Quyết định 711/2001/QĐ-NHNN về Quy chế mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 711/2001/QĐ-NHNN
Ngày ban hành 25/05/2001
Ngày có hiệu lực 09/06/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Ngân hàng Nhà nước
Người ký Lê Đức Thuý
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Tiền tệ - Ngân hàng

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 711/2001/QĐ-NHNN

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 711/2001/QĐ-NHNN NGÀY 25 THÁNG 5 NĂM 2001 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ MỞ THƯ TÍN DỤNG NHẬP HÀNG TRẢ CHẬM

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước số 01/1997/QH10 và Luật các Tổ chức tín dụng 02/1997/QH10;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ, quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định 90/1998/NĐ-CP ngày 07/11/1998 của Chính phủ ban hành Quy chế Quản lý vay, trả nợ nước ngoài;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này "Quy chế mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 207/QĐ-NH7 ngày 01/07/1997 ban hành Quy chế mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm.

Điều 3: Chánh văn phòng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) các ngân hàng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Lê Đức Thuý

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

MỞ THƯ TÍN DỤNG NHẬP HÀNG TRẢ CHẬM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 711/2001/QĐ-NHNN ngày25/5/2001)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Thanh toán bằng thư tín dụng trả chậm (sau đây gọi là "nghiệp vụ L/C trả chậm") là một phương thức thanh toán tín dụng chứng từ có kỳ hạn do ngân hàng thực hiện để phục vụ cho việc nhập khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp.

Điều 2: Ngân hàng thực hiện nghiệp vụ L/C trả chậm là các Ngân hàng Thương mại Nhà nước, Ngân hàng Đầu tư, Ngân hàng Phát triển, Ngân hàng Thương mại Cổ phần, Ngân hàng Chính sách, Ngân hàng Liên doanh, Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam và các loại hình ngân hàng khác (sau đây gọi là "Ngân hàng") được thành lập, hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng và có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 6 Quy chế này.

Điều 3: Đối tượng được Ngân hàng mở L/C trả chậm là các doanh nghiệp được thành lập và hoạt động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại Điều 8 và Điều 9 Quy chế này. Các doanh nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, chi nhánh công ty nước ngoài, doanh nghiệp thuộc các tổ chức chính trị xã hội, hợp tác xã, doanh nghiệp khác thuộc mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là "Doanh nghiệp").

Điều 4: Việc mở L/C trả chậm để nhập khẩu hàng hoá phải đảm bảo phù hợp với:

1. Chính sách nhập khẩu của Nhà nước.

2. Các quy định hiện hành của Nhà nước liên quan đến vay, trả nợ nước ngoài, bảo đảm tiền vay và các quy định tại Quy chế này.

3. Quy tắc Thực hành Thống nhất về Tín dụng Chứng từ của Phòng Thương mại Quốc tế (theo phiên bản mà Ngân hàng lựa chọn để thực hiện).

Điều 5: Việc mở L/C trả chậm nhập các mặt hàng do Thủ tướng Chính phủ chỉ định được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chương 2

ĐIỀU KIỆN, PHẠM VI THỰC HIỆN NGHIỆP VỤ L/C TRẢ CHẬM

Điều 6: Để được thực hiện nghiệp vụ L/C trả chậm, Ngân hàng phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Được phép thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế.

2. Có quy định cụ thể bằng văn bản về quy trình, thủ tục và hồ sơ cần thiết để thực hiện nghiệp vụ L/C trả chậm theo Quy tắc Thực hành Thống nhất về Tín dụng Chứng từ của Phòng Thương mại Quốc tế (theo phiên bản mà Ngân hàng lựa chọn để thực hiện) và phù hợp với Quy chế này.

3. Có quy định cụ thể bằng văn bản về tiêu chuẩn xác định khả năng tài chính của Doanh nghiệp đảm bảo thanh toán L/C trong thời hạn cam kết.

Điều 7: Khi mở L/C trả chậm cho Doanh nghiệp, Ngân hàng phải đảm bảo:

1. Số dư L/C trả chậm Ngân hàng mở cho 01 khách hàng (Bao gồm số tiền của các L/C trả chậm Ngân hàng đã mở nhưng chưa thanh toán cho người thụ hưởng) phải nằm trong giới hạn Tổng số dư bảo lãnh của Tổ chức tín dụng cho 01 khách hàng theo quy định tại Quy chế bảo lãnh ngân hàng.

[...]