QUY ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ
VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA SỞ TÀI CHÍNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 71/2009/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2009 của
UBND tỉnh Bình Thuận)
Điều 1. Vị trí và chức
năng
1. Sở Tài chính Bình Thuận là cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực
hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài chính; ngân sách Nhà nước; thuế, phí, lệ
phí và thu khác của ngân sách Nhà nước; tài sản Nhà nước; các quỹ tài chính Nhà
nước; đầu tư tài chính; tài chính doanh nghiệp; kế toán; kiểm toán độc lập; giá
và các hoạt động dịch vụ tài chính (sau đây gọi chung là lĩnh vực tài chính) tại
địa phương theo quy định của pháp luật.
2. Sở Tài chính có tư cách pháp nhân, có con dấu
và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của
Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên
môn, nghiệp vụ của Bộ Tài chính.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền
hạn
1. Trình Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản
khác thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực tài chính;
b) Dự thảo chương trình, kế hoạch dài hạn, 5 năm
và hàng năm về lĩnh vực tài chính theo quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương;
c) Dự thảo chương trình, biện pháp tổ chức thực
hiện công tác cải cách hành chính thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của sở;
d) Dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật quy định
cụ thể về tiêu chuẩn chức danh đối với cấp trưởng, cấp phó của các đơn vị thuộc
sở; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng của Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện) sau khi
thống nhất với sở quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan;
đ) Dự thảo phương án phân cấp nguồn thu và nhiệm
vụ chi của từng cấp ngân sách của địa phương; định mức phân bổ dự toán chi ngân
sách địa phương; chế độ thu phí và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định
của pháp luật để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo thẩm quyền;
e) Dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương; các
phương án cân đối ngân sách và các biện pháp cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ
thu, chi ngân sách được giao để trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định theo thẩm
quyền;
g) Phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở
hữu Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
2. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh:
a) Dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản
khác thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực quản
lý Nhà nước của sở;
b) Dự thảo quyết định thành lập, sáp nhập, chia
tách, tổ chức lại, giải thể các đơn vị thuộc sở theo quy định của pháp luật.
3. Giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo,
hướng dẫn, kiểm tra, thông tin, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về
lĩnh vực tài chính; tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chính
sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án, phương án thuộc phạm vi
quản lý Nhà nước của sở sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt.
4. Về quản lý ngân sách Nhà nước, thuế, phí, lệ
phí và thu khác của ngân sách Nhà nước:
a) Hướng dẫn các cơ quan hành chính, các đơn vị
sự nghiệp thuộc tỉnh và cơ quan tài chính cấp dưới xây dựng dự toán ngân sách
Nhà nước hàng năm theo quy định của pháp luật.
Thực hiện kiểm tra, thẩm tra dự toán ngân sách của
các cơ quan, đơn vị cùng cấp và dự toán ngân sách của cấp dưới; lập dự toán thu
ngân sách Nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương, phương
án phân bổ ngân sách cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Hội đồng
nhân dân tỉnh quyết định;
b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên
quan xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành theo thẩm quyền các văn bản
quy định hướng dẫn kiểm tra về tổ chức thực hiện chính sách, đơn giá thu và mức
thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất, tiền cho thuê mặt nước, góp vốn liên
doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất, tiền cho thuê và tiền bán nhà thuộc sở hữu
Nhà nước và các khoản thu khác của ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực tài sản Nhà nước, đất đai, tài nguyên
khoáng sản.
c) Phối hợp với cơ quan có liên quan trong việc
thực hiện công tác quản lý thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác trên địa
bàn;
d) Kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng
ngân sách ở các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách; yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm
dừng thanh toán khi phát hiện chi vượt dự toán, chi sai chính sách chế độ hoặc
không chấp hành chế độ báo cáo của Nhà nước;
đ) Thẩm định quyết toán thu ngân sách Nhà nước
phát sinh trên địa bàn huyện, quyết toán thu, chi ngân sách huyện; thẩm định và
thông báo quyết toán đối với các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp và
các tổ chức khác có sử dụng ngân sách tỉnh; phê duyệt quyết toán kinh phí ủy
quyền của ngân sách Trung ương do địa phương thực hiện.
Tổng hợp tình hình thu, chi ngân sách Nhà nước,
lập tổng quyết toán ngân sách hàng năm của địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh
báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt, báo cáo Bộ Tài chính;
e) Quản lý vốn đầu tư phát triển:
- Tham gia với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ
quan có liên quan để tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh về chiến lược thu hút,
huy động, sử dụng vốn đầu tư ngắn hạn, dài hạn trong và ngoài nước; xây dựng
các chính sách, biện pháp điều phối và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ
trợ phát triển chính thức (ODA) trên địa bàn. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý
Nhà nước về tài chính đối với các chương trình, dự án ODA trên địa bàn;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ
quan liên quan xây dựng dự toán và phương án phân bổ dự toán chi đầu tư phát
triển hàng năm; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí các nguồn vốn
khác có tính chất đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định;
- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Ủy
ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ vốn đầu tư, danh mục dự án đầu tư có sử dụng
vốn ngân sách; kế hoạch điều chỉnh phân bổ vốn đầu tư trong trường hợp cần thiết;
xây dựng kế hoạch điều chỉnh, điều hòa vốn đầu tư đối với các dự án đầu tư từ
nguồn ngân sách địa phương;
- Tham gia về chủ trương đầu tư; thẩm tra, thẩm
định, tham gia ý kiến theo thẩm quyền đối với các dự án đầu tư do tỉnh quản lý;
- Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu
tư, tình hình quản lý, sử dụng vốn đầu tư, quyết toán vốn đầu tư thuộc ngân
sách địa phương của chủ đầu tư và cơ quan tài chính huyện, xã; tình hình kiểm
soát thanh toán vốn đầu tư của Kho bạc Nhà nước ở tỉnh, huyện;
- Tổ chức thẩm tra quyết toán vốn đầu tư dự án
hoàn thành, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đối với các dự án thuộc
thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Thẩm tra, phê duyệt quyết
toán các dự án đầu tư bằng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư xây dựng cơ
bản của địa phương theo quy định;
- Tổng hợp, phân tích tình hình huy động và sử dụng
vốn đầu tư, đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư, quyết toán vốn đầu
tư của địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tài chính theo quy định.
f) Quản lý các nguồn kinh phí ủy quyền của Trung
ương, quản lý quỹ dự trữ tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật;
g) Thống nhất quản lý các khoản vay và viện trợ
dành cho địa phương theo quy định của pháp luật; quản lý tài chính Nhà nước đối
với nguồn viện trợ nước ngoài trực tiếp cho địa phương thuộc nguồn thu của ngân
sách địa phương; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai việc phát hành trái phiếu
và các hình thức vay nợ khác của địa phương theo quy định của Luật Ngân sách
Nhà nước;
h) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự
chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và chế độ tự chủ, tự chịu
trách nhiệm về kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính Nhà
nước theo quy định của pháp luật;
i) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ công
khai tài chính ngân sách của Nhà nước theo quy định của pháp luật;
k) Tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị của
thanh tra, kiểm toán về lĩnh vực tài chính ngân sách báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Về quản lý tài sản Nhà nước tại địa phương:
a) Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh các văn
bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và phân cấp quản lý Nhà nước
về tài sản Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện chế độ quản
lý tài sản Nhà nước; đề xuất các biện pháp về tài chính để đảm bảo quản lý và sử
dụng có hiệu quả tài sản Nhà nước theo thẩm quyền tại địa phương;
c) Quyết định theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban
nhân dân tỉnh quyết định theo thẩm quyền việc mua sắm, cho thuê, thu hồi, điều
chuyển, thanh lý, bán, tiêu hủy tài sản Nhà nước, giao tài sản Nhà nước cho đơn
vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và sử dụng tài sản Nhà nước của đơn vị sự
nghiệp công lập tự chủ tài chính vào mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cho
thuê, liên doanh, liên kết;
d) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ công
khai tài sản Nhà nước trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp
luật;
đ) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hướng
dẫn, kiểm tra các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương trong việc thực hiện
chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
e) Tổ chức tiếp nhận, quản lý, trình Ủy ban nhân
dân tỉnh quyết định xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với tài sản không xác
định được chủ sở hữu; tài sản bị chôn dấu, chìm đắm được tìm thấy; tài sản tịch
thu sung quỹ Nhà nước; tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước (bao gồm cả vốn
ODA) khi dự án kết thúc và các tài sản khác được xác lập quyền sở hữu của Nhà
nước;
f) Tổ chức quản lý và khai thác tài sản Nhà nước
chưa giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng; quản lý các nguồn tài chính
phát sinh trong quá trình quản lý, khai thác, chuyển giao, xử lý tài sản Nhà nước;
g) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến với
các bộ, ngành và Bộ Tài chính về việc sắp xếp nhà, đất của các cơ quan Trung
ương quản lý trên địa bàn;
h) Quản lý cơ sở dữ liệu tài sản Nhà nước thuộc
phạm vi quản lý của địa phương; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện báo cáo
tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa
phương.
6. Về quản lý các quỹ tài chính Nhà nước (quỹ đầu
tư phát triển; quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ; quỹ phát triển
nhà ở và các loại hình quỹ tài chính Nhà nước khác được thành lập theo quy định
của pháp luật):
a) Chủ trì xây dựng đề án, thẩm định các văn bản
về thành lập và hoạt động của các quỹ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hoặc
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định
các vấn đề về đối tượng đầu tư và cho vay; lãi suất; cấp vốn điều lệ cho các quỹ
theo quy định của pháp luật;
b) Theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động của
các quỹ; kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ quản lý tài chính và thực hiện
các nhiệm vụ khác theo phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh;
c) Kiểm tra, giám sát các việc sử dụng nguồn vốn
ngân sách địa phương ủy thác cho các tổ chức nhận ủy thác (các quỹ đầu tư phát
triển, các tổ chức tài chính Nhà nước,...) để thực hiện giải ngân, cho vay, hỗ
trợ lãi suất theo các mục tiêu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xác định.
7. Về quản lý tài chính doanh nghiệp:
a) Hướng dẫn thực hiện các chính sách, chế độ quản
lý tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã và kinh tế tập thể; chính sách
tài chính phục vụ chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, chuyển
đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành doanh nghiệp, cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp
công lập, chế độ quản lý, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
b) Kiểm tra việc thực hiện pháp luật về tài
chính, kế toán của các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn theo quy định của
pháp luật;
c) Quản lý phần vốn và tài sản thuộc sở hữu Nhà
nước tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể do địa
phương thành lập theo quy định của pháp luật; thực hiện quyền, nghĩa vụ đại diện
chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp theo phân công của Ủy ban
nhân dân tỉnh;
d) Kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn,
việc phân phối thu nhập, trích lập và sử dụng các quỹ của công ty Nhà nước; kiểm
tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước;
đ) Tổng hợp tình hình chuyển đổi sở hữu, sắp xếp
lại doanh nghiệp Nhà nước; phân tích, đánh giá tình hình tài chính doanh nghiệp
trên địa bàn, tình hình quản lý, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh
nghiệp do địa phương thành lập hoặc góp vốn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ
trưởng Bộ Tài chính;
e) Tổng hợp đánh giá tình hình thực hiện cơ chế
tài chính phục vụ chính sách phát triển hợp tác xã, kinh tế tập thể trên địa
bàn theo quy định của pháp luật.
8. Về quản lý giá và thẩm định giá:
a) Chủ trì xây dựng phương án giá hàng hóa, dịch
vụ và kiểm soát các yếu tố hình thành giá đối với hàng hóa, dịch vụ theo thẩm
quyền;
b) Thẩm định phương án giá tài sản, hàng hóa, dịch
vụ công ích Nhà nước đặt hàng giao kế hoạch, sản phẩm còn vị thế độc quyền do
các sở, đơn vị, hoặc doanh nghiệp xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định;
c) Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức
hiệp thương giá, kiểm soát giá độc quyền, chống bán phá giá, niêm yết giá và
bán theo giá niêm yết;
d) Thẩm định dự thảo quyết định ban hành bảng
giá các loại đất và phương án giá đất tại địa phương để Sở Tài nguyên và Môi
trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định;
đ) Công bố danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện
bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá và công bố áp dụng các biện pháp bình ổn
giá tại địa phương theo quy định của pháp luật;
e) Tổng hợp, phân tích và dự báo sự biến động
giá trên địa bàn; báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý Nhà nước về giá
tại địa phương theo quy định của Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh;
f) Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan
kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá và thẩm định giá của các tổ chức, cá
nhân hoạt động trên địa bàn.
9. Hướng dẫn, quản lý và kiểm tra việc thực hiện
các quy định của pháp luật đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính thuộc
lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán độc lập, đầu tư tài chính, các doanh
nghiệp kinh doanh xổ số, đặt cược và trò chơi có thưởng trên địa bàn theo quy định
của pháp luật.
10. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố
cáo; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi
vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của sở;
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong
việc sử dụng tài sản, kinh phí được giao theo quy định của pháp luật.
11. Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của
văn phòng, thanh tra, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, các chi cục và các đơn vị
sự nghiệp thuộc sở; quản lý biên chế, thực hiện chế độ tiền lương và các chính
sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ,
công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của sở theo phân cấp của Ủy ban nhân
dân tỉnh và theo quy định của pháp luật.
12. Thực hiện hợp tác quốc tế về lĩnh vực tài
chính theo quy định của pháp luật và sự phân công hoặc ủy quyền của Ủy ban nhân
dân tỉnh.
13. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học
kỹ thuật; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý tài
chính và chuyên môn nghiệp vụ được giao.
14. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Ủy ban nhân
dân tỉnh giao và theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Tổ chức bộ máy và
biên chế
1. Sở Tài chính có Giám đốc và không quá 03 Phó
Giám đốc.
Giám đốc sở là người đứng đầu sở, chịu trách nhiệm
trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về toàn
bộ hoạt động của sở và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Phó Giám đốc sở là người giúp Giám đốc sở, chịu
trách nhiệm trước Giám đốc sở và trước pháp luật về các lĩnh vực công tác được
phân công. Khi Giám đốc sở vắng mặt, một Phó Giám đốc sở được Giám đốc sở ủy
nhiệm điều hành các hoạt động của sở.
Việc bổ nhiệm Giám đốc và Phó Giám đốc sở do Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ do Bộ
Tài chính ban hành và theo quy định của Nhà nước về quản lý cán bộ; việc điều động,
luân chuyển, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ,
chính sách khác đối với Giám đốc và Phó Giám đốc sở thực hiện theo quy định của
pháp luật.
2. Cơ cấu tổ chức của sở gồm:
a) Các tổ chức chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở:
- Văn phòng sở;
- Thanh tra sở;
- Phòng Quản lý ngân sách;
- Phòng Tài chính doanh nghiệp;
- Phòng Tài chính hành chính sự nghiệp;
- Phòng Đầu tư;
- Phòng Quản lý công sản - Giá cả;
- Phòng Tin học - Thống kê.
b) Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở: tại thời
điểm ban hành quyết định có:
Trung tâm Dịch vụ mua tài sản công.
Việc thành lập mới các phòng chuyên môn, nghiệp
vụ; các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở thực hiện theo phân công, phân cấp quản
lý tổ chức bộ máy hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Các phòng, ban và đơn vị trực thuộc sở có trưởng,
phó các phòng, ban và trưởng, phó đơn vị trực thuộc giúp Giám đốc sở quản lý
công chức, viên chức và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của phòng, ban và đơn vị
trực thuộc được Giám đốc sở quy định. Việc bổ nhiệm chức danh trưởng, phó các
phòng, ban và đơn vị trực thuộc và việc tuyển dụng công chức, viên chức vào làm
việc tại các phòng, ban, đơn vị trực thuộc của sở phải đảm bảo các tiêu chuẩn về
trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và đúng theo các quy định hiện hành về tuyển dụng,
quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức của Nhà nước và của Ủy ban nhân
dân tỉnh.
3. Biên chế:
a) Biên chế hành chính của Sở Tài chính do Ủy
ban nhân dân tỉnh quyết định trong tổng biên chế hành chính của tỉnh được Trung
ương giao;
b) Biên chế của đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở
Tài chính do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo định mức biên chế và quy định
của pháp luật.
Điều 4. Mối quan hệ công tác
1. Đối với Ủy ban nhân dân tỉnh:
Sở Tài chính là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh. Sở
có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 1 năm và đột xuất tình
hình thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực công tác tài chính được giao cho Ủy ban
nhân dân tỉnh.
2. Đối với Bộ Tài chính:
Sở Tài chính chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm
tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tài chính. Sở có trách nhiệm báo cáo định kỳ
6 tháng, 1 năm và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ về các lĩnh vực công
tác được giao; báo cáo chuyên đề theo yêu cầu cho Bộ Tài chính.
3. Đối với các sở, cơ quan ngang sở, đơn vị thuộc
Ủy ban nhân dân tỉnh:
Sở Tài chính có mối quan hệ phối hợp để thực hiện
tốt những nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài chính trên địa bàn tỉnh được
UBND tỉnh giao; đồng thời, có nhiệm vụ hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ trên
lĩnh vực tài chính cho các cơ quan, đơn vị thực hiện theo đúng hướng dẫn của
Trung ương.
4. Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố:
Sở Tài chính có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với
UBND các huyện, thị xã, thành phố để trao đổi chuyên môn nghiệp vụ và những nội
dung công tác của lĩnh vực tài chính để giúp UBND các huyện, thị xã, thành phố
chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài chính ở địa phương.
5. Đối với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị
xã, thành phố:
Sở Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp
vụ, kiểm tra, thanh tra Phòng Tài chính về lĩnh vực tài chính.
Các Phòng Tài chính - Kế hoạch có trách nhiệm thực
hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo cho Sở Tài chính theo định kỳ hoặc đột xuất
trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài chính tại địa phương.
6. Đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong
các lĩnh vực tài chính trên địa bàn tỉnh:
Sở Tài chính thực hiện công tác chỉ đạo, hướng dẫn,
thanh tra và kiểm tra các nội dung quản lý Nhà nước về chuyên ngành tài chính
theo quy định hiện hành của pháp luật.
Các tổ chức, cá nhân hoạt động trên lĩnh vực về
tài chính trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện đầy đủ chế độ thông tin,
báo cáo về các nội dung theo yêu cầu của Sở Tài chính về những lĩnh vực thuộc
chức năng quản lý Nhà nước của Sở Tài chính.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Giám đốc Sở Tài chính căn cứ các nội dung của
Quy định này để kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức,
viên chức theo hướng tinh gọn, đảm bảo chức danh, tiêu chuẩn, cơ cấu ngạch công
chức, viên chức của sở theo quy định hiện hành của Nhà nước; xây dựng quy chế
làm việc của Sở Tài chính để thực hiện tốt những nội dung của Quy định này.
2. Quá trình thực hiện có vấn đề gì chưa phù hợp,
cần điều chỉnh bổ sung thì Giám đốc Sở Tài chính có văn bản kiến nghị Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.