Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 626/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Chương trình quốc gia An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 626/QĐ-UBND
Ngày ban hành 02/06/2016
Ngày có hiệu lực 02/06/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Giàng A Tính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 626/QĐ-UBND

Lai Châu, ngày 02 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND- UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Quyết định 05/QĐ-TTg ngày 05/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 461/TTr- SLĐTBXH ngày 20 tháng 5 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình quốc gia An toàn, vệ sinh lao động tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016 - 2020.

(Có chương trình kèm theo)

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký .

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Lao động - TBXH;
- TT. Tỉnh uỷ;
- TT. HĐND, UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng A Tính

 

CHƯƠNG TRÌNH

AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TỈNH LAI CHÂU GIAI ĐOẠN 2016- 2020
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số: 626 /QĐ-UBND ngày 02/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu)

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

1. Đặc điểm tình hình

Thông qua việc thực hiện các hoạt động của Chương trình quốc gia an toàn, vệ sinh lao động, nhìn chung công tác an toàn vệ sinh lao động của tỉnh trong những năm qua đã có những bước chuyển biến tích cực, việc thực hiện Bộ luật Lao động về an toàn, vệ sinh lao động đã được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm triển khai thực hiện; các hoạt động chăm lo sức khỏe người lao động, cải thiện môi trường làm việc, cải tiến phương tiện làm việc, phòng cháy, chữa cháy đã được quan tâm, đảm bảo góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, còn rất nhiều doanh nghiệp (đa số là doanh nghiệp ngoài quốc doanh) thực hiện chưa đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, điều kiện làm việc ở nhiều doanh nghiệp chưa được quan tâm chú ý, nhiều doanh nghiệp cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân không đầy đủ, chất lượng không đảm bảo theo tiêu chuẩn; số doanh nghiệp tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động chiếm tỷ lệ rất thấp (khoảng 14%); nguy cơ xẩy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn tiểm ẩn cao trong các doanh nghiệp.

Nhận thức, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh về công tác an toàn, vệ sinh lao động còn nhiều hạn chế, bất cập; kinh phí đầu tư cho công tác an toàn vệ sinh lao động chưa được đảm bảo.

2. Khó khăn, tồn tại

Các quy định trong hệ thống luật pháp về công tác an toàn - vệ sinh lao động (ATVSLĐ) còn nhiều bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện; Một số văn bản quy định theo lĩnh vực quản lý ngành còn chồng chéo, bất cập về phân công chức năng, nhiệm vụ; Nội dung về an toàn, vệ sinh lao động không chỉ được quy định trong Bộ Luật Lao động mà còn được quy định trong nhiều văn bản của các Bộ chuyên ngành khác.

Bộ máy làm công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) của tỉnh vẫn còn bất cập giữa chức năng, nhiệm vụ được giao với biên chế, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức. Lực lượng cán bộ làm công tác ATVSLĐ thiếu về số lượng và chất lượng, do đó các hoạt động thanh tra, kiểm tra tuy đã được triển khai nhưng cũng chỉ kiểm soát được trên 1/3 tổng số doanh nghiệp. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật lao động còn nhiều khó khăn và thiếu kiên quyết.

Công tác thống kê, báo cáo tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) còn yếu, mỗi năm chỉ có khoảng 30 đến 40 doanh nghiệp thống kê, báo cáo tai nạn lao động chiếm khoảng 0,3 đến 0,4% trên tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn;

Trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu như: trang thiết bị đo môi trường lao động, thiết bị khám phát hiện bệnh nghề nghiệp...

[...]