Quyết định 63/2002/QĐ-TTg về công tác, phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 63/2002/QĐ-TTg
Ngày ban hành 20/05/2002
Ngày có hiệu lực 20/05/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 63/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 63/2002/QĐ-TTG NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2001 VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, GIẢM NHẸ THIÊN TAI

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão đã được sửa đổi, bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000 và Pháp lệnh đê điều ngày 24 tháng 8 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Để chủ động trong công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai hàng năm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

1. Tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt, bão năm trước để làm cơ sở xây dựng kế hoạch, phương án cho các năm sau có hiệu quả; đảm bảo thống nhất, đồng bộ và có hệ thống từ tỉnh xuống huyện, xã, nhất là các vùng trọng điểm, xung yếu.

2. Kiện toàn tổ chức Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão các cấp, các ngành; tổ chức tập huấn, diễn tập các phương án phòng, chống lụt, bão, thiên tai; đối với những địa phương thường xuyên xẩy ra lũ, bão thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão.

3. Quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ); các Bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực lượng, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ để phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động phòng tránh và đối phó với các tình huống bất lợi nhất khi lũ, bão, thiên tai xẩy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

4. Bảo đảm mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống cảnh báo, dự báo hoạt động thông suốt trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm túc chế độ trực ban trong mùa lũ, bão.

5. Báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống lụt, bão của cơ quan, đơn vị mình gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương; chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền khi xảy ra bão, lũ, thiên tai, nếu vượt thẩm quyền phải báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Các tỉnh thuộc đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ :

- Phải hoàn thành kế hoạch tu bổ đê điều hàng năm trước mùa mưa lũ, kiểm tra, đánh giá chất lượng từng tuyến đê, xử lý kịp thời mọi hư hỏng của đê, kè, cống; xây dựng phương án hộ đê và cứu hộ đê cho từng tuyến, từng trọng điểm.

- Chuẩn bị đủ lực lượng, phương tiện, vật tư dự phòng để sẵn sàng đối phó với lũ lớn.

- Có kế hoạch, phương án di dời, bảo vệ nhân dân trong vùng bãi sông, chủ động xây dựng phương án phân lũ, đảm bảo hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

2. Các tỉnh ven biển Trung Bộ xây dựng kế hoạch, phương án đối phó với tình huống bất lợi nhất khi có lũ, bão và triều cường cùng xẩy ra; phải có phương án di dời dân vùng trũng, vùng cửa sông, ven biển và các vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn, có biện pháp chủ động phòng, tránh để giảm nhẹ thiệt hại, từng bước thích nghi, ổn định và phát triển bền vững trong điều kiện thiên tai thường xuyên xẩy ra.

3. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long phải xây dựng kế hoạch, phương án và biện pháp đối phó có hiệu quả với lũ lớn và kéo dài trong nhiều ngày; kế hoạch bảo vệ sản xuất, các công trình cơ sở hạ tầng, đảm bảo các hoạt động bình thường cho nhân dân, nhất là vùng ngập sâu; xây dựng kế hoạch học tập, giảng dạy, thi cử ở các trường học phù hợp với điều kiện ngập lũ.

Đối với vùng ngập sâu, chính quyền địa phương phải có phương án cụ thể sơ tán dân; kiểm tra việc chuẩn bị xuồng, đảm bảo mỗi hộ có 01 xuồng làm phương tiện tránh lũ và ngư lưới cụ để đánh bắt thuỷ sản phục vụ đời sống khi bị ngập sâu và kéo dài trong nhiều ngày. Xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ, đảm bảo phát triển bền vững, ổn định lâu dài.

4. Các tỉnh có hồ chứa nước phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện các hư hỏng để sửa chữa kịp thời trước mùa lũ, bão; có phương án đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư ở vùng hạ lưu.

5. Đối với các tỉnh miền núi, trung du, vùng thường xẩy ra lũ quét, động đất... Uỷ ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo các vùng nguy hiểm để có phương án chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

6. Các địa phương vùng thường xuyên bị bão, áp thấp nhiệt đới, lũ lụt:

- Theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của lũ, bão, thiên tai, chủ động tổ chức việc phòng tránh, xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn trước khi thiên tai xảy ra như chằng chống nhà cửa, trường học, bệnh viện, kho tàng v.v..

- Có kế hoạch di dời dân những khu vực ven cửa sông, ven biển, vùng ngập sâu và vùng sạt lở nguy hiểm đến nơi an toàn; kiên quyết không cho tàu thuyền ra khơi khi có bão và áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Có kế hoạch xây dựng nhà ở có kết cấu phù hợp cho việc tránh lũ, bão; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ để hạn chế thiệt hại.

- Các địa phương cần động viên, tổ chức dự trữ các mặt hàng thiết yếu, như lương thực, chất đốt, thuốc men ở từng gia đình, từng thôn, xã, huyện.

- Tổ chức tập huấn, diễn tập cho các lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống lụt, bão, cứu nạn; chủ động xây dựng phương án đối phó, huy động mọi nguồn lực trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ" để đối phó và khắc phục hậu quả.

Điều 3. Các Bộ, ngành Trung ương có trách nhiệm :

1. Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương tham mưu giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ việc điều hành, xử lý kịp thời, có hiệu quả trong việc đối phó với lũ, bão, thiên tai; kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả; chỉ đạo phòng ngừa đối phó với các tình huống khẩn cấp về lũ, bão, thiên tai cho từng vùng.

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ