Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 672/QĐ-UBND năm 2022 về Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Số hiệu 672/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/03/2022
Ngày có hiệu lực 14/03/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Hồng Quang
Lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 672/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 14 tháng 3 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 2006/QĐ-NHNN ngày 17/12/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Nam tại Tờ trình số 171/TTr-QNA ngày 07/3/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, với những nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, giảm dần tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán, đặc biệt trong lĩnh vực công, hành chính công, phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử. Đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí liên quan đến tiền mặt.

b) Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.

c) Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hoá các giao dịch thanh toán, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố,…

d) Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, quảng bá các hình thức thanh toán phù hợp với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, qua đó khuyến khích cũng như thúc đẩy người dân tham gia các dịch vụ thanh toán; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán qua ngân hàng.

2. Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025

Phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

a) Áp dụng các hình thức thanh toán hiện đại, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của tỉnh đạt ít nhất từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác.

b) Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

c) Tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân, 80% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại, sử dụng phương thức thanh toán bằng thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử.

d) Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công:

- Từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90 - 100% các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Quốc gia;

- 60% trở lên các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt;

- 60% trở lên số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bản đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

II. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0

a) Ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, đảm bảo an toàn, bảo mật, mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng.

b) Đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: thanh toán qua QR Code, mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán di động (Mobile Payment), thanh toán phi tiếp xúc (Contactless), Ví điện tử.

[...]