Quyết định 570/QĐ-UBND năm 2015 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hưng Yên

Số hiệu 570/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/03/2015
Ngày có hiệu lực 03/03/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hưng Yên
Người ký Doãn Thế Cường
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 570/QĐ-UBND

Hưng Yên, ngày 03 tháng 3 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH HƯNG YÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý; số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 08/2008/TTLT-BTP-BNV ngày 07/11/2008 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 08/TTr-SNV ngày 09/01/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí, chức năng

1. Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Hưng Yên (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp Hưng Yên, có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người nghèo, người có công với cách mạng và một số đối tượng khác theo quy định của pháp luật; giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; góp phần vào việc phổ biến, giáo dục pháp luật, giải quyết các vướng mắc, tranh chấp pháp luật theo quy định; bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa, hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật.

2. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng được mở tại Kho bạc nhà nước theo quy định của pháp luật. Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước của Sở Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp.

3. Trụ sở của Trung tâm: Số 19, đường An Vũ, phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm của Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm thực hiện việc xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý dài hạn và hàng năm ở địa phương, trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đó.

2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Thực hiện tư vấn pháp luật, cử người tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác cho người được trợ giúp pháp lý theo các lĩnh vực trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý.

b) Thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động và các hoạt động trợ giúp pháp lý khác quy định tại các Điều 35, 36, 37, 40, 41 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP và Khoản 13, 14, 15 Điều 01 Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ; chịu trách nhiệm và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho nhân dân;

c) Quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho các Chi nhánh; hướng dẫn hoạt động đối với các Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý khác;

d) Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và các Chi nhánh; hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

đ) Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và các Chi nhánh;

e) Quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và các cán bộ khác của Trung tâm và các Chi nhánh theo thẩm quyền.

3. Đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý; thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý; phối hợp với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác để xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện trợ giúp pháp lý của trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và các Chi nhánh.

5. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm gây ra trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý.

6. Giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; giải quyết tranh chấp về trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền.

7. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật theo quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành.

[...]