòng Văn nghệ
- Phòng Thể dục – Thể thao
- Phòng Biên tập chương trình nước ngoài
- Phòng Biên tập phát thanh
- Phòng Biên tập ca nhạc “Xone FM”
- Phòng Quản lý truyền thanh
- Phóng Sản xuất chương trình truyền hình
- Phòng Sản xuất chương trình phát thanh
- Phòng Truyền dẫn – Phát sóng
- Phòng Quản lý chương trình
- Phòng Tổ chức hành chính
Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các phòng do Giám
đốc Đài quy định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đài được Ủy ban
nhân dân tỉnh quy định.
Tùy theo yêu cầu nhiệm vụ ở mỗi giai đoạn, Giám
đốc Đài có thể đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thay đổi cơ cấu tổ chức của Đài cho
phù hợp.
Mỗi phòng có 01 Trưởng phòng và từ 01- 02 Phó
trưởng phòng. Chức vụ trưởng phòng do Ủy ban nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm
theo đề nghị của Giám đốc Đài và Giám đốc Sở Nội vụ. Chức vụ phó trưởng phòng
do Giám đốc Đài bổ nhiệm, miễn nhiệm sau khi thỏa thuận với Giám đốc Sở Nội vụ.
3- Các tổ chức sự nghiệp thuộc Đài:
a- Hãng Phim truyền hình
b- Trung tâm dịch vụ phát thanh truyền hình
Việc thành lập các tổ chức sự nghiệp thuộc Đài
do Giám đốc Đài xây dựng đề án trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức hoạt động
của các tổ chức sự nghiệp thuộc Đài do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định.
Mỗi tổ chức sự nghiệp có 01 Giám đốc điều hành
và từ 01-03 Phó giám đốc giúp việc cho Giám đốc. Chức vụ giám đốc do Uỷ ban
nhân dân tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Đài và Giám đốc Sở
Nội vụ. Chức vụ phó giám đốc do Giám đốc đề nghị, Giám đốc Đài bổ nhiệm, miễn
nhiệm sau khi thỏa thuận với Giám đốc Sở Nội vụ.
Điều 6: Biên chế của Đài thuộc biên chế sự nghiệp của tỉnh do Ủy ban
nhân dân tỉnh giao.
Việc bố trí công chức, viên chức của Đài căn cứ
vào chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công chức, viên chức Nhà nước theo quy
định.
Chương III
CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 7: Chế độ làm việc:
1- Đài hoạt động theo chương trình, kế hoạch
công tác hàng năm được Ủy ban nhân dân tỉnh giao và theo chức năng nhiệm vụ,
quyền hạn được quy định trong bản quy định này.
2- Giám đốc Đài là người lãnh đạo và điều hành mọi
hoạt động của Đài theo chế độ thủ trưởng, có quyền quyết định mọi vấn đề thuộc
phạm vi quyền hạn của Đài và là người chịu trách nhiệm cao nhất trước Ủy ban
nhân dân tỉnh về toàn bộ hoạt động của Đài.
3- Phó giám đốc Đài là người giúp việc cho Giám
đốc Đài, phụ trách một số lĩnh vực công tác do Giám đốc Đài phân công và chịu trách
nhiệm trước Giám đốc Đài về các nhiệm vụ công tác được giao, đồng thời cùng với
Giám đốc Đài liên đới chịu trách nhiệm trước cấp trên về phần việc được phân
công phụ trách.
4- Các phòng chức năng làm việc theo chế độ thủ
trưởng, giải quyết các vấn đề được lãnh đạo Đài phân công theo từng lĩnh vực
chuyên môn, kỹ thuật và chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Đài về kết quả công việc
được phân công.
5- Định kỳ (do Giám đốc Đài quy định), lãnh đạo
Đài họp giao ban với các trưởng, phó trưởng phòng và lãnh đạo các tổ chức sự
nghiệp thuộc Đài để nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ và đề ra kế hoạch công tác
cho thời gian tới. Sáu tháng, tổ chức sơ kết và hàng năm tổ chức hội nghị tổng
kết công tác để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua và xây dựng kế
hoạch nhiệm vụ cho thời gian tới. Ngoài ra, Đài có thể tổ chức các cuộc họp bất
thường để phổ biến, triển khai các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách về công tác phát
thanh, truyền thanh, truyền hình do Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cấp trên đề ra .
6- Khi có những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm
quyền của Giám đốc Đài hay chưa được sự thống nhất ý kiến của các Sở, ngành,
đoàn thể liên quan thì Giám đốc báo cáo với Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét cho
ý kiến chỉ đạo giải quyết.
Điều 8: Các mối quan hệ công tác :
1- Với Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình
Việt Nam và Cục Báo chí (thuộc Bộ Văn hoá-Thông tin) : Đài tranh thủ và thực hiện
tốt sự hướng dẫn về kỹ thuật, nghiệp vụ của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền
hình Việt Nam, Cục Báo chí (thuộc Bộ Văn hoá -Thông tin).
2- Với Tỉnh uỷ : Đài chịu sự lãnh đạo thống nhất
của Tỉnh uỷ (thông qua Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ) về nội dung tư tưởng trong công
tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
3- Với Ủy ban nhân dân tỉnh : Đài chịu sự quản
lý, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh và thực hiện chế độ báo cáo công
tác theo định kỳ và theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh..
4- Với các sở, ban, ngành và đoàn thể của tỉnh :
Đài có mối quan hệ chặt chẽ với các sở, ban, ngành và đoàn thể của tỉnh nhằm phối
hợp thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ công tác được giao.
5- Với Ủy ban nhân dân các huyện, thị : Đài xây
dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị trong công tác phát
thanh, truyền thanh, truyền hình; đồng thời phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các Đài
Truyền thanh huyện, thị, Đài Truyền thanh cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên
truyền, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị địa phương, quản lý tốt các máy
móc, trang thiết bị mạng lưới truyền thanh nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ tiếng
nói của 4 cấp.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 8: Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày quyết định
ban hành quy định này có hiệu lực.
Điều 9: Việc sửa đổi, bổ sung quy định này do Ủy ban nhân dân tỉnh
quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Đài và Giám đốc Sở Nội vụ .