Quyết định 73/2008/QĐ-UBND về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân đang cư ngụ tại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 73/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/10/2008
Ngày có hiệu lực 01/11/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Thành Tài
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 73/2008/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ ĐỐI VỚI CÁC HỘ DÂN ĐANG CƯ NGỤ TẠI CÁC CHUNG CƯ CŨ BỊ HƯ HỎNG, XUỐNG CẤP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị quyết số 34/2007/NQ-CP ngày 03 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp;
Căn cứ Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; Quyết định số 65/2008/QĐ-UBND ngày 18 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 8065/TT-STC-BVG ngày 21 tháng 8 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quyết định này quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các hộ dân đang cư ngụ tại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố được thực hiện thông qua hình thức thanh toán bằng tiền hoặc bố trí lại nhà ở trong phạm vi dự án (sau khi cải tạo, xây dựng lại) hoặc bố trí lại nhà ở tại các địa điểm khác

Điều 2. Phương thức bồi thường bằng tiền

1. Đối với nhà ở thuộc sở hữu tư nhân (có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ):

Được tính bồi thường 100% giá trị đất theo đơn giá đất ở để tính bồi thường và 100% giá trị nhà, vật kiến trúc theo đơn giá xây dựng mới (suất vốn đầu tư) của nhà, công trình do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì phải khấu trừ số tiền phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước vào số tiền bồi thường, hỗ trợ được nhận.

2. Đối với nhà ở thuộc diện mua trả góp:

a) Đối với phần diện tích tương ứng phần tỷ lệ (%) tiền đã trả góp: tính bồi thường bằng tỷ lệ (%) số tiền đã trả góp nhân (x) với 100% giá trị nhà và giá trị đất tương ứng của nhà thuộc sở hữu tư nhân có cùng vị trí.

b) Đối với phần diện tích tương ứng phần tỷ lệ (%) tiền chưa trả góp: tính như nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, được hỗ trợ bằng 60% giá trị nhà và giá trị đất tương ứng của nhà thuộc sở hữu tư nhân có cùng vị trí.

3. Đối với nhà ở đang thuê thuộc sở hữu nhà nước:

a) Trường hợp đủ điều kiện để tính hỗ trợ theo diện nhà ở thuộc sở hữu nhà nước: tính hỗ trợ bằng 60% giá trị nhà và giá trị đất tương ứng của nhà thuộc sở hữu tư nhân có cùng vị trí.

b) Trường hợp không đủ điều kiện để tính hỗ trợ theo diện nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (không đủ điều kiện hợp thức hóa và chuyển quyền thuê nhà ở thuộc sở hữu nhà nước): thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 17/2008/QĐ-UBND.

Giao Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn cụ thể để Ủy ban nhân dân quận – huyện thực hiện thống nhất đối với các trường hợp này.

Điều 3. Bồi thường bằng nhà ỏ tại các địa điểm khác

Trường hợp hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng không nhận bồi thường bằng tiền thì được điều chỉnh, bố trí lại căn hộ khác như sau:

1. Trường hợp bố trí lại căn hộ khác trên địa bàn quận bị giải tỏa hoặc tại các quận lân cận có giá trị căn hộ tương đương với vị trí giải tỏa:

a) Đối với nhà ở thuộc sở hữu tư nhân: được điều chỉnh, bố trí lại căn hộ chung cư khác theo nguyên tắc bằng với phần diện tích nhà phải di chuyển của từng hộ; nếu có chênh lệch thì xử lý như sau:

a.1) Trường hợp diện tích nhà bố trí lại lớn hơn diện tích mà phải di chuyển thì phần giá trị chênh lệch lớn hơn này, người được bố trí phải thanh toán cho nhà đầu tư, cụ thể:

- Đối với phần diện tích chênh lệch giữa diện tích nhà, đất bị thu hồi và diện tích tối thiểu của căn hộ 30m2, người được bố trí phải thanh toán cho nhà đầu tư theo suất vốn đầu tư của công trình xây dựng do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

- Đối với phần diện tích chênh lệch lớn hơn của căn hộ tối thiểu 30m2, người được bố trí phải thanh toán cho nhà đầu tư với mức giá sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.

a.2) Trường hợp diện tích nhà bố trí nhỏ hơn diện tích nhà phải di chuyển, thì phần giá trị chênh lệch này nhà đầu tư phải thanh toán cho người dân theo mức giá bồi thường tại vị trí thu hồi.

b) Đối với nhà ở thuộc diện mua trả góp và nhà ở đang thuê thuộc sở hữu nhà nước: Người đang sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bị thu hồi được thuê nhà ở tại nơi tái định cư (theo sự sắp xếp của Ủy ban nhân dân quận – huyện và Hội đồng Bồi thường của dự án); diện tích thuê mới tại nơi tái định cư phù hợp với diện tích thuê cũ; được mua, được thuê nhà theo quy định của Chính phủ về nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

2. Trường hợp bố trí lại căn hộ khác trên địa bàn các quận, huyện có giá trị căn hộ thấp hơn vị trí giải tỏa:

a) Đối với nhà ở thuộc sở hữu tư nhân: được điều chỉnh, bố trí lại căn hộ chung cư khác với diện tích tiêu chuẩn được hưởng xác định theo công thức sau:

Diện tích tiêu chuẩn được hưởng

=

Diện tích nhà ở nơi cũ được bồi thường

x

Đơn giá bồi thường nhà, đất nơi cũ

Đơn giá nhà, đất thực tế nơi bố trí

[...]