Quyết định 57/QĐ-UBND về Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Kạn năm 2023

Số hiệu 57/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/01/2023
Ngày có hiệu lực 13/01/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đinh Quang Tuyên
Lĩnh vực Đầu tư

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 13 tháng 01 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH BẮC KẠN NĂM 2023

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Công văn số 3289/BKHĐT-ĐTNN ngày 19/5/2022 và Công văn số 9174/BKHĐT-ĐTNN ngày 16 tháng 12 năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2023;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 02/TTr-SKHĐT ngày 06/01/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình Xúc tiến đầu tư tỉnh Bắc Kạn năm 2023.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Bắc Kạn, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Bắc Kạn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Quang Tuyên

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH BẮC KẠN NĂM 2023
(Kèm theo Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 13/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH BẮC KẠN NĂM 2023

1. Đánh giá sơ bộ hoạt động xúc tiến đầu tư năm 2022

Năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã mạnh dạn mở cửa, nới lỏng các chính sách tiền tệ, song do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ucraina tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến lạm phát, suy giảm thương mại đầu tư, cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19, giá dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh khiến nền kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo trước đó. Trong nước, nền kinh tế được mở cửa trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; các hoạt động văn hóa - xã hội dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng, dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Trước diễn biến trên, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc phương châm hành động năm 2022 của Chính phủ “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển” và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, ban hành chương trình hành động thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2022 và các giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về cơ chế chính sách phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp, du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh đã có nhiều cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để quảng bá, kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực của tỉnh như: Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam, Hiệp hội Mác Ca, Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp, Văn phòng cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam...

Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư từ bước khảo sát vị trí, tìm kiếm địa điểm đầu tư, làm thủ tục thành lập doanh nghiệp đến hỗ trợ trình tự thủ tục cấp chủ trương đầu tư và giải quyết thủ tục hành chính sau khi chấp thuận chủ trương như: Đất đai, môi trường, cấp phép xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các ưu đãi đầu tư,... sớm đưa dự án vào sản xuất kinh doanh, cùng với đó là tiếp nhận các ý kiến, phản ánh kiến nghị và những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã để tổng hợp, theo dõi và tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Với những giải pháp quyết liệt của tỉnh, năm 2022 tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư 11 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Lũy kế đến nay cả tỉnh thu hút được 177 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 18.500 tỷ đồng (trong đó có 14 dự án trong khu công nghiệp, 163 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp và có 640 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp (trong đó có 102 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 1.079,5 tỷ đồng, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 16 chi nhánh; văn phòng đại diện: 02; địa điểm kinh doanh doanh: 76; cấp thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh 381 hồ sơ; 58 doanh nghiệp tạm ngừng; 05 doanh nghiệp giải thể), nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 1.187 doanh nghiệp. Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đang hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh Hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích Quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn và các quy hoạch liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, triển khai các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư ngoài ngân sách để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đang quyết liệt triển khai khởi công tất cả các dự án trọng điểm, quan trọng có tính lan tỏa trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như: Quốc lộ 3 mới đoạn Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn; tuyến đường Khang Ninh - Quảng Khê; cải tạo, nâng cấp đường giao thông khu vực xung quang hồ Ba Bể... đặc biệt phấn đấu hoàn thành tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể trong năm 2023 để tạo động lực phát triển du lịch, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể.

Có thể nói, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên với quyết tâm của tỉnh về thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 27/4/2022 (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), tỉnh Bắc Kạn xếp thứ 48/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2020; các hoạt động sản xuất kinh doanh đã hồi phục sau dịch Covid-19; các doanh nghiệp, nhà đầu tư tin tưởng và cam kết đầu tư, đồng hành cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thu hút đầu tư của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; công tác quảng bá, xúc tiến chưa được thường xuyên, liên tục; hình thức quảng bá chưa phong phú; việc huy động các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa tập trung cho xúc tiến đầu tư chưa cao...; chưa đẩy mạnh việc thực hiện thủ tục cải cách hành chính trên môi trường điện tử để nâng cao tính công khai, minh bạch, tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có xuất phát điểm thấp, chưa có nhiều tiềm năng, lợi thế so với các tỉnh bạn, cơ sở hạ tầng kết nối đặc biệt hạ tầng giao thông đang trong quá trình hoàn thiện; việc triển khai thực dự án đầu tư còn chậm do chờ các quy hoạch liên quan được phê duyệt; mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn bị tác động, ảnh hưởng lớn.

[...]