Quyết định 57/2019/QĐ-UBND sửa đổi Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam kèm theo Quyết định 03/2018/QĐ-UBND
Số hiệu | 57/2019/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 31/12/2019 |
Ngày có hiệu lực | 10/01/2020 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Hà Nam |
Người ký | Bùi Quang Cẩm |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 57/2019/QĐ-UBND |
Hà Nam, ngày 31 tháng 12 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG VÀ LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 03/2018/QĐ-UBND NGÀY 06/02/2018 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ngày 18 tháng 11 năm 2016;
Căn cứ Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội;
Căn cứ Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh Hà Nam ban hành kèm theo Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND ngày 06/02/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam như sau:
1. Khoản 1, Điều 10 được sửa đổi như sau:
“1. Trước khi tổ chức lễ hội, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội phải thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ- CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
a) Lễ hội phải đăng ký với Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi tổ chức gồm:
- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp tỉnh được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên;
- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có nhiều huyện, thị xã, thành phố tham gia tổ chức (gọi chung là lễ hội cấp tỉnh) được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên.
b) Lễ hội phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi tổ chức gồm:
- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp huyện được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn 02 năm trở lên.
- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có nhiều xã thuộc một huyện, thị xã, thành phố tham gia tổ chức (gọi chung là lễ hội cấp huyện) được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn từ 02 năm trở lên.
- Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp xã được tổ chức lần đầu hoặc khôi phục sau thời gian gián đoạn 02 năm trở lên.
- Lễ hội truyền thống cấp huyện, cấp xã được tổ chức hàng năm nhưng có thay đổi về cách thức tổ chức, nội dung, địa điểm so với truyền thống.
c) Thông báo tổ chức lễ hội
Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được tổ chức hàng năm phải thông báo với Ủy ban nhân dân cùng cấp trước khi tổ chức lễ hội.”
2. Ý thứ nhất, Điểm b, Khoản 2, Điều 10 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“- Xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức và điều hành lễ hội. Quản lý, điều hành lễ hội theo đúng chương trình đã đăng ký hoặc thông báo; Hướng dẫn nhân dân thực hiện các nghi lễ truyền thống của lễ hội; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo trật tự an toàn, an ninh trong lễ hội; thông báo số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tham gia lễ hội.”
3. Khoản 1, Điều 11 được sửa đổi như sau:
“1. Việc tổ chức lễ hội thực hiện theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.
a) Việc tổ chức lễ hội phải an toàn, tiết kiệm, không phô trương hình thức, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phong tục, tập quán của từng địa phương.