Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 5349/QĐ-BNN-TCCB năm 2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng, chống thiên tai do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 5349/QĐ-BNN-TCCB
Ngày ban hành 15/12/2014
Ngày có hiệu lực 15/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5349/QĐ-BNN-TCCB

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRỰC THUỘC TỔNG CỤC THỦY LỢI

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 58/2014/QĐ-TTg ngày 22/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Xet đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi tại văn bản số 1524/TCTL-VP ngày 20/11/2014 về ban hành Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phòng, chống thiên tai;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Cục Phòng, chống thiên tai là tổ chức trực thuộc Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi quản lý nhà nước chuyên ngành và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo phân cấp, ủy quyền của Tổng cục trưởng.

2. Cục Phòng, chống thiên tai có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có kinh phí hoạt động theo quy định của pháp luật.

3. Trụ sở của Cục đặt tại thành phố Hà Nội.

4. Tên giao dịch tiếng Anh: Department of Natural Disaster Prevention and Control; viết tắt DNDPC.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi:

a) Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án phán lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định của Chính phủ; cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về phòng, chống thiên tai theo phân công của Tổng cục trưởng;

b) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, trung hạn, hàng năm; các chương trình, dự án, đề án, công trình thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công của Tổng cục trưởng;

c) Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công của Tổng cục trưởng;

d) Kế hoạch đầu tư, xây dựng công trình phòng, chống thiên tai theo phân công của Tổng cục trưởng;

đ) Quy định việc thống kê, đánh giá; báo cáo tổng hợp, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra trong phạm vi cả nước;

e) Phương án xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển do thiên tai gây ra; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống sạt lở theo phân công của Tổng cục trưởng;

g) Biện pháp huy động nguồn lực, vật tư, phương tiện để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.

2. Ban hành văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc phạm vi quản lý của Cục.

3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục.

4. Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án thuộc phạm vi quản lý của Cục.

5. Thực hiện nhiệm vụ Văn phòng thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.

6. Hướng dẫn và tổ chức xây dựng phương án ứng phó tương ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai; xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp quốc gia.

[...]