Quyết định 773-TTg năm 1994 về chương trình khai thác, sử dụng đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 773-TTg
Ngày ban hành 21/12/1994
Ngày có hiệu lực 21/12/1994
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Bất động sản,Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 773-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHƯƠNG TRÌNH KHAI THÁC, SỬ DỤNG ĐẤT HOANG HOÁ, BÃI BỒI VEN SÔNG, VEN BIỂN VÀ MẶT NƯỚC Ở CÁC VÙNG ĐỒNG BẰNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng các Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Thuỷ lợi, Lao động - Thương binh và Xã hội, của Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia,

QUYẾT ĐỊNH:

VỀ CƠ CẤU KINH TẾ VÀ BỐ TRÍ DÂN CƯ

Điều 1. Từ nay đến năm 2000 và một số ít năm tiếp theo, các ngành, các cấp cần huy động tối đa mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế ở trong nước và nguồn vốn ngoài nước để hoàn thành về cơ bản việc khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bằng chưa được khai thác, nhằm tăng thêm diện tích sản xuất, tăng sản lượng hàng hoá nông - lâm - ngư nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển để bảo vệ môi trường và giữ cân bằng sinh thái, từng bước ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào trên các vùng đất mới. Hướng khai thác trọng tâm là các vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mâu và một số tiểu vùng còn đất hoang hoá khác ở đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, vùng đầm phá ven biển miền trung và miền Bắc.

Việc bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hiện có và việc khai thác, sử dụng, phủ xanh đất hoang hoá trên các vùng đồi núi trọc (chủ yếu là ở trung du, miền núi) vẫn tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 327-CT ngày 15-9-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã được cụ thể hoá tại văn bản số 4785-KTN ngày 29-8-1994 của Chính phủ.

Điều 2. Chương trình khai thác, sử dụng đất hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển và mặt nước ở các vùng đồng bào được thực hiện bằng các dự án. Các dự án phải được xây dựng đồng bộ, vừa phát triển kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế theo hướng nông, lâm, ngư nghiệp kết hợp, phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, vừa bố trí lại dân cư (di dân, chuyển dân) giải quyết các nhu cầu về xã hội (văn hoá, giáo dục, bảo vệ sức khoẻ) nhằm xây dựng nông thôn mới, văn minh, hiện đại, bảo vệ và cải thiện được môi trường sinh thái chung.

Việc thực hiện các dự án khai thác, sử dụng đất hoang hoá, bãi bồi, mặt nước phải được tiến hành từng bước, theo định hướng quy hoạch có trọng điểm trong từng thời gian, phù hợp với khả năng đầu tư của nhân dân và của Nhà nước. Ưu tiên đầu tư cho các dự án giải quyết được nhiều việc làm, chuyển, dãn được nhiều dân di cư từ nơi thiếu đất; vùng tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá tập trung có giá trị cao, vùng biên giới, hải đảo giữ vị trí trọng yếu về an ninh, quốc phòng.

Điều 3. Các dự án sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phải xuất phát từ đặc điểm tự nhiên, khả năng đầu tư và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, có thị trường tiêu thụ, bảo đảm sự phát triển bền vững, có hiệu quả.

Các dự án phải kết hợp nông nghiệp- lâm nghiệp - ngư nghiệp với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm ; cân đối giữa trồng trọt với chăn nuôi; bảo vệ rừng và trồng rừng; nuôi trồng thuỷ sản, giữa bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế, có biện pháp giải quyết đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến và các dịch vụ có liên quan.

Thuỷ lợi là biện pháp quan trọng hàng đầu của mỗi dự án và phải đặt trong mối quan hệ trực tiếp với các công trình khác như cải tạo đất, mở rộng diện tích canh tác, bố trí hệ thống giao thông thuỷ, bộ theo các quy mô phù hợp với khả năng đầu tư.

Điều 4. Chú trọng việc phục hồi và tăng thêm diện tích rừng phòng hộ, ven biển, rừng ngập mặn và trồng đai rừng trong mỗi dự án, nhằm giữ cân bằng sinh thái, đồng thời tạo ra nguồn vật liệu xây dựng, chất đốt tại chỗ. Diện tích rừng và cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm trong mỗi dự án phải bảo đảm có độ che phủ không thấp hơn 20 - 30% diện tích tự nhiên.

Điều 5. Dự án về nuôi trồng thuỷ sản cần kết hợp với các dự án thuỷ lợi, dự án nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, cảnh quan du lịch v.v... để nuôi trồng thuỷ sản bằng các mô hình thích hợp, nhằn khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của từng loại mặt nước và tạo dựng môi trường sinh thái bền vững.

Điều 6. Phát triển hợp lý các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trước hết là các đơn vị sản xuất quy mô vừa và nhỏ nhưng có trang thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và ngoài nước; chú trọng thực hiện tập trung hoá và chuyên môn hoá ngay từ đầu.

Tổ chức mạng lưới thương nghiệp bảo đảm cung ứng hàng hoá và dịch vụ cho dân cư và tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở trên địa bàn sản xuất ra.

Điều 7. Về áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ mới vào sản xuất:

Việc mở rộng diện tích canh tác, phát triển nông, lâm, ngư nghiệp phải gắn liền với các biện pháp sản xuất tiên tiến để chống xói mòn, bảo vệ và không ngừng nâng cao độ phì của đất, chống ô nhiễm môi trường và nguồn nước, tăng năng suất, làm tốt công tác khuyến nông, lâm, ngư để chuyển giao các loại giống và các tiến bộ kỹ thuật bảo đảm cho cây trồng, vật nuôi đạt năng suất cao, phẩm chất tốt.

Trong công nghiệp, áp dụng ngay các công nghệ mới tiên tiến để sản xuất ra các sản phẩm hàng hoá có giá trị phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Điều 8. Về bố trí dân cư và cơ sở hạ tầng văn hoá, xã hội:

Việc bố trí khu dân cư phải có quy hoạch và theo các dự án cụ thể, gắn với định canh định cư, địa bàn sản xuất và quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, phúc lợi công cộng, bảo đảm sớm ổn định đời sống của dân cư, nhất là ở các vùng mà điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khó khăn như vùng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng, vùng đầm phá, xóm chài nay định cư ở đất liền, vùng thường xuyên bị thiên tai và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa nơi kinh tế chậm phát triển.

Các điểm dân cư cần được quy hoạch toàn diện, có bước đi cụ thể, theo hướng xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại bố trí theo cụm kết hợp với theo tuyến để hình thành các đơn vị hành chính làng, xã mới; tận dụng các trục giao thông, trục kênh mương để bố trí dân cư cho phù hợp. Chú trọng các phương án giải quqyết khung nhà, nền nhà để chủ động phòng, chống lũ lụt. Đưa các cụm chế biến tiểu thủ công nghiệp gắn với các điểm dân cư tập trung; chú trọng phát huy lợi thế so sánh của từng địa bàn, thực hiện đa dạng hoá sản phẩm và ngành nghề ngay từ đầu, góp phần tăng thu nhập cho dân cư.

Trong mỗi dự án, các ngành liên quan cần huy động vốn của mình để bố trí ngay các cơ sở hạ tầng thiết yếu về văn hoá, xã hội (trường học, trạm xá, đường dân sinh nội vùng...).

Các địa phương phối hợp với các ngành liên quan thực hiện các biện pháp để sớm chuyển hết các hộ dân còn sinh sống trên các đầm, phá và các xóm chài trên mặt nước lên định cư trên đất liền, kể cả việc quy hoạch khu dân cư, xác định phương hướng sản xuất và giải quyết các nhu cầu về văn hoá, xã hội cho dân. Tổ chức trường nội trú, thu hút hết các trẻ em đến tuổi được đi học.

Điều 9. Theo các hướng nói trên, các Bộ chuyên ngành chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương sớm hoàn thành việc xây dựng đề án tổng quan khai thác sử dụng đất hoang hoá, mặt nước, bãi bồi ven sông, ven biển nhằm phát triển kinh tế và bố trí ổn định dân cư đến năm 2000 và 2010 của các tỉnh.

Các đề án tổng quan của mỗi tỉnh phải gửi về Bộ phận thường trực Chương trình này trước tháng 8 năm 1995 để tổng hợp trình Chính phủ xét duyệt và dưa vào kế hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội.

Đựa vào đề án tổng quan chung, các ngành hữu quan hướng dẫn các địa phương xây dựng các dự án cụ thể để đưa vào cân đối trong kế hoạch 5 năm 1996 - 2000 và kế hoạch hàng năm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Dự án phải tính đến khả năng vốn mà xây dựng có trọng điểm, tập trung, không nên mở rộng phân tán.

[...]