Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 583/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 583/QĐ-TTg
Ngày ban hành 26/05/2023
Ngày có hiệu lực 26/05/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Lê Minh Khái
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 583/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 26 tháng 5 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU GẠO CỦA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1467/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1684/QĐ-TTg ngày 30 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”;

Căn cứ Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sơn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Tờ trình số 8509/TTr-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2022,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 (dưới đây viết tắt là Chiến lược) với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM CHIẾN LƯỢC

1. Nâng cao hiệu quả và xuất khẩu gạo bền vững, giảm về lượng và tăng về chất, duy trì ổn định, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ gạo, góp phần tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân, nâng cao thu nhập của người nông dân, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh lương thực trong nước, bảo vệ mới trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

2. Phát triển thị trường xuất khẩu gạo theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về kinh tế và hợp tác quốc tế về đầu tư sản xuất, chế biến, xuất khẩu gạo; khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Xuất khẩu gạo gắn với phát triển gạo có thương hiệu, nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam rice trên thị trường thế giới, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với xu hướng nhu cầu, yêu cầu, thị hiếu tiêu thụ của từng thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo Việt Nam, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng ngành sản xuất gạo của đất nước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, lấy năng suất, chất lượng là tiêu chí hàng đầu.

4. Cụ thể hóa và gắn với việc thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chiến lược Hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030; Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

- Phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển.

- Gắn thị trường xuất khẩu với sản xuất trong nước theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm gạo xuất khẩu; tăng cường đưa sản phẩm gạo Việt Nam và các mặt hàng chế biến từ gạo vào các kênh phân phối trực tiếp tại các thị trường; xuất khẩu gạo và các mặt hàng chế biến từ gạo có chất lượng cao và giá trị cao, nâng cao giá trị, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu bền vững, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tăng giá trị gia tăng, nâng cao giá trị gạo xuất khẩu, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỷ USD, giảm khối lượng nên nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân giai đoạn 2023 - 2025 giảm khoảng 2,4% và giai đoạn 2026 - 2030 giảm khoảng 3,6%,

b) Chuyển dịch cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu

[...]