Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 58/2003/QĐ-TTg sửa đổi Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 58/2003/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/04/2003
Ngày có hiệu lực 22/05/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 58/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 4 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 58/2003/QĐ-TTG NGÀY 17 THÁNG 4 NĂM 2003 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH BIA - RƯỢU - NƯỚC GIẢI KHÁT VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công nghiệp, giai đoạn 2003-2005;
Xét đề nghị của Bộ Công nghiệp tại Tờ trình số 1243/TTr-KHĐT ngày 02 tháng 4 năm 2003 về việc sửa đổi, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2010.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt sửa đổi bổ sung Quy hoạch tổng thể và một số giải pháp phát triển ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam đến năm 2010, với những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

- Xây dựng ngành Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam thành một ngành kinh tế mạnh. Sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước để phát triển sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, đa dạng hoá về chủng loại, cải tiến bao bì, mẫu mã; phấn đấu hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước và có sản phẩm xuất khẩu, tăng nguồn thu ngân sách, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới.

- Xây dựng Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn thành hai Tổng công ty mạnh, giữ vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp sản xuất bia và rượu; làm nòng cốt trong sản xuất nước giải khát chất lượng cao.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất nước giải khát đạt chất lượng cao từ nguyên liệu trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

2. Định hướng phát triển:

a) Về công nghệ, thiết bị: Hiện đại hoá công nghệ, từng bước thay thế công nghệ, thiết bị hiện có bằng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại của thế giới, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn về sinh thực phẩm, môi trường theo quy định của Việt Nam và quốc tế để sản phẩm có khả năng cạnh tranh ngày càng cao trên thị trường trong và ngoài nước.

b) Về đầu tư: Tập trung đầu tư các nhà máy có công suất lớn; phát huy tối đa năng lực của các cơ sở sản xuất có thiết bị và công nghệ tiên tiến; đồng thời tiến hành đầu tư mở rộng năng lực của một số nhà máy hiện có. Đa dạng hoá hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, khuyến khích huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong nước, phát hành trái phiếu, cổ phiếu; đẩy mạnh việc cổ phần hoá đối với những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn.

c) Về nghiên cứu khoa học và đào tạo: Quy hoạch và xây dựng các phòng thí nghiệm, Trung tâm nghiên cứu; triển khai thực nghiệm gắn với việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; đồng thời quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học, công nhân kỹ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu

a) Về bia:

- Sản lượng:

Năm 2005: 1.200 triệu lít;

Năm 2010: 1.500 triệu lít.

- Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội và Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn phải vươn lên giữ vai trò chủ chốt trong việc nâng uy tín thương hiệu bia Việt Nam, đảm bảo sản xuất và tiêu thụ đạt tỷ trọng từ 60% đến 70% thị phần trong nước và hướng tới xuất khẩu.

- Tập trung đầu tư các nhà máy công suất lớn, sản xuất kinh doanh hiệu quả, quản lý chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng, giá thành được người tiêu dùng chấp nhận, cụ thể:

+ Xây dựng mới 01 nhà máy bia tại Củ Chi thuộc Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn với công suất 100 triệu lít/năm (giai đoạn 2002-2005) và có khả năng mở rộng lên 300 triệu lít/năm trong những năm tiếp theo.

+ Xây dựng mới 01 nhà máy bia thuộc Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội với công suất 100 triệu lít/năm và có khả năng mở rộng lên 200 triệu lít/năm vào những năm tiếp theo.

- Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: thực hiện theo đúng giấy phép đầu tư, tập trung khai thác đủ công suất thiết kế đã được phê duyệt. Trong những năm tới, chưa xem xét cấp giấy phép thành lập liên doanh mới hoặc tăng năng lực sản xuất của các cơ sở hiện có.

b) Về rượu:

- Sản lượng:

Năm 2005: 250 triệu lít;

Năm 2010: 300 triệu lít;

[...]