UBND TỈNH PHÚ THỌ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 641/1997/QĐ-UB
|
Phú Thọ, ngày 16 tháng 5 năm 1997
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ NGÀNH HỌC GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN PHÚ THỌ
UỶ BAN
NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/06/1994.
Căn cứ Nghị định 90/CP ngày 24/11/1993 của Chính phủ qui
định cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân.
Căn cứ Thông tư 20/TT ngày 14/11/1994 của Bộ GD&ĐT về
hướng dẫn mở và quản lý các lớp đào tạo không tập trung ở bậc Đại học, Trung
học chuyên nghiệp.
Xét đề nghị của ông Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo.
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1: Ban
hành kèm theo quyết định này Qui định về quản lý ngành học Giáo dục thường
xuyên trên địa bàn Phú Thọ.
Điều 2: Quy
định này được thực hiện từ năm học 1996 - 1997. Những quy định trước đây trái
với qui định này đều bãi bỏ.
Điều 3: Các
ông Chánh văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, Thủ trưởng
các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp; Hiệu trưởng
các trường: Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp - Dạy nghề Trung ương và
địa phương trên địa bàn tỉnh, Giám đốc các Trung tâm giáo dục thường xuyên,
Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm, các Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học và
cá nhân có mở lớp thuộc ngành học Giáo dục thường xuyên trên địa bàn Phú Thọ
chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
QUY ĐỊNH
CỦA UBND TỈNH PHÚ THỌ
VỀ QUẢN LÝ NGÀNH HỌC GIÁO
DỤC THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 641/QĐ - UB ngày 16/05/1997)
Chương I:
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Ngành
học giáo dục thường xuyên (GDTX) là một trong những ngành học của hệ thống Giáo
dục Quốc dân bao gồm: Đào tạo bồi dưỡng nâng cấp, bồi dưỡng thường xuyên,
chuyển giao kỹ thuật và công nghệ, học Ngoại ngữ, Tin học, dạy nghề ngắn hạn,
học bổ túc văn hoá, xoá mù chữ, thời gian học có thể ngắn hoặc dài ngày, hình
thức học có thể là chuyên tu, bán tập trung, tự học, dạy kèm cặp, đào tạo từ xa
có cấp lớp và không cấp lớp; Chương trình học đa dạng từ bậc Tiểu học đến Cao
học với nhiều ngành nghề khác nhau.
Điều 2: Sở
Giáo dục - Đào tạo là cơ quan chức năng giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước ngành
học giáo dục thường xuyên bao gồm các đơn vị đào tạo và các loại hình đào tạo
sau đây:
- Các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp,
Dạy nghề của Trung ương trên địa bàn Phú Thọ có mở các lớp thuộc ngành học giáo
dục thường xuyên, không trùng với ngành học, cấp học trong hệ thống chính qui
của trường (nếu mở lớp GDTX cùng ngành học, cấp học có trong hệ chính qui của
trường thì thực hiện theo Thông tư số: 20/TT ngày 14/11/1994 của Bộ GD&ĐT).
- Các trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề
của tỉnh có mở các lớp GDTX.
- Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh.
- Các Trung tâm GDTX huyện, thị, thành và các Trung tâm
GDTX cụm xã.
- Các Trung tâm dạy nghề, Trung tâm xúc tiến việc làm,
Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học.
- Các lớp học được mở do các ngành, đoàn thể, cơ quan,
doanh nghiệp và tư nhân liên kết với các đơn vị đào tạo.
Điều 3: Nội
dung quản lý Nhà nước ngành học GDTX của Sở GD&ĐT bao gồm:
a. Mục tiêu đào tạo: Theo quyết định của các cấp có thẩm
quyền.
b. Các điều kiện cần thiết phục vụ cho dạy và học.
c. Tư cách pháp nhân của đơn vị hoặc cá nhân xin mở lớp.
d. Chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện qui chế của Bộ GD&ĐT
cho mỗi loại hình đào tạo bao gồm: Khâu tuyển sinh, qui trình đào tạo, thi học
trình, học phần, thi chuyển giai đoạn, thực tập nghề, thi hoặc bảo vệ luận văn
tốt nghiệp.
e. Quy trình cấp phát chứng chỉ, bằng tốt nghiệp.
Chương II:
NHỮNG
QUI ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4:
1- Thủ tục mở lớp: Các cơ sở đào tạo như đã nói ở điều 2,
trước khi mở lớp phải báo cáo Sở GD&ĐT các nội dung sau:
a- Nhu cầu mở lớp, địa điểm và cơ sở vật chất đảm bảo cho
giảng dạy và học tập.
b- Đối tượng học, chương trình học, hình thức học và thời
gian đào tạo.
c- Người dạy hoặc đơn vị trường học đảm nhận việc giảng dạy
(nếu cá nhân có nhu cầu dạy học phải xuất trình bằng chuyên môn, bằng sư phạm
thể hiện đầy đủ tư cách đứng lớp).
d- Số lượng học sinh xin tuyển và hướng sử dụng sau đào tạo
(nếu có).
2. Sở GD&ĐT tập hợp và xem xét các thủ tục mở lớp rồi
tuỳ theo phân cấp để cho phép mở lớp hoặc thẩm định và đề nghị UBND tỉnh cho
phép trình Bộ GD&ĐT quyết định. Chỉ khi được cấp có thẩm quyền cho phép mở
lớp, cơ sở đào tạo mới được tiến hành chiêu sinh. Thời gian thẩm định và xét
duyệt từ lúc nhận tờ trình đăng ký mở lớp đến ra quyết định cho mở lớp không
quá 20 ngày.
Điều 5: Thẩm
quyền cho phép mở lớp: Để khuyến khích mở các lớp GDTX, UBND tỉnh phân cấp việc
thẩm định và duyệt mở các lớp như sau:
a- Các phòng GD&ĐT (huyện, thành, thị) được phép duyệt
mở các lớp GDTX không có cấp bằng sau khi học.
b- Sở GD&ĐT cho phép mở các lớp có cấp bằng tốt nghiệp
đến bậc Trung học chuyên nghiệp, Trung học nghề.
c- Uỷ ban Nhân dân tỉnh duyệt cho phép báo cáo trình Bộ GD&ĐT
xin mở các lớp đào tạo bồi dưỡng có trình độ từ Cao đẳng trở lên.
Điều 6:
a- Sở GD&ĐT có trách nhiệm qui định và hướng dẫn các
đơn vị mở lớp GDTX thực hiện đúng qui chế, qui định hiện hành, thanh kiểm tra
công tác tuyển sinh, việc thực hiện chương trình và các kỳ thi.
b- Các đơn vị mở lớp có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc
các qui chế, quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT: Lập đủ hồ sơ sổ sách theo yêu
cầu; quản lý quá trình học đảm bảo nghiêm túc, có chất lượng, báo cáo tiến độ
thực hiện chương trình theo qui định của Sở GD&ĐT.
c- Các giáo viên đứng lớp phải thực hiện đúng và đủ chương
trình, đảm bảo tiến độ theo hợp đồng đào tạo, tổ chức ôn tập và thi kiểm tra
nghiêm túc.
Điều 7: Quản
lý kinh phí đào tạo.
a- Trên cơ sở mức thu học phí của liên Bộ Tài chính - GD&ĐT
hướng dẫn và mức qui định thu học phí cụ thể hàng năm của UBND tỉnh đối với
từng loại hình đào tạo, Sở Tài chính - Vật giá hướng dẫn các cơ sở mở lớp xây
dựng mức thu học phí theo nguyên tắc chung là: Thu đủ chi, không lợi dụng để
thương mại đào tạo.
b- Kinh phí thu được chủ yếu để phục vụ cho công tác giảng
dạy và học tập, cho công tác quản lý và phục vụ. Cơ sở có lớp phải công khai
việc thu chi cho học viên trong toàn khoá học. Người học có thể đóng một lần
hoặc nhiều lần, song không được thu thêm, thu bổ sung bất kỳ khoản nào khác
ngoài quy định trong quá trình đào tạo; quản lý thu chi theo đúng quy định hiện
hành.
Điều 8: Quản
lý bằng và chứng chỉ.
a- Tất cả các loại bằng và chứng chỉ được cấp phát phải
theo đúng mẫu qui định của Bộ GD&ĐT. Các trường học, cơ quan, các trung tâm
và đơn vị đào tạo không được phép in bằng và chứng chỉ cấp cho người học. Việc
cấp bằng và chứng chỉ thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
b- Sở GD&ĐT quản lý bằng của hệ Trung học chuyên
nghiệp, Trung học nghề, bằng công nhân, bằng nghề và các loại chứng chỉ theo
nguyên tắc: Sở GD&ĐT nhận bằng và chứng chỉ trắng tại Bộ GD&ĐT, chuyển
giao cho các đơn vị mở lớp theo danh sách học viên trúng tuyển. Việc quản lý
bằng trắng phải chặt chẽ, chống thất thoát ra ngoài.
Điều 9: Sở GD&ĐT
có quyền xử lý các vi phạm của đơn vị tổ chức mở lớp, của người dạy và người
học như giải thể lớp, từ chối đào tạo hoặc buộc thôi học (đối với những người
học); miễn nhiệm hoặc đề nghị thay giảng viên, bãi bỏ phần chương trình không
thuộc danh mục ngành nghề đào tạo.
Chương III:
TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
Điều 10: - Sở GD&ĐT có trách nhiệm hướng dẫn triển khai qui
định này đến toàn ngành và các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể, các đơn vị và cá nhân;
sáu tháng một lần báo cáo về UBND tỉnh việc thực hiện.
- Các đơn vị, tổ chức và cá nhân mở lớp hoặc giảng dạy cho
các lớp thuộc ngành học GDTX trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thực hiện nghiêm
túc qui chế và các điều kiện chất lượng, phối hợp và tạo điều kiện để Sở GD&ĐT
thực hiện chức trách quy định.
- Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các ngành
phản ánh trực tiếp về Sở GD&ĐT để báo cáo UBND tỉnh kịp thời.