Quyết định 5075/QĐ-BYT năm 2007 về Hướng dẫn chẩn đoán người nghiện ma tuý nhóm Opiats (chất dạng thuốc phiện) do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 5075/QĐ-BYT
Ngày ban hành 12/12/2007
Ngày có hiệu lực 27/12/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Xuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 5075/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH "HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN NGƯỜI NGHIỆN MA TUÝ NHÓM OPIATS (CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN)"

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 49/2005/QĐ-TTg ngày 10/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ v/v phê duyệt "Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma tuý đến năm 2010";

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Điều trị - Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán người nghiện ma tuý nhóm Opiats (chất dạng thuốc phiện)".

Điều 2. Hướng dẫn chẩn đoán người nghiện ma tuý nhóm Opiats (chất dạng thuốc phiện)" là tài liệu hướng dẫn thực hiện chuyên môn, kỹ thuật; được áp dụng thực hiện tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở điều trị cai nghiện ma tuý có đủ điều kiện theo quy định trong bản Hướng dẫn này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành

Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Điều trị, Chánh Thanh tra và các Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc viện, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng y tế ngành, người đứng đầu các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở điều trị cai nghiện ma tuý chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

 

PHỤ LỤC I

TƯƠNG TÁC THUỐC CÓ THỂ XẢY RA VỚI METHADONE

Nhóm thuốc

Thuốc

Trạng thái tương tác

Tác dụng

Cơ chế

 

Rượu

Quan trọng về mặt lâm sàng

Làm tăng tác dụng an thần và suy giảm hô hấp.

Khi dùng phối hợp còn có thể làm tăng nguy cơ độc tính với gan.

Do làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương.

Kháng viurs

Nevirapine Efavirenz

Rất quan trọng về mặt lâm sàng

Giảm nồng độ methadone

Tăng chuyển hóa methadone

Abacavir

Quan trọng về mặt lâm sàng

Có thể làm giảm nồng độ methadone trong huyết tương

Tăng chuyển hóa methadone

Lopinavir/Ritonavir

Quan trọng về mặt lâm sàng

Có thể làm giảm nồng độ methadone trong huyết tương

Tăng chuyển hóa methadone

Nelfinavir

Quan trọng về mặt lâm sàng

Có thể làm giảm nồng độ methadone trong huyết tương

Tăng chuyển hóa methadone

Saquinavir

Quan trọng về mặt lâm sàng

Có thể làm giảm nồng độ methadone trong huyết tương

Tăng chuyển hóa methadone

Kháng khuẩn

Rifampicin

Rất quan trọng. Hầu như phần lớn người bệnh đều bị ảnh hưởng

Giảm nồng độ methadone

Rifampicin kích thích các men gan tham gia trong quá trình chuyển hóa methadone

Rifabutin

Đôi khi quan trọng về mặt lâm sàng

Giảm nồng độ methadone

Tăng chuyển hóa methadone

Chống nấm

Ketoconazole, fuconazole

Quan trọng về mặt lâm sàng

Tăng nồng độ methadone

Giảm chuyển hóa methadone

Chống trầm cảm

Chống trầm cảm ba vòng

Quan trọng về mặt lâm sàng

Tăng cường tác dụng an thần tùy thuộc vào liều dùng

Do làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương

Fluoxetine Sertraline

Có thể quan trọng về mặt lâm sàng

Tăng nồng độ methadone nhưng không đáng kể như với fluvoxamine

Giảm chuyển hóa methadone

Fluvoxamine

Rất quan trọng về mặt lâm sàng

Tăng nồng độ methadone trong huyết tương

Giảm chuyển hóa methadone

Chống động kinh

Carbamazepine, Sodium valproate

Quan trọng về mặt lâm sàng

Làm giảm nồng độ methadone

Do Carbamazepine kích thích các men gan tham gia trong quá trình chuyển hóa methadone

Phenytoin

Quan trọng về mặt lâm sàng

Giảm nồng độ methadone

Phenytoin kích thích các men gan tham gia trong quá trình chuyển hóa methadone

Thuốc an thần kinh

Thioridazine

Quan trọng về mặt lâm sàng

Tăng cường tác dụng an thần tùy thuộc vào liều dùng

Do làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương.

Chủ vận morphine

Pentazocine

 

Tác động đối vận hoặc tăng cường tác dụng buồn ngủ và suy hô hấp

Pentazocine là thuốc đồng vận bán phần với thụ thể của opioid, tác dụng đối vận yếu

Ức chế hệ thần kinh trung ương

Zopiclone

Quan trọng về mặt lâm sàng

Tăng tác dụng an thần và suy gảm hô hấp

Do làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương.

Thuốc giải lo âu

Benzodiazepines

Quan trọng về mặt lâm sàng

Làm tăng tác dụng an thần

Do làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương.

 

PHỤ LỤC 2

HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY NHÓM OPIATS (CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN)
(Ban hành kèm theo Quyết định số 5075/QĐ-BYT ngày 12 tháng 12 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. KHÁI NIỆM

1. Chất ma túy là các chất gây nghiện được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

Chất ma túy có nhiều loại: loại tự nhiên, loại bán tổng hợp, loại tổng hợp.

2. Ma túy nhóm Opiats (chất dạng thuốc phiện: CDTP)

a) Ma túy nhóm Opiats (CDTP) là những chất có nguồn gốc thuốc phiện và những chất có đặc điểm dược lý tương tự thuốc phiện, bao gồm: thuốc phiện, Morphin, Heroin, Codein, Pethidin, Buprenorphin, Methadon, Levo- alpha- acetyl- methadon (LAAM)…

b) Trong nhiều tài liệu có đề cập đến ma túy nhóm Opiats hoặc nhóm Opioid hoặc các CDTP. Ba nhóm trên thực chất là một, trong hướng dẫn này thống nhất tên gọi của ba nhóm trên là nhóm Opiats hoặc CDTP.

3. Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy và bị lệ thuộc vào chất này.

4. Hội chứng cai ma túy là trạng thái phản ứng của cơ thể khi cắt hoặc giảm chất ma túy đang sử dụng ở những người nghiện ma túy. Biểu hiện lâm sàng của hội chứng cai khác nhau phụ thuộc vào loại ma túy đang sử dụng.

[...]