NGÂN
HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 624/QĐ-NHNN
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 04
năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ GIÚP VIỆC THỰC HIỆN CÁC HÀNH ĐỘNG SAU
ĐÁNH GIÁ ĐA PHƯƠNG CỦA NHÓM CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG VỀ CHỐNG RỬA TIỀN (APG) ĐỐI
VỚI VIỆT NAM
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ
công văn số 5841/VPCP-KTTH ngày 17/07/2020 của Văn phòng Chính phủ về việc
thành lập Tổ giúp việc thực hiện các hành động sau đánh giá đa phương;
Căn cứ Quyết định số 623/QĐ-NHNN ngày 08/4/2021 của Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam về việc thành lập Tổ giúp việc thực hiện các hành động
sau đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền
(APG) đối với Việt Nam;
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động
của Tổ giúp việc thực hiện các hành động sau đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á
- Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) đối với Việt Nam (sau đây gọi tắt là
Tổ giúp việc).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng, Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Ngân
hàng Nhà nước, Tổ trưởng, Tổ phó, thành viên Tổ giúp việc, Cục Phòng, chống rửa
tiền - Đơn vị thường trực của Tổ giúp việc và Văn phòng Cơ quan Thanh tra, giám
sát Ngân hàng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để
báo cáo);
- Phó Thủ tướng Thường trực
Trương Hòa Bình - Trưởng BCĐ phòng, chống rửa tiền (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Thống đốc NHNN;
- Các bộ, Cơ quan ngang bộ, Cơ
quan thuộc Chính phủ có thành viên;
- Như Điều 1, Điều 3;
- Lưu: VP, Vụ TCCB, TTGSNH5
(5b).
|
THỐNG
ĐỐC
Nguyễn Thị Hồng
|
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
CỦA TỔ GIÚP VIỆC THỰC HIỆN CÁC HÀNH ĐỘNG SAU ĐÁNH GIÁ ĐA PHƯƠNG CỦA
NHÓM CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG VỀ CHỐNG RỬA TIỀN (APG) ĐỐI VỚI VIỆT NAM VỀ
PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN, CHỐNG TÀI TRỢ KHỦNG BỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số
624/QĐ-NHNN ngày 08 tháng 4 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Việt Nam)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm
vi, đối tượng điều chỉnh
1. Quy chế này quy định về nguyên tắc
làm việc, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, chế độ thông tin, báo cáo của Tổ giúp việc thực hiện các hành động sau đánh giá đa phương của Nhóm Châu Á - Thái Bình
Dương về chống rửa tiền (APG) đối với Việt Nam (sau đây gọi tắt là Tổ giúp việc).
2. Quy chế này
được áp dụng đối với Tổ trưởng, Tổ phó, Trưởng Nhóm công tác, Thư ký Nhóm công
tác, các thành viên Tổ giúp việc.
Điều 2. Vị trí,
chức năng của Tổ giúp việc
Tổ giúp việc là tổ công tác liên
ngành tư vấn, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động nhằm khắc phục các thiếu hụt trong cơ chế phòng, chống
rửa tiền/chống tài trợ khủng bố/chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt
(PCRT/TTKB/TTPBVK) sau đánh giá đa phương của APG giai đoạn 2021-2025 để Việt
Nam sớm ra khỏi Danh sách của Nhóm Rà soát các vấn đề về hợp tác quốc tế
(ICRG) thuộc Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF); tham
mưu cho Thống đốc NHNN, lãnh đạo các bộ,
ngành có các giải pháp triển khai có hiệu quả và hoàn
thành đúng thời hạn các nội dung của Kế hoạch hành động nhằm khắc phục các thiếu
hụt trong cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVK sau đánh giá đa phương của APG giai đoạn
2021-2025.
Điều 3. Nguyên
tắc và chế độ làm việc
1. Tổ giúp việc làm việc theo chế
độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi Việt Nam ra khỏi Danh sách của
ICRG thuộc FATF hoặc khi có quyết định khác.
2. Tổ phó Tổ giúp việc, Trưởng nhóm công tác và các thành viên Tổ giúp việc chịu trách nhiệm trước
Tổ trưởng về thực hiện các nhiệm vụ được phân công.
3. Các thành viên Tổ giúp việc phải
tham dự đầy đủ các cuộc họp của Tổ giúp việc, trường hợp vắng mặt phải báo cáo
Tổ trưởng Tổ giúp việc thông qua Cục Phòng, chống rửa tiền
- Đơn vị thường trực của Tổ giúp việc.
4. Tổ phó và thành viên Tổ giúp việc
khi không tham gia Tổ giúp việc do chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc bất cứ lý do
nào khác phải báo cáo bằng văn bản cho Tổ giúp việc (qua Đơn vị thường trực).
Điều 4. Trách nhiệm
của Đơn vị thường trực của Tổ giúp việc
1. Đơn vị thường trực của Tổ giúp việc
là Cục Phòng, chống rửa tiền.
2. Tham mưu, giúp việc Tổ trưởng Tổ
giúp việc trong điều hành hoạt động của Tổ giúp
việc.
3. Tham mưu, giúp Tổ trưởng Tổ giúp việc trong việc tổng hợp, thực hiện các thủ tục gửi lấy ý kiến bộ, ngành và trình Thủ tướng
Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động nhằm khắc phục các thiếu hụt trong cơ chế
PCRT/TTKB/TTPBVK sau đánh giá đa phương của APG giai đoạn 2021-2025.
4. Chuẩn bị nội dung, chương trình và
các điều kiện cần thiết phục vụ các cuộc họp của Tổ giúp việc.
Điều 5. Nhiệm vụ của
Tổ giúp việc
Tổ giúp việc thực hiện nhiệm vụ sau:
1. Nghiên cứu, rà soát các thiếu hụt
về khuôn khổ pháp lý về PCRT/TTKB/TTPBVK so với yêu cầu của 40 Khuyến nghị của
FATF đã được Đoàn đánh giá APG chỉ ra trong Báo cáo đánh giá đa phương đối với
Việt Nam để đề xuất các nội dung văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật cần sửa
đổi, bổ sung và các biện pháp thực hiện để hoàn thiện
khuôn khổ pháp lý về PCRT/TTKB/TTPBVK đáp ứng các yêu cầu của 40 Khuyến nghị của
FATF.
2. Nghiên cứu các hành động do Đoàn
đánh giá APG kiến nghị tại Báo cáo đánh giá đa phương đối với Việt Nam, đề xuất
các biện pháp, hành động cần thực hiện để cải thiện tính hiệu quả trong việc thực
thi cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVK sau đánh giá đa phương của APG.
3. Đề xuất, tư vấn cho Thống đốc NHNN
- Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ
đạo phòng, chống rửa tiền trong việc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch
hành động nhằm khắc phục các thiếu hụt trong cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVK sau đánh
giá đa phương của APG giai đoạn 2021-2025 để Việt Nam sớm ra khỏi Danh sách của
ICRG thuộc FATF trong đó bao gồm các hành động hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và
các hành động tăng cường hiệu quả thực thi.
4. Theo dõi việc thực hiện Kế hoạch hành động nhằm khắc phục các thiếu hụt trong
cơ chế PCRT/TTKB/TTPBVK sau đánh giá đa phương của APG giai đoạn 2021-2025 tại
các bộ, ngành để kịp thời tham mưu cho Thống đốc, lãnh đạo
các bộ, ngành có các giải pháp triển khai có hiệu quả và hoàn thành đúng thời hạn
các nội dung thuộc trách nhiệm của từng bộ, ngành.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Trách nhiệm,
quyền hạn của Tổ trưởng Tổ giúp việc
1. Phụ trách, điều hành và chịu trách
nhiệm trước Thống đốc về toàn bộ hoạt động của Tổ giúp việc.
2. Lãnh đạo, điều hành mọi hoạt động của
Tổ giúp việc; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Tổ phó, Trưởng nhóm công tác,
Thành viên và triệu tập, chủ trì các cuộc họp định kỳ, đột
xuất của Tổ giúp việc.
3. Trong trường hợp cần thiết, ủy quyền
cho các Tổ phó giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình.
4. Tham mưu, trình
Thống đốc - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo về
Phòng, chống rửa tiền ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung nhân sự khi có sự điều
chỉnh, thay đổi thành viên.
5. Thực hiện các nhiệm vụ khác được
Thống đốc giao.
Điều 7. Trách nhiệm,
quyền hạn của Tổ phó Tổ giúp việc
1. Chịu trách nhiệm trước Tổ trưởng về
hoạt động của các nhóm công tác do mình phụ trách, báo cáo
Tổ trưởng Tổ giúp việc để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình phối hợp liên ngành
thực hiện nhiệm vụ của nhóm.
2. Tổ phó Thường trực điều hành giải
quyết công việc của Đơn vị thường trực; điều hành giải quyết
công việc của Tổ giúp việc khi Tổ trưởng vắng mặt hoặc được Tổ trưởng ủy quyền.
3. Tổ phó Thường trực chịu trách nhiệm
vụ trách hoạt động của các nhóm 1, 2, 3, 4, 5, 8.
4. Tổ phó chịu trách nhiệm phụ trách hoạt động của các nhóm 6, 7.
3. Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân
công, ủy quyền của Tổ trưởng Tổ giúp việc.
Điều 8. Trách nhiệm
của các Trưởng nhóm và thành viên Tổ giúp việc
1. Trách nhiệm của Trưởng
nhóm
a) Chỉ đạo xây dựng
và thực hiện kế hoạch chi tiết của nhóm trên cơ sở kế hoạch tổng thể đảm bảo
nhóm đạt các mục tiêu theo tiến độ đã đề xuất.
b) Kịp thời báo cáo và tham mưu cho Tổ
trưởng, Tổ phó phụ trách những vướng mắc trong quá trình
triển khai và đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý.
c) Phối hợp với
các nhóm khác để triển khai nhiệm vụ.
d) Chỉ đạo và phân công thành viên
Nhóm xây dựng các báo cáo thuộc trách nhiệm của Nhóm; phê
duyệt báo cáo của nhóm và gửi Đơn vị thường trực để tổng hợp và báo cáo theo
quy định.
2. Trách nhiệm của Thư ký nhóm
a) Tham mưu giúp Trưởng nhóm triển
khai các nhiệm vụ của nhóm.
b) Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân
công của Trưởng nhóm và báo cáo những vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý.
c) Đầu mối tổng hợp, tham mưu cho Trưởng nhóm trong xây dựng nội dung báo cáo thuộc trách
nhiệm của nhóm.
3. Trách nhiệm của thành viên
a) Thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi
chức năng, nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng nhóm;
b) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị công tác, chủ động
tham mưu cho lãnh đạo bộ, ngành đơn vị mình triển khai các hành động thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành trong Kế
hoạch hành động nhằm khắc phục các thiếu hụt trong cơ chế
PCRT/TTKB/TTPBVK sau đánh giá đa phương của APG giai đoạn
2021-2025.
c) Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn của đơn vị công tác, đôn đốc các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện
các hành động thuộc chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành mình; kịp thời báo cáo những
vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất biện
pháp xử lý với Trưởng Nhóm và lãnh đạo bộ, ngành.
d) Báo cáo lãnh đạo các cấp tập trung
nguồn lực để triển khai thực hiện nhiệm vụ sau đánh giá đa phương trong phạm vi
chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành mình.
Điều 9. Chế độ
báo cáo của Tổ giúp việc
1. Các nhóm công tác định kỳ 03 tháng
hoặc đột xuất khi có yêu cầu báo cáo Tổ giúp việc về kết
quả thực hiện nhiệm vụ được giao, khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý.
2. Tổ Trưởng Tổ
giúp việc định kỳ 03 tháng hoặc đột xuất khi có yêu cầu báo cáo Thống đốc - Phó
Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống rửa tiền về
kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp
khắc phục, xử lý.
3. Việc lấy ý kiến thành viên Tổ giúp
việc được thực hiện qua các hình thức văn bản, thư điện tử (email) hoặc tổ chức
cuộc họp.
Điều 10. Kinh
phí hoạt động
1. Tổ giúp việc
được cấp ngân sách từ nguồn kinh phí hoạt động hàng năm của
Việt Nam trong APG của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bao gồm các khoản mục sau
đây: Tổ chức họp, làm việc định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu; làm thêm giờ
(nếu có); các chi phí hành chính khác (in ấn, biên dịch, phiên dịch,...) phục vụ
cho hoạt động của Tổ giúp việc.
2. Cục Phòng, chống rửa tiền - Đơn vị
thường trực của Tổ giúp việc phối hợp với các đơn vị liên
quan dự trù kinh phí hoạt động hàng năm của Tổ giúp việc
trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ
đạo về phòng, chống rửa tiền quyết định, Văn phòng Cơ quan Thanh tra, giám sát
ngân hàng có trách nhiệm quản lý kinh phí và đảm bảo các điều kiện làm việc cho
Tổ giúp việc theo quy định hiện hành.
Điều 11. Tổ chức
thực hiện
1. Tổ trưởng, Tổ
phó, Trưởng nhóm công tác, thành viên Tổ giúp việc, Đơn vị
thường trực của Tổ giúp việc và các đơn vị liên quan chịu
trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại Quy chế này.
2. Thủ trưởng các đơn vị có cán bộ,
công chức được điều động tham gia Tổ giúp việc có trách nhiệm sắp xếp, ưu tiên,
tạo điều kiện để cán bộ thực hiện nhiệm vụ của Tổ giúp việc trong thời gian quy
định tại Quyết định số 623/QĐ-NHNN ngày 08/04/2021.
3. Trong quá trình thực hiện Quy chế
này, nếu có vướng mắc nảy sinh, Tổ giúp việc báo cáo, đề xuất kịp thời với Thống đốc để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.