Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 68/2006/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý do tỉnh Long An ban hành

Số hiệu 68/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/12/2006
Ngày có hiệu lực 28/12/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Dương Quốc Xuân
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/2006/QĐ-UBND

Tân An, ngày 18 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ

ỦY BAN NHÂN NHÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/06/2006;

Căn cứ Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 1150/TTr-STP ngày 05/12/2006;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý.

Điều 2. Giao Sở Tư pháp phối hợp với các ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thị xã triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- BTP, Cục KTVB-BTP;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Phòng NCTH (NC);
- Lưu VT,U.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Dương Quốc Xuân

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 68/2006/QĐ-UBND ngày 18/12/ 2006 của UBND tỉnh Long An)

Tổ chức trợ giúp pháp lý được hình thành và hoạt động theo Quyết định số 734/TTg ngày 06/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Sau 9 năm thực hiện, hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Long An đã đạt nhiều kết quả quan trọng, thực hiện hơn 9000 vụ việc và lượt người được trợ giúp pháp lý, hàng chục ngàn lượt người được giải đáp pháp luật, công tác trợ giúp pháp lý là chính sách hợp lòng dân, giúp người được trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, góp phần phổ biến giáo dục pháp luật.

Ngày 29 tháng 6 năm 2006, Quốc hội khoá XI, Kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007. Đây là văn bản pháp luật có ý nghĩa quan trọng, thể chế hoá quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, thể hiện truyền thống đạo lý của dân tộc, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với người nghèo, người được hưởng chính sách ưu đãi về trợ giúp pháp lý, đồng thời pháp điển hóa pháp luật hiện hành về trợ giúp pháp lý, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Ngày 13/10/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 35/2006/TTg về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý. Để tổ chức triển khai thi hành trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh ban hành kế hoạch như sau:

I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Triển khai luật Trợ giúp pháp lý và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương đưa Luật Trợ giúp pháp lý đi vào cuộc sống và áp dụng thực hiện khi Luật có hiệu lực thi hành.

2. Kiện toàn tổ chức, bộ máy, bảo đảm các điều kiện làm việc, tăng cường năng lực cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước và các Chi nhánh của Trung tâm; củng cố lực lượng cộng tác viên, các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, bảo đảm hoạt động phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý.

3. Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động trợ giúp pháp lý đối với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, nhằm bảo đảm việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý.

II- NỘI DUNG, BIỆN PHÁP THỰC HIỆN:

1. Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý

a) Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh và huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai, phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý cho công chức, viên chức, đội ngũ báo cáo viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý và các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý, đặc biệt chú trọng đến vùng sâu, vùng xa, biên giới và các đối tượng được trợ giúp pháp lý. Sở Tư pháp tổ chức tập huấn chuyên đề về Luật Trợ giúp pháp lý cho cộng tác viên để thực hiện khi luật có hiệu lực, sau đó đưa vào nội dung bồi dưỡng định kỳ hàng năm.

b) Báo Long An, Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, bằng nhiều hình thức phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh thông suốt.

c) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Tôn giáo- Dân tộc, thông qua công tác quản lý, có kế hoạch tuyên truyền phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý đến đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

[...]