ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
54/2012/QĐ-UBND
|
Bình Thuận,
ngày 10 tháng 12 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ
XÂY DỰNG CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ KHU DU LỊCH VEN BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm
2003; Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07
tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô
thị;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24
tháng 11 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 20/2009/NĐ-CP ngày 23
tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và
các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam;
Căn cứ Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06
tháng 11 năm 2001 của Bộ Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn về hướng dẫn thực
hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số
186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ;
Căn cứ Chỉ thị số 13/2006/CT-BXD ngày 23
tháng 11 năm 2006 của Bộ Xây dựng về tăng cường quản lý chất lượng công trình của
chủ đầu tư là tư nhân và Chỉ thị số 02/2007/CT-BXD của Bộ Xây dựng ngày 07
tháng 02 năm 2007 về việc đẩy mạnh công tác cấp giấy phép xây dựng và tăng cường
quản lý trật tự xây dựng;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định các vấn đề liên
quan đến quản lý xây dựng các dự án đầu tư khu du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh
Bình Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định
số 681/QĐ-UBND ngày 11 tháng 3 năm 2008, Quyết định số 3124/QĐ-UBND ngày 14
tháng 11 năm 2008 của UBND tỉnh Bình Thuận về việc quy định các vấn đề liên
quan đến quản lý xây dựng của các công trình trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng,
Giám đốc Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở
Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển, thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị, tổ chức liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Tiến Phương
|
QUY ĐỊNH
CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ XÂY DỰNG CÁC CÔNG TRÌNH DU
LỊCH VEN BIỂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 54/2012/QĐ-UBND ngày 10/12/2012 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích và yêu cầu
1. Bảo vệ cảnh quan, không gian kiến trúc khu vực
ven biển được quy hoạch là khu dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh.
2. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân (dưới
đây gọi chung là chủ đầu tư) thực hiện việc lập thủ tục đầu tư xây dựng các
công trình nhanh chóng, thuận tiện.
3. Đảm bảo quản lý việc xây dựng theo đúng quy định
của pháp luật có liên quan; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, bảo tồn
các di tích lịch sử, văn hóa và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác; sử dụng
hiệu quả đất đai xây dựng công trình.
4. Làm căn cứ để lập hồ sơ thiết kế xây dựng
công trình, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng, cấp giấy phép xây dựng công
trình và đăng ký cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Áp dụng đối với các dự án
khu du lịch ven biển xây dựng tại những khu vực chưa có quy hoạch xây dựng được
duyệt trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Những nơi đã có quy hoạch xây dựng hoặc quy
hoạch đô thị được duyệt thì thực hiện theo quy hoạch.
2. Không áp dụng cho các công trình dịch vụ (nhà
hàng, khách sạn …) đơn lẽ được chấp thuận đầu tư và nhà ở nhân dân (nếu có)
trong khu vực.
Điều 3. Phạm vi điều chỉnh
1. Tất cả các công trình khu du lịch ven biển
khi lập hồ sơ thiết kế và xin phép xây dựng phải thực hiện theo Quy định này.
2. Các dự án, công trình đã được cơ quan thẩm quyền
cấp phép xây dựng và đã xây dựng theo giấy phép được cấp trước đây không phù hợp
với quy định tại quyết định này thì được phép tồn tại; khi có nhu cầu sửa chửa,
cải tạo, nâng cấp phải thực hiện theo Quy định này.
Chương II
NỘI DUNG QUY ĐỊNH CÁC VẤN
ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ XÂY DỰNG
Điều 4. Quy định về chỉ giới
xây dựng
Đối với những khu vực có quy hoạch xây dựng, quy
hoạch đô thị thì thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đối với những khu
vực chưa có quy hoạch được phê duyệt thì thực hiện theo quy định như sau:
1. Chỉ giới xây dựng theo các tuyến đường:
a) Quốc lộ: cách tim đường tối thiểu là 34m;
hàng rào được phép xây dựng tại ranh giao đất.
b) Tỉnh lộ: cách tim đường tối thiểu là 28m;
hàng rào được phép xây dựng tại ranh giao đất.
c) Huyện lộ và các tuyến đường ven biển khác:
cách tim đường tối thiểu là 21,5m; hàng rào được phép xây dựng tại ranh giao đất.
d) Việc đấu nối lối vào đường
quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải có sự thỏa thuận, chấp thuận thiết kế kỹ thuật,
cấp phép thi công của cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền.
2. Chỉ giới xây dựng phía tiếp giáp biển
a) Tại những vị trí đã có kè bảo vệ bờ biển:
Xây dựng cách mép trong đỉnh kè tối thiểu là 15m
(thực hiện theo quyết định số 27/2004/QĐ-UBBT ngày 14 tháng 4 năm 2004 của UBND
tỉnh Bình Thuận về việc quy định quản lý, sử dụng, bảo vệ công trình kè bảo vệ
bờ biển Hàm Tiến - Mũi Né, thành phố Phan Thiết);
b) Tại những vị trí chưa có kè bảo vệ bờ biển:
Các hạng mục công trình xây dựng cách ranh giao
đất phía biển tối thiểu là 5m theo phương vuông góc.
3. Chỉ giới xây dựng tiếp
giáp với ranh dự án khác: công trình xây dựng cách ranh giao đất tối thiểu là
3m
Điều 5. Quy định về mật độ
xây dựng
Mật độ xây dựng là tỷ lệ diện tích chiếm đất của
các công trình kiến trúc trên diện tích khu đất; trường hợp dự án có các ô đất
không liền kề nhau (cách nhau bởi tuyến đường, sông, suối,…) thì mật độ xây dựng
được tính cho từng ô đất của dự án; việc xây dựng trên diện tích đất lâm nghiệp,
đất có rừng trồng, rừng tự nhiên phải phù hợp với quy định tại điểm 6, Mục II,
Thông tư 99/2006/TT-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mật
độ xây dựng tối đa là 25%.
Điều 6. Quy định về chiều
cao công trình
1. Đối với khu vực phía biển:
a) Trong phạm vi 20m từ chỉ giới xây dựng phía
trục đường chính của khu vực hướng ra biển: Được phép xây dựng công trình có
chiều cao tối đa là 10,5m (tính từ cao trình tim đường đến cao trình đỉnh mái
cao nhất);
b) Trong phạm vi 50m từ chỉ giới xây dựng phía
biển hướng vào trục đường chính của khu vực:
- Tại vị trí đã có kè bảo vệ bờ biển: được phép
xây dựng công trình có chiều cao tối đa là 10,5m (tính từ cao trình nền tầng trệt
đến cao trình đỉnh mái cao nhất);
- Tại vị trí chưa có kè bảo vệ bờ biển: nhằm đảm
bảo khi thiên tai gây ra không làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của du
khách trước kịch bản khí hậu; quy định từ chỉ giới xây dựng phía biển hướng vào
trục đường chính của khu vực 20m chỉ cho phép xây dựng các công trình phụ trợ
như: hồ bơi, nhà hàng, massage,… Trong khoảng đất còn lại được phép xây dựng
công trình phục vụ ngủ nghỉ với chiều cao tối đa là 10,5m (tính từ cao trình nền
tầng trệt đến cao trình đỉnh mái cao nhất);
c) Trong khoảng đất còn lại: được phép xây dựng
công trình có chiều cao tối đa là 15m (tính từ cao trình nền tầng trệt đến cao
trình đỉnh mái cao nhất). Trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu xây dựng công trình
cao hơn 15m để tạo điểm nhấn; tùy theo khu vực dự án, giao Sở Xây dựng xem xét
tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định nhưng phải đảm bảo diện tích xây dựng
công trình này không được vượt quá 2% diện tích của khoảng đất này.
2. Đối với khu vực phía đồi:
a) Trong phạm vi 20m từ chỉ giới xây dựng phía
trục đường chính của khu vực hướng vào đồi: Được phép xây dựng công trình có
chiều cao tối đa là 10,5m (tính từ cao trình tim đường đến cao trình đỉnh mái
cao nhất).
b) Trong phạm vi còn lại: không giới hạn chiều
cao công trình.
3. Ngoài ra các dự án, công trình khi xây dựng còn
phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 20/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm
2009 của Chính phủ về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa
quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.
Điều 7. Quy định về tỷ lệ
cây xanh
Tỷ lệ cây xanh chiếm tối thiểu 50% so với diện
tích đất của dự án (bao gồm cây xanh trên vỉa hè, lối đi, bãi đỗ xe,…).
Điều 8. Quy định về bố trí
công trình tại mặt chính của dự án
Bố trí các công trình xây dựng (trong phạm vi
20m tính từ chỉ giới xây dựng) quay ra trục giao thông chính của khu vực theo
phương song song với đường (mặt tiền của dự án) tổng chiều ngang công trình
không được vượt quá 50% so với chiều ngang lô đất, kể cả công trình hợp khối.
Điều 9. Một số quy định khác
Nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình xây dựng,
khai thác và sử dụng công trình chủ đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau:
- Ranh giới giữa các dự án được phép xây dựng
hàng rào kiên cố; ranh đất phía biển và ranh đất đường không được phép xây dựng
hàng rào đặc, kín;
- Khu vực đỗ xe phải bố trí trong khuôn viên khu
đất của dự án;
- Hệ thống và công trình xử lý nước thải phải bố
trí trong khuôn viên khu đất của dự án. Việc đấu nối vào hệ thống chung của khu
vực phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý xả thải;
- Chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định về bảo vệ
các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung như: công trình giao thông, điện,
thông tin liên lạc, cấp thoát nước …,
Điều 10. Phân giao nhiệm vụ
Ngoài nội dung đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao
nhiệm vụ tại Quyết định số 13/2010/QĐ-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2010; các đơn vị
còn phải thực hiệm một số nhiệm vụ bổ sung như sau:
- Sở Giao thông vận tải: hướng dẫn cụ thể về việc
thực hiện Nghị định 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ,
Thông tư số 39/2011/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải cho các chủ đầu tư khi
xây dựng các dự án trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường
khác do địa phương quản lý;
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: định vị
rõ vị trí xây dựng kè bảo vệ bờ biển; cung cấp vị trí và diện tích rừng (nếu
có) liên quan đến các dự án đã được chấp thuận đầu tư làm cơ sở cho việc giao đất
và cấp phép xây dựng;
- Sở Tài nguyên và Môi trường: xác định, bàn
giao cụ thể tọa độ các điểm mốc khu đất trên thực địa để làm cơ sở cho việc quản
lý, sử dụng đất của chủ đầu tư.
Các sở, ngành và địa phương có liên quan căn cứ
theo chức năng nhiệm vụ được phân công, phối hợp các sở, ngành và địa phương
nêu trên tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án thực hiện đầu tư và đưa công
trình vào hoạt động thuận lợi./.