BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 6968/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày 08
tháng 8 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ GIỮA BỘ CÔNG
THƯƠNG VÀ CÁC TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY, CÔNG TY THUỘC BỘ
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 51/2002/NĐ-CP
ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
Căn cứ Quyết định số
25/2013/QĐ-TTg ngày 04 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
Căn cứ Quyết định số 6840/QĐ-BCT
ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế phát
ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công Thương;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí giữa Bộ Công Thương và
các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ,
Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng các Đơn vị thuộc Bộ, Chủ tịch Hội đồng Thành
viên, Chủ tịch Công ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, Người đại diện phần vốn nhà nước
của Bộ Công Thương tại các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ (đăng Công báo);
- Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ;
- Các Trường, Viện, Trung tâm thuộc Bộ;
- Các cơ quan báo chí thuộc Bộ;
- Lưu: VT, VP (BCTT).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Thắng Hải
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP CUNG CẤP THÔNG TIN CHO BÁO CHÍ GIỮA BỘ CÔNG THƯƠNG VÀ CÁC TẬP
ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY, CÔNG TY THUỘC BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 6968/QĐ-BCT ngày 08 tháng 8 năm 2014 của Bộ
trưởng Bộ Công Thương)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định về việc phối hợp cung cấp
thông tin cho báo chí giữa các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ
(sau đây gọi chung là các Đơn vị chuyên môn thuộc cơ quan Bộ); các cơ quan báo
chí thuộc Bộ (bao gồm: Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, Truyền hình Công
Thương, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương, Trung tâm Thông tin Công nghiệp
và Thương mại) với các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Bộ
Công Thương làm chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là các Tập đoàn, Tổng công ty, Công
ty thuộc Bộ) và được áp dụng cho các Trường, Viện nghiên cứu, các Trung tâm và
các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc Bộ Công Thương nhằm cung cấp kịp
thời, chính xác các thông tin liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ
quản lý nhà nước của Bộ Công Thương cũng như tình hình hoạt động, sản xuất,
kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Đảm bảo tuân thủ các quy định về phát ngôn và
cung cấp thông tin cho báo chí theo Luật Báo chí, Quy chế phát ngôn và cung cấp
thông tin cho báo chí ban hành kèm theo Quyết định số 25/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng
Chính phủ, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí ban hành kèm
theo Quyết định số 6840/QĐ-BCT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công
Thương.
2. Đảm bảo nguyên tắc kịp thời, đầy đủ, chính xác tới
các cơ quan thông tấn, báo chí theo quy định tại Quy chế Phát ngôn và cung cấp
thông tin cho báo chí của Bộ Công Thương ban hành kèm theo Quyết định số
6840/QĐ-BCT ngày 19 tháng 9 năm 2013 và các quy định hiện hành của các Tập
đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ.
3. Đảm bảo thống nhất trong việc cung cấp thông tin
cho báo chí về những vấn đề của Ngành, các lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương
và tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty,
Công ty thuộc Bộ. Các đơn vị chịu trách nhiệm thi hành Quy chế phải có đầu mối
chuyên trách thực hiện công tác này.
4. Đảm bảo tận dụng, khai thác triệt để hệ thống
báo chí tuyên truyền của Bộ Công Thương, trực tiếp là các cơ quan báo chí thuộc
Bộ; hệ thống báo chí của các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ thông qua
tất cả các loại hình truyền thông hiện có nhằm khai thác tối đa những tiềm năng,
lợi thế của cả hệ thống, nâng cao hình ảnh về các lĩnh vực quản lý nhà nước của
Bộ Công Thương, tăng vị thế, sức cạnh tranh của các Tập đoàn, Tổng công ty,
Công ty thuộc Bộ.
5. Việc thực hiện công tác phối hợp cung cấp thông
tin giữa Bộ Công Thương với các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ phải
được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các Tập đoàn, Tổng công ty,
Công ty thuộc Bộ. Các cơ quan phân công một đồng chí Lãnh đạo trực tiếp phụ
trách, theo dõi, chỉ đạo công tác này.
6. Hoạt động phối hợp phải đảm bảo nguyên tắc và
yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn của các Cơ quan. Khi thực hiện một kế hoạch,
chương trình phối hợp công tác cụ thể phải có nội dung, yêu cầu, kế hoạch và được
Lãnh đạo có thẩm quyền của các Cơ quan trực tiếp phê duyệt.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC ĐƠN
VỊ TRONG PHỐI HỢP CUNG CẤP THÔNG TIN
Điều 3. Trách nhiệm của các
Đơn vị chuyên môn thuộc cơ quan Bộ
1. Thường xuyên theo dõi Điểm báo hàng ngày của Bộ
và tình hình thông tin trên báo chí về những lĩnh vực quản lý nhà nước của
Ngành được giao; từ đó có đề xuất cụ thể với Lãnh đạo Bộ, kịp thời phản hồi tới
báo chí khi phát hiện những vấn đề cần phản hồi, cung cấp thông tin cho báo
chí.
2. Chủ trì hoặc phối hợp với các Tập đoàn, Tổng
công ty, Công ty thuộc Bộ, các cơ quan thuộc Bộ trong việc chuẩn bị nội dung
cung cấp thông tin cho báo chí theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.
3. Chủ động mời đại diện các cơ quan báo chí thuộc
Bộ, Phòng Báo chí tuyên truyền – Văn phòng Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công
ty thuộc Bộ có liên quan tới tham dự các cuộc họp, hội thảo, hội nghị do cơ
quan mình tổ chức.
4. Tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan mình
trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí theo quy định tại Quy chế
phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công Thương ban hành kèm
theo Quyết định số 6840/QĐ-BCT ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Công
Thương.
Điều 4. Trách nhiệm của các cơ
quan báo chí thuộc Bộ
Có nhiệm vụ tuyên truyền thường xuyên, kịp thời và
chính xác về các hoạt động của Bộ và của Ngành Công Thương, đồng thời có trách
nhiệm phối hợp cung cấp thông tin với các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc
Bộ. Cụ thể là:
1. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc cơ quan Bộ,
Văn phòng Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ trong việc tuyên
truyền về những vấn đề trọng tâm hoạt động của Ngành thông qua các hoạt động của
Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty.
2. Tăng cường số lượng bài viết về các lĩnh vực quản
lý nhà nước, hoạt động, sản xuất, kinh doanh của Bộ và các Tập đoàn, Tổng công
ty, Công ty thuộc Bộ; chủ động đưa thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện,
góp phần quảng bá có hiệu quả về các lĩnh vực nêu trên.
3. Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình phối hợp
công tác thông tin tuyên truyền với từng Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc
Bộ để thống nhất triển khai thực hiện.
4. Cử cán bộ, phóng viên, biên tập viên chuyên
trách theo dõi, viết bài, đưa tin về hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty,
Công ty thuộc Bộ; chỉ đạo các phòng, ban trực thuộc cơ quan mình thu thập, xử
lý, chọn lọc và đưa thông tin chính xác, kịp thời về hoạt động của các Tập
đoàn, Tổng công ty, Công ty đúng quy định của pháp luật.
5. Thông tin giới thiệu, phổ biến và tuyên truyền về
các định hướng phát triển, kế hoạch truyền thông, các sản phẩm cần quảng bá rộng
rãi… của các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ; thực hiện các loại hình
báo chí hiện có (báo in, báo mạng, truyền hình) và các hình thức thông tin
(phóng sự, tin, bài…), phát hành rộng rãi nhằm phản ánh phong phú, đa dạng về Tập
đoàn, Tổng công ty, Công ty.
6. Xây dựng các chuyên mục, chuyên trang, chuyên đề
về các lĩnh vực hoạt động, sản xuất, kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty,
Công ty thuộc Bộ trên các ấn phẩm báo chí của cơ quan mình.
7. Tăng cường hơn nữa công tác thông tin theo hướng
khai thác đa dạng các kênh truyền thông; tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng
các bài viết, kịp thời đề cập tới các vấn đề mà báo chí, doanh nghiệp và dư luận
xã hội quan tâm liên quan đến các lĩnh vực sản xuất của Ngành, tình hình hoạt động
của các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ.
Điều 5. Trách nhiệm của Tập
đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ
1. Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ có
trách nhiệm thường xuyên theo dõi tình hình thông tin trên báo chí để kịp thời
phát hiện, phản hồi và cung cấp thông tin chính xác cho báo chí về lĩnh vực hoạt
động, sản xuất, kinh doanh của cơ quan mình.
2. Tham mưu và đề xuất với Bộ những vấn đề thông
tin báo chí cần thiết phải do Lãnh đạo Bộ phát ngôn.
3. Định kỳ vào ngày cuối cùng của tháng, các Tập
đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ gửi thông tin cần cung cấp cho báo chí về
Bộ thông qua đầu
mối Văn phòng Bộ để tổng hợp thông tin cho Họp báo
thường kỳ của Bộ. Các cơ quan gửi báo cáo về Văn phòng Bộ bằng văn bản, đồng thời
gửi qua hộp thư điện tử BaochiBCT@moit.gov.vn.
4. Đối với tất cả các thông tin, thông cáo báo chí,
trả lời báo chí mà Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty cung cấp tới báo chí, đồng
thời cung cấp cho Bộ thông qua đầu mối là Văn phòng Bộ (hộp thư điện tử
BaochiBCT@moit.gov.vn) để thống nhất quan điểm và tổng hợp thông tin cung cấp tại
Họp báo thường kỳ của Bộ.
5. Đối với các cuộc họp báo cung cấp thông tin cho
báo chí hoặc các sự kiện lớn cần tuyên truyền mà Tập đoàn, Tổng công ty, Công
ty thuộc Bộ tổ chức, đề nghị gửi giấy mời tới Văn phòng Bộ (Phòng Báo chí tuyên
truyền) để cử cán bộ tham gia nắm tình hình và tùy theo nội dung, tính chất của
thông tin để cung cấp tới các cơ quan báo chí trong và ngoài Bộ một cách phù hợp.
6. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan báo chí
thuộc Bộ trong tác nghiệp, đi thực tế viết bài, quảng bá sản phẩm; cung cấp
thông tin liên quan đến tình hình hoạt động, sản xuất và kinh doanh của đơn vị
mình. Tăng cường việc chủ động cung cấp thông tin tuyên truyền một cách thường
xuyên, đầy đủ cho các cơ quan báo chí thuộc Bộ về các mặt hoạt động, sản xuất,
kinh doanh của cơ quan mình.
7. Xây dựng các chương trình, kế hoạch truyền
thông, định hướng tuyên truyền của từng giai đoạn (ngắn hạn, dài hạn) gửi về Bộ
để chủ động trong phối hợp công tác.
Điều 6. Trách nhiệm của Văn
phòng Bộ Công Thương
1. Đầu mối trong công tác theo dõi, nắm sát tình
hình, tổng hợp thông tin báo chí phản ánh các lĩnh vực hoạt động quản lý nhà nước
của Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ; phối hợp với các đơn vị
thuộc cơ quan Bộ, các cơ quan báo chí thuộc Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty,
Công ty thuộc Bộ để đánh giá, phân tích thông tin, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ kịp
thời chỉ đạo xử lý trước những thông tin không chính xác, làm ảnh hưởng đến
hình ảnh của các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ nói riêng và lĩnh vực
quản lý nhà nước của Bộ, của ngành Công Thương nói chung.
2. Thực hiện công tác theo dõi thông tin, điểm tin,
tổng hợp thông tin hàng ngày, hàng tháng và đột xuất về các lĩnh vực hoạt động
của ngành Công Thương và gửi đến Lãnh đạo Bộ, các cơ quan chuyên môn, các cơ
quan báo chí thuộc Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ để cung cấp
kịp thời, chính xác các thông tin mà báo chí phản ánh.
3. Trong trường hợp có những sự kiện, vấn đề nóng
mà xã hội quan tâm hoặc báo chí phản ánh liên quan đến tình hình hoạt động của
Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ, Văn phòng Bộ có trách nhiệm
trao đổi với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty,
Công ty thuộc Bộ để đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Bộ, Người phát ngôn của Bộ chỉ đạo
cử đại diện cung cấp thông tin cho báo chí tại cuộc giao ban báo chí hàng tuần
do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì tổ chức và Họp báo thường kỳ hàng tháng của
Bộ.
4. Đối với các cuộc họp báo định kỳ hàng tháng của
Bộ Công Thương, Văn phòng Bộ có trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thuộc cơ
quan Bộ và theo dõi tình hình thông tin, đề xuất Lãnh đạo Bộ mời đại diện của Tập
đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ tham gia họp báo trong trường hợp cần thiết.
Chương III
PHỐI HỢP CUNG CẤP THÔNG
TIN ĐỘT XUẤT, BẤT THƯỜNG
Điều 7. Phối hợp cung cấp thông
tin đột xuất, bất thường
Khi phát hiện ra các sự việc đột xuất, bất thường,
các Đơn vị có trách nhiệm phối hợp, khẩn trương và kịp thời cung cấp thông tin
đầy đủ, chính xác cho báo chí. Cụ thể là:
1. Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ
trên cơ sở đánh giá mức độ phức tạp, nhạy cảm, cấp bách của sự việc để chủ động
cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác và kịp thời cho báo chí hoặc đề xuất
cụ thể thời điểm, nội dung để Lãnh đạo Bộ phát ngôn cung cấp, phản hồi thông
tin cho báo chí.
2. Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các Đơn vị
chuyên môn thuộc cơ quan Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ, các
cơ quan báo chí thuộc Bộ trên cơ sở đánh giá mức độ phức tạp, nhạy cảm của sự
việc chủ động đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Bộ hướng xử lý, cung cấp thông tin hoặc
phản hồi thông tin báo chí kịp thời đối với những vấn đề được giao quản lý.
3. Các cơ quan báo chí thuộc Bộ có trách nhiệm ưu
tiên nội dung, thời lượng trên các ấn phẩm, chương trình của mình để cung cấp
thông tin kịp thời, chính xác nhằm làm rõ, giải quyết các vấn đề đột xuất, bất
thường.
4. Văn phòng Bộ có trách nhiệm thường xuyên theo
dõi, đề xuất Lãnh đạo Bộ trong các trường hợp đột xuất, bất thường; làm đầu mối
tổng hợp thông tin nhằm giải quyết các vấn đề đột xuất, bất thường của các Tập
đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ và các Đơn vị chuyên môn thuộc cơ quan Bộ.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Trách nhiệm và tổ chức
thực hiện
1. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Thủ trưởng
các Đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Chủ tịch Công
ty, Tổng giám đốc, Giám đốc, Người đại diện phần vốn nhà nước của Bộ Công
Thương tại các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, Người đứng đầu các đơn vị sự
nghiệp công lập trực thuộc Bộ căn cứ vào Quy chế này và Quy chế phát ngôn và
cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Công Thương phân công nhiệm vụ cụ thể
trong đơn vị và tổ chức thực hiện nhằm cung cấp thông tin cho báo chí và phản
ánh thông tin báo chí nêu kịp thời, đúng quy định.
2. Các Đơn vị chuyên môn thuộc cơ quan Bộ phân công
một đồng chí Lãnh đạo trực tiếp phụ trách, theo dõi, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ
này.
3. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát
sinh hoặc khó khăn, vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Văn phòng Bộ để báo cáo
Lãnh đạo Bộ xem xét, sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp.
4. Văn phòng Bộ có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp
với các đơn vị thực hiện nghiêm túc Quy chế này và hàng năm tổng hợp báo cáo
Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện, đề xuất khen thưởng các cá nhân, tập thể
trong việc thực hiện Quy chế này./.