Quyết định 725/1999/QĐ-BLĐTBXH về Quy chế quy định tạm thời một số biện pháp phòng ngừa và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành

Số hiệu 725/1999/QĐ-BLĐTBXH
Ngày ban hành 30/06/1999
Ngày có hiệu lực 15/07/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 725/1999/QĐ-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 725/1999/QĐ-BLĐTBXH NGÀY 30 THÁNG 6 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUY ĐỊNH TẠM THỜI MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC ĐƯA LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 96/CP ngày 7/12/1993 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 07/CP ngày 20/01/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài;
Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quy định tạm thời một số biện pháp phòng ngừa và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đưa lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông tránh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý lao động với nước ngoài, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc các doanh nghiệp đưa lao động và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Thị Hằng

(Đã ký)

 

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA VÀ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM TRONG LĨNH VỰC ĐƯA LAO ĐỘNG VÀ CHUYÊN GIA ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 725/1999/QĐ-BLĐTBXH ngày 30 tháng 6 năm 1999 của Bộ trưởng Bộ lao động- Thương binh và Xã hội)

Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo đảm lợi ích hợp pháp của người lao động, của Doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là Doanh nghiệp và của người lao động) bảo đảm uy tín của lao động Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sau khi tham khảo ý kiến của các Bộ, Ngành liên quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Quy chế quy định tạm thời một số biện pháp phòng ngừa và xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đưa lao động và chuyên gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như sau:

Chương 1

TUYỂN CHỌN, ĐÀO TẠO GIÁO DỤC, QUẢN LÝ LAO ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ TÀI CHÍNH

Điều 1: Công tác tuyển chọn và đào tạo, giáo dục định hướng cho người lao động, (kể cả lao động làm việc ở nước ngoài theo hình thức tu nghiệp sinh) và chuyên gia trước khi đi:

1- Khi tuyển chọn, Doanh nghiệp phải công khai về số lượng, tiêu chuẩn, giới tính, tuổi đời, thời gian tuyển, công việc mà người lao động sẽ đảm nhiệm, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện làm việc và sinh hoạt, tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và nghĩa vụ của người lao động. Doanh nghiệp thực hiện tuyển chọn trực tiếp đúng số lượng, chất lượng lao động, có tư cách đạo đức và sức khoẻ tốt theo hợp đồng cung ứng lao động đã ký kết.

2- Doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tiếp nhận để tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng theo chương trình thống nhất do Cục Quản lý lao động với nước ngoài thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về nội dung và thời gian (ít nhất một tháng), riêng chuyên gia, tổ chức đào tạo theo chương trình quy định của Bộ chủ quản. Quá trình đào tạo, giáo dục định hướng đối với người lao động và chuyên gia phải được tổ chức chặt chẽ; kết thúc khoá học phải tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập và ý thức chấp hành nội quy của học viên. Không được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi chưa đào tạo, giáo dục định hướng hoặc học không đạt kết quả.

Điều 2: Doanh nghiệp phải ký hợp đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài với người lao động (theo mẫu số 1 kèm theo Quy chế này), đối với chuyên gia theo mẫu quy định của Bộ chủ quản, trong đó ghi rõ trách nhiệm của Doanh nghiệp, của người lao động và chuyên gia trong việc thực hiện hợp đồng đã ký và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi một trong hai bên vi phạm hợp đồng.

Điều 3: Chế độ tài chính:

Doanh nghiệp phải công khai trên báo và tại văn phòng Doanh nghiệp các khoản tiền người lao động và chuyên gia phải nộp; thực hiện thu trực tiếp từ người lao động và chuyên gia, không thu qua tổ chức kinh tế, cá nhân trung gian.

Điều 4: Công tác quản lý lao động ở nước ngoài:

1- Doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức tiếp nhận người lao động trong việc quản lý, giáo dục người lao động, xử lý những phát sinh về quan hệ lao động ở nước ngoài.

2- Nếu có số lượng từ 500 lao động hoặc dưới 500 lao động nhưng ở địa bàn mới, phức tạp thì Doanh nghiệp phải cử cán bộ quản lý lao động.

3- Cán bộ Doanh nghiệp đi quản lý lao động ở nước ngoài phải có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ đáp ứng nhiệm vụ được giao và có trách nhiệm: theo dõi, giám sát việc thực hiện hợp đồng đã ký; xử lý tranh chấp lao động và những vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động cho đến khi hoàn thành hợp đồng và đưa người lao động và chuyên gia về nước.

4- Doanh nghiệp phải thông báo cán bộ được cử đi quản lý cho Cục Quản lý lao động với người nước ngoài thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước nhận lao động. Cán bộ quản lý lao động ở nước ngoài chịu sự chỉ đạo quản lý Nhà nước của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước sở tại.

[...]