Quyết định 7123/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch Khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 7123/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/10/2014
Ngày có hiệu lực 08/10/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Nguyễn Ngọc Tuấn
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7123/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 8 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG SAU BÃO, LŨ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch Khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND quận, huyện; Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như thành phần trong Kế hoạch; 
- TTTU, TT HĐNDTP; 
- Chủ tịch HĐND TP; 
- Bộ Tài nguyên và Môi trường; 
- CT và các PCT UBND TP; 
- Đoàn ĐBQH thành phố; 
- UBMTTQVN thành phố; 
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể; 
- UBND các quận, huyện, phường, xã; 
- Trung tâm THVN tại Đà Nẵng; 
- Đài PTTH ĐN, Báo Đà Nẵng; 
- Trung tâm Tin học - Công báo thành phố;
- Cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng; 
- VP UBNDTP: Phòng KTTH, TH, KTN; 
- Lưu: VT, QLĐTh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Tuấn

 

KẾ HOẠCH

KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG SAU BÃO, LŨ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 7123/QĐ-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2014 của UBND thành phố Đà Nẵng)

MỞ ĐẦU

Trong giai đoạn từ năm 2005-2013 thành phố Đà Nẵng phải gánh chịu nhiều loại thiên tai khắc nghiệt, bao gồm: bão, lũ lụt, ngập úng, hạn hán, xói lở,... gây thiệt hại về người và của rất lớn. Dưới ảnh hưởng của thiên tai nhiều diện tích đất bị mất tạm thời do hạn hán, nhiễm mặn và ngập lụt hoặc vĩnh viễn do xói lở bờ sông, bờ biển do bão, lũ, triều cường, xâm thực, lũ lụt; hư hỏng hạ tầng kỹ thuật, các công trình giao thông, điện lực và hệ thống thông tin liên lạc. Cuối năm 2013, Bão số 11 (bão Nari) với sức gió cấp 12, 13, giật cấp 15, 16 đổ bộ vào phía Nam thành phố Đà Nẵng đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản của chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng: 221 phòng học bị tốc mái, sập la phông và hư hại nặng; hệ thống điện chiếu sáng bị hư hỏng nhiều: ngã 1.504 trụ đèn, 329 bộ đèn trang trí hỏng, 228 bộ đèn chiếu sáng bị bể, mất, đứt 5.137 m dây cáp điện treo,... một số đường dây hạ thế, đường dây 22 KV bị ngã đổ; sạt lở đường, hư hỏng hệ thống biển báo, hệ thống đèn giao thông, bể mất bóng đèn, hư hỏng lan can, giải phân cách các các tuyến đường như: Hoàng Sa, Trường Sa, đường DT 604, DT 601, đường lên Bà Nà, đường Bạch Đằng, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Tất Thành, Hoàng Sa, Trường Sa và một số tuyến đường, công trình đang thi công khác,... và còn nhiều thiệt hại khác ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm hàng đầu sau các đợt thiên tai là sự cố môi trường. Việc tồn đọng rác thải sau bão, nhất là ở khu vực nội thành đông đúc dân cư đã khiến công tác bảo đảm vệ sinh môi trường trở thành vấn đề đặc biệt quan trọng, nguồn nước sinh hoạt tại nhiều nơi cũng bị ô nhiễm, nguy cơ phát sinh dịch bệnh là rất lớn, rác lũ nếu không dọn kịp thời ảnh hưởng đến du lịch biển, … Vì vậy, nếu không có kế hoạch khắc phục sự cố môi trường một cách chi tiết, công tác chỉ đạo kịp thời và nhanh chóng thì thiệt hại về môi trường và xã hội của bão lũ sẽ tăng đáng kể. Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch khắc phục sự cố môi trường sau bão, lũ là rất cần thiết trong điều kiện hiện nay, khi mà thành phố ngày càng hứng chịu nhiều cơn bão, lũ lớn trong tương lai do biến đổi khí hậu.

Phần I

KẾ HOẠCH KHẮC PHỤC SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG SAU BÃO, LŨ

I. Mục tiêu

Thực hiện khắc phục sự cố môi trường đối với khu vực đô thị, bãi biển sau bão, lũ trong thời gian ngắn nhất; Toàn bộ lượng rác thải phát sinh được thu gom triệt để, các nhà máy xử lý chất thải trở lại hoạt động bình thường, đảm bảo vận hành ổn định;

Hình thành cơ chế phối hợp thực hiện liên ngành cấp thành phố để các đơn vị, địa phương huy động nguồn lực xã hội trong việc giải quyết kịp thời, nhanh chóng tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố trước, trong và sau bão, lũ;

Hạn chế đến mức thấp nhất mức độ tác động đến môi trường do sự cố môi trường sau bão, lũ gây ra;

Đảm bảo giao thông, cảnh quan đô thị tại các tuyến đường phố chính, các bãi biển du lịch sau bão lũ.

II. Đối tượng và phạm vi thực hiện

[...]