Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 72/2007/QĐ-UBND ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ dân phố, khu phố do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 72/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/05/2007
Ngày có hiệu lực 20/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Hoàng Quân
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHIÃ VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số : 72/2007/QĐ-UBND

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN PHỐ, KHU PHỐ.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về ban hành Quy chế dân chủ cơ sở;
Căn cứ Quyết định số 13/2002/QĐ-BNV ngày 06 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tổ chức và hoạt động của thôn và tổ dân phố; Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT/BTT.UBTWMTTQVN-BNV ngày 12 tháng 5 năm 2005 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Nội vụ về hướng dẫn quy trình bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 291/TTr-SNV ngày 10 tháng 4 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ dân phố, khu phố thuộc phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận :
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nội vụ (Vụ CQĐP);
- Cục Kiểm tra Văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố;
- Ủy ban nhân dân thành phố;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM;
- Ban TC/TU, Ban Dân vận Thành ủy;
- UBMTTQ Thành phố và các Đoàn thể TP;
- VPHĐ-UB: Các PVP; Các Phòng CV;
- TTCB ; Lưu :VT, (VX/Nh).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lê Hoàng Quân

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN PHỐ, KHU PHỐ
(Kèm theo Quyết định số: 72/2007/QĐ-UBND ngày 10/5/2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là một tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư ở đô thị, được hình thành trên cơ sở địa bàn dân cư và số hộ theo quy định. Tổ dân phố chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn.

Tổ dân phố là nơi cộng đồng dân cư tham gia bàn bạc dân chủ một cách trực tiếp về các hoạt động tự quản trong nội bộ cộng đồng dân cư: đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong đời sống, sinh hoạt; giữ gìn trật tự an toàn xã hội, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường; giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và thuần phong mỹ tục của cộng đồng, bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan và tệ nạn xã hội; thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và của địa phương.

Điều 2. Tổ dân phố có Tổ trưởng và một Tổ phó. Tổ trưởng do nhân dân trong tổ trực tiếp bầu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn ra quyết định công nhận. Tổ trưởng là người đại diện cho nhân dân và Chính quyền phường, thị trấn để thực hiện một số nhiệm vụ tại tổ, chịu sự quản lý và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân phường, thị trấn, sự lãnh đạo của Cấp ủy ở khu phố.

Tổ phó do Tổ trưởng đề nghị sau khi trao đổi thống nhất với Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Ủy ban nhân dân phường, thị trấn quyết định công nhận. Tổ phó là người giúp Tổ trưởng, thay mặt Tổ trưởng chủ trì các buổi họp dân khi Tổ trưởng vắng và thực hiện các nhiệm vụ do Tổ trưởng giao.

Nhiệm kỳ của Tổ trưởng, Tổ phó là hai năm rưỡi. Trong trường hợp thành lập tổ dân phố mới hoặc khuyết Tổ trưởng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn chỉ định Tổ trưởng lâm thời hoạt động cho đến khi bầu được Tổ trưởng mới.

Điều 3. Khu phố bao gồm nhiều tổ dân phố liền kề trên một địa bàn và có từ 500 hộ dân trở lên. Khu phố có Trưởng Khu phố và Phó Khu phố, do Cấp ủy khu phố đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường, thị trấn quyết định công nhận. Trưởng, Phó Khu phố được hưởng phụ cấp hàng tháng trong tổng mức phụ cấp theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố. Mức phụ cấp cụ thể cho từng thành viên ở khu phố do Ủy ban nhân dân phường, thị trấn bàn với các tổ chức liên quan quyết định.

Ðiều 4. Quan hệ giữa Trưởng Khu phố, Phó Khu phố với Tổ trưởng, Tổ phó tổ dân phố là mối quan hệ phối hợp nhằm hoàn thành nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân phường, thị trấn giao. Trưởng Khu phố có trách nhiệm giúp đỡ, bàn bạc, đôn đốc, hướng dẫn Tổ trưởng dân phố hoàn thành nhiệm vụ theo sự lãnh đạo của Cấp ủy Chi bộ khu phố.

Chương 2:

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ DÂN PHỐ

Điều 5. Thành lập tổ dân phố

1. Việc thành lập mới (bao gồm cả việc chia tách, sáp nhập) tổ dân phố do Ủy ban nhân dân phường, thị trấn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua và đề nghị Ủy ban nhân dân quận - huyện xem xét, quyết định;

Quy mô tổ dân phố được thành lập mới trên dưới 70 hộ dân, ở những khu vực đông dân, tùy tình hình thực tế số hộ có thể trên dưới 100 hộ dân.

2. Trình tự, thủ tục thành lập tổ:

a) Ủy ban nhân dân phường, thị trấn xây dựng phương án thành lập tổ dân phố mới, nội dung chủ yếu gồm: Sự cần thiết phải thành lập tổ dân phố mới; tên gọi, vị trí tiếp giáp; diện tích (ha); dân số; những kiến nghị;

[...]