Quyết định 645/2002/QĐ-UB ban hành Chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực của tỉnh Long An giai đoạn 2001-2005 và đến 2010 do Ủy ban nhân dân tỉnh Long An ban hành

Số hiệu 645/2002/QĐ-UB
Ngày ban hành 26/02/2002
Ngày có hiệu lực 26/02/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Trương Văn Tiếp
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 645/2002/QĐ-UB

Tân An, ngày 26 tháng 02 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO VÀ PHÁT HUY NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2001-2005 VÀ ĐẾN 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
Căn cứ Nghị quyết số 34/2002/NQ.HĐND.K6 của HĐND tỉnh Long An khóa VI - kỳ họp thứ 7 (từ ngày 08 đến ngày 11/01/2002) về việc thông qua Chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực của tỉnh Long An giai đoạn 2001-2005 và đến 2010;
Theo đề nghị của Ông Trưởng ban Tổ chức Chính quyền tỉnh (kiêm Phó trưởng Ban điều hành chương trình) tại văn bản số 171/CV.BTCCQ ngày 20/02/2002.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực của tỉnh Long An giai đoạn 2001-2005 và đến 2010.

Điều 2. Tùy theo chức năng nhiệm vụ được giao, Thủ trưởng các Sở ngành và Chủ tịch UBND các huyện thị có trách nhiệm cụ thể hóa nội dung chương trình thành kế hoạch chi tiết, phù hợp để tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt.

Ban điều hành chương trình theo dõi kiểm tra đôn đốc việc triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo kết quả theo quy định.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở ngành và Chủ tịch UBND các huyện thị thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh.
- CT, các PCT.
- Như Điều 3.
- NC.UB.
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Trương Văn Tiếp

 

CHƯƠNG TRÌNH

ĐÀO TẠO VÀ PHÁT HUY NGUỒN NHÂN LỰC (GIAI ĐOẠN 2001 -2005 VÀ ĐẾN NĂM 2010)
(Ban hành kèm theo quyết định số 645/QĐ-UB ngày 26/2/2002)

Tác động vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội có nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là động lực chủ yếu và quan trọng nhất. Do đó việc đào tạo và phát huy nguồn lực con người là yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nguồn nhân lực của chúng ta hiện nay tuy có số lượng khá đông, nhưng còn bất cập về trình độ, về cơ cấu, vừa thừa, vừa thiếu, nhầt là cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi, đầu đàn. Lực lượng lao động được đào tạo có tay nghề chiếm tỷ lệ thấp, phần đông chưa được rèn luyện trong môi trường sản xuất công nghiệp, nên hiệu quả lao động, sản xuất thấp. Thực hiện 4 chương trình Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Tỉnh Đảng bộ Long An, UBND tỉnh xây dựng chương trình đào tạo và phát huy nguồn nhân lực giai đoạn 2001- 2005 và đến năm 2010.

Phần I.

THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC CỦA TỈNH

(giai đoạn 1996-2000)

Long An là tỉnh có nguồn lao động dồi dào, đa số người lao động có tinh thần chịu khó, cần cù, sáng tạo trong lao động và tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ sản xuất. Trình độ học vấn người dân (trong độ tuổi đi học) từ tiểu học trở lên chiếm 90,1% (số liệu cục thống kê năm 1999), người lao động trong độ tuổi từ 15-34 tuổi chiếm tỷ lệ 61,13% (504.505 người) trong tổng số lực lượng lao động. Nguồn lao động bổ sung hàng năm là 4,5 % (khoảng 30.000 người). Đây là tiềm năng, cơ hội vể nguồn nhân lực và cũng là thách thức rất lớn về đào tạo và giải quyết việc làm.

Về công tác đào tạo và dạy nghề đã có những bước phát triển. Tỷ lệ lao động qua đào tạo giai đoạn 1996-2000 mỗi năm tăng bình quân 1% và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng bình quân 0,8%. Số lượng cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ chiếm tỷ lệ 1,56% trong lực lượng lao động; (trong đó nữ chiếm 0,75%, thạc sĩ chiếm tỷ lệ 0,007%, cán bộ khoa học kỹ thuật trẻ dưới 40 tuổi chiếm 62,5%). Số cán bộ KHKT của ngành giáo dục chiếm tỷ lệ 45,2%, có 43,3% Xã, Phường, Thị trấn có bác sĩ. Đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhằm tiêu chuẩn hoá từng chức danh. Từ năm 1996-2000 đã đào tạo, bồi dưỡng 20.114 lượt cán bộ (trong đó đào tạo 4.004). Qua đào tạo, bồi dưỡng trình độ, năng lực lãnh đạo quản lý của đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cán bộ KHKT được nâng lên đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong những năm qua.

Mạng lưới trường lớp ngày càng tăng về số lượng ở các cấp học, được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy và học tập (có cả Trường dạy nghề). Trình độ đội ngũ giáo viên từng bước được chuẩn hoá. Từ đó đã góp phần tích cực vào việc phát triển sự nghiệp giáo dục- đào tạo của tỉnh trong thời gian qua.

Nhìn chung nguồn nhân lực của tỉnh có những bước phát triển so với những năm trước đây. Tuy nhiên, nguồn nhân lực so với yêu cầu vẫn còn hạn chế và bất cập đó là:

- Về trình độ kiến thức, năng lực đội ngũ cán bộ tuy có nâng lên, nhưng chưa đồng bộ giữa kiến thức lý luận chính trị và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và chưa đồng đều giữa các cấp, các ngành. Trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng kịp yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ mới. Phần đông cán bộ yếu về ngoại ngữ tin học, kiến thức quản lý kinh tế. Một bộ phận các bộ chưa thật sự vươn lên, chưa nhiệt tình trong công việc; thiếu rèn luyện về phẩm chất đạo đức. Đội ngũ cán bộ vẫn ở trong tình trạng “vừa thùa, vừa thiếu”; Thiều cán bộ kế cận, cán bộ dự nguồn, cán bộ KHKT giỏi, đầu đàn, cán bộ quản lý kinh doanh (cán bộ KHKT ở cac ngành Nông Lâm Thủy sản chỉ chiếm 4,1%; Xây dựng 2%; Vận tải 0,49% trong tổng số cán bộ KHKT của Tỉnh v.v...). Riêng giáo viên THCS thiếu 653, giáo viên PTTH thiếu 645. Số cán bộ được đào tạo cơ bản chính quy còn ít, phần lớn vừa học vừa làm. chủ yếu qua các lớp tại chức, đào tạo từ xa, ngắn ngày nên chất lương không cao.

Trình độ dân trí của tỉnh có nâng lên nhưng vẫn còn ở mức thấp, trình độ học vấn PTTH chỉ chiếm 18,4%, người trong độ tuổi chưa đi học chiếm 8,4% (số liệu cục thống kê năm 1999) đại bộ phận xã, phường , thị trấn chưa đạt chuẩn phổ cập THCS. Tỷ lệ lao động được qua đào tạo còn ít (năm 2000 chỉ chiếm 14,13%) lao động được đào tạo giữa cao đẳng, đại học, trung học, công nhân kỹ thuật chưa hợp lý, thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật (tỷ lệ 1-1,2-0,8). Lực lượmg lao động ở nông thôn chủ yếu là lao động phổ thông (83,69%) lao động chưa qua đào tạo (541.650 người) . Tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm những năm qua dao động ở mức 5,30% so với tổng số lao động trong độ tuổi. Hệ thống cơ sở dạy nghề còn ít, cơ sở vật chất còn thiếu, chưa kịp đáp ứng nhu cầu học nghề hiện nay. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Chưa có chính sách khuyến khích việc dạy nghề, học nghề. Chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy chậm đổi mới, không theo kịp công nghệ sản xuất, do đó chưa nâng cao được chất lượng trong công tác đào tạo nghề.

Việc quản lý, đào tạo không chặt chẽ, chất lượng đào tạo chưa cao, còn nặng về hợp thức hoá tiêu chuẩn chức danh cán bộ, chưa gắn với yêu cầu nhiệm vụ và qui hoạch. Việc bố trí, sử dụng chưa đúng ngành nghề đào tạo. Chính sách đối với cán bộ, nhất là chính sách đối với cán bộ KHKT còn bất hợp lý, chưa động viên khuyến khích họ cống hiên nhiều hơn cũng như phấn đấu tự học tập để nâng cao trình độ.

Những hạn chế trên là do tỉnh chưa có một chiến lược cụ thể cho việc đào tạo và phát huy nguồn nhân lực; chưa có chính sách thu hút nhân tài, chưa có chiến lược nguồn nhân kực phục vụ cho sự nghiệp CNH-HĐH. Do đó chưa phát huy được nguồn nhân lực sẳn có và nguồn nhân lực bên ngoài. Việc đào tạo còn phân tán, không đồng bộ trong cơ cấu chưa chú trọng đào tạo cán bộ KHKT có trình độ cao, chưa có qui hoạch nguồn nhân lực nên đào tạo thường bị động, chấp vá.

Phần II.

[...]