Quyết định 5817/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt quy hoạch tổng thể ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đến năm 2020 do thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 5817/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/08/2010
Ngày có hiệu lực 04/08/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Văn Minh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5817 /QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngaỳ 04 tháng 8 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ NGÀNH LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị quyết số 66/2008/NQ-HĐND ngày 03 tháng 7 năm 2008 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng khoá VII, nhiệm kỳ 2004-2009, kỳ họp thứ 11 về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 với các nội dung như sau:

I. Quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển

1. Quan điểm

- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo nghề và các công trình hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học, cơ sở y tế, văn hoá, thể thao..., nhằm tạo điều kiện cải thiện đời sống cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, lao động thuộc diện di dời, giải toả.

- Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực giảm nghèo bền vững, giảm bớt chênh lệch mức sống giữa các nhóm dân cư. Xem công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm là nhiệm vụ then chốt của ngành để giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

- Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với người có công với đất nước.

- Đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, trong đó xác định rõ vai trò của nhà nước, của cộng đồng, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân và vai trò hợp tác quốc tế trong giải quyết các vấn đề xã hội.

- Xây dựng và phát triển ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có tính chuyên nghiệp, hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với các hoạt động quản lý nhà nước về Lao động - Thương binh và Xã hội trên địa bàn.

2. Định hướng

- Ưu tiên phát triển đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của thành phố. Phát triển mạnh đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn; vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất; con, em gia đình chính sách để có nhiều cơ hội việc làm, chuyển đổi cơ cấu lao động.

- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu “có việc làm” trong Chương trình “3 có” của thành phố, nhằm nâng cao chất lượng việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt đối với tất cả các chương trình phát triển KT-XH thành phố. Đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động, thông qua đào tạo để đưa lao động có tay nghề và chuyên gia xuất khẩu lao động là chủ yếu. Tập trung đầu tư, phát triển các hoạt động thông tin, dự báo thị trường lao động.

- Tiếp tục duy trì mục tiêu “không có hộ đói”, “không có hộ đặc biệt nghèo” theo nội dung Chương trình “thành phố 5 không” mới trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về hạ tầng phục vụ sản xuất, đất đai, tín dụng, đào tạo nghề, tạo việc làm. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tính tự lực của các hộ nghèo để vươn lên thoát nghèo, khá giả.

- Phát triển mạnh các hoạt động an sinh xã hội; thực hiện tốt các chính sách xã hội, vận động toàn dân tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với đất nước, đảm bảo đời sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú; đẩy mạnh các hoạt động từ thiện, nhân đạo để hỗ trợ những người yếu thế, nghèo khó trong xã hội, tạo thuận lợi cho họ tự vươn lên hoà nhập cộng đồng.

- Thực hiện các quyền trẻ em, đảm bảo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện; ngăn chặn và đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em.

- Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý; đảm bảo người nghiện ma tuý được cai nghiện, gái mại dâm được giáo dục, chữa trị phục hồi sức khoẻ và hành vi nhân cách; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm sau cai nghiện, chữa trị, giáo dục đối với các đối tượng này.

3. Mục tiêu phát triển

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị; tăng cường công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia; xây dựng mối quan hệ hài hoà, tiến bộ giữa doanh nghiệp và người lao động; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, lao động; nâng cao đời sống người có công với đất nước; giảm nghèo bền vững; mở rộng lưới an sinh xã hội; bảo vệ và chăm sóc trẻ em; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma tuý, góp phần giữ vững ổn định chính trị và an toàn xã hội, đáp ứng các nhiệm vụ phát triển KT-XH, phát triển thành phố Đà Nẵng thành đô thị văn minh, hiện đại.

II. Quy hoạch phát triển và giải pháp cho các lĩnh vực của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đến năm 2020

1. Lao động, việc làm

a) Mục tiêu

[...]