Quyết định 581/QĐ-UBND-HC năm 2015 thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Số hiệu 581/QĐ-UBND-HC
Ngày ban hành 24/06/2015
Ngày có hiệu lực 24/06/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Tháp
Người ký Nguyễn Văn Dương
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 581/QĐ-UBND-HC

Đồng Tháp, ngày 24 tháng 06 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA, CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp như sau:

1. Các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Tỉnh;

2. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố;

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;

4. Ban Quản lý Khu kinh tế Tỉnh và các cơ quan của Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt trên địa bàn tỉnh.

5. Các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, tuyến huyện trên địa bàn tỉnh.

Các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc Ủy ban nhân dân Tỉnh có các thủ tục hành chính liên quan đến cá nhân, tổ chức được áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại đơn vị theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ và quy định này.

Điều 2. Lĩnh vực thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông

1. Cơ chế một cửa được áp dụng trong việc giải quyết các lĩnh vực, công việc có liên quan trực tiếp đến cá nhân, tổ chức theo các Quyết định công bố thủ tục hành chính được cấp có thẩm quyền ban hành thuộc trách nhiệm giải quyết của một trong các cơ quan quy định tại Điều 1 của Quyết định này.

2. Cơ chế một cửa liên thông được áp dụng trong giải quyết các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: Đầu tư; đất đai; đăng ký kinh doanh; cấp giấy phép xây dựng; tư pháp; lao động, thương binh và xã hội và các lĩnh vực khác thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan hành chính nhà nước.

Điều 3. Quy định chuyển tiếp

1. Các cơ quan, địa phương đang thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chuyển ngay sang thực hiện theo Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định này.

2. Các cơ quan chủ trì thực hiện cơ chế một cửa liên thông quy định tại Điều 2 Quyết định này chủ động xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để triển khai thực hiện hoặc tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành quy chế phối hợp thực hiện.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan thuộc huyện và giữa cấp huyện với cấp xã trong giải quyết công việc thuộc thẩm quyền giải quyết theo cơ chế một cửa liên thông.

4. Để thống nhất trong triển khai thực hiện quy trình thực hiện cơ chế một cửa tại địa phương khi chưa thành lập trung tâm hành chính tập trung: Ủy ban nhân dân Tỉnh quy định công chức tiếp nhận hồ sơ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chỉ được trực tiếp giải quyết các thủ tục đơn giản (như thủ tục xác nhận: đơn xin việc làm, nơi thường trú, sơ yếu lý lịch và các xác nhận khác tại Ủy ban nhân dân cấp xã). Việc giải quyết các thủ tục hành chính khác phải tách biệt giữa bộ phận tiếp nhận hồ sơ và bộ phận chuyên môn giải quyết hồ sơ trong quy trình thực hiện cơ chế một cửa.

Đối với quy trình thực hiện cơ chế một cửa liên thông: cơ quan chủ trì giải quyết thủ tục hành chính và các cơ quan phối hợp có thể cùng song song giải quyết các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền nếu kết quả giải quyết của thủ tục hành chính này không làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết của các thủ tục hành chính khác đang được liên thông.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông

1. Trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông

a) Bố trí và phân công công chức hoặc viên chức (đối với đơn vị sự nghiệp) đủ năng lực và phẩm chất đạo đức, có khả năng giao tiếp tốt với tổ chức, công dân làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Thực hiện chế độ hỗ trợ cho công chức, viên chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo quy định.

b) Ban hành Quy chế hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; phân định rõ thời hạn tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết hồ sơ giữa các bộ phận có liên quan đối với từng lĩnh vực, công việc.

c) Triển khai thực hiện việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi để xảy ra sai sót, quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

[...]