QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TẠM THỜI HỖ TRỢ KINH PHÍ CHO
CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, UỶ BAN NHÂN
DÂN TỈNH; HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG KINH PHÍ HỖ TRỢ CHO CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY
PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, UỶ BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN VÀ CẤP XÃ
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm
2004;
Căn cứ Nghị định số
91/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành
một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân,
Uỷ ban nhân dân;
Xét đề nghị của liên Ngành
Tư pháp - Tài chính tại Tờ trình số 43/TTr-STP-STC ngày 09 tháng 1 năm 2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm
vi và đối tượng áp dụng
1. Quyết định này quy định tạm
thời việc hỗ trợ kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của
Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh; hướng dẫn sử dụng kinh phí hỗ trợ cho công
tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện) và các xã, phường,
thị trấn (gọi chung là cấp xã) trên địa bàn tỉnh để làm cơ sở chi và lập dự
toán kinh phí chi thường xuyên của Uỷ ban nhân dân các cấp.
2. Nội dung chi và mức chi hỗ
trợ kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban
nhân dân tỉnh và cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh tạm thời chỉ áp dụng đối với
những trường hợp quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Quyết định này.
Điều 2. Nội
dung chi hỗ trợ kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội
đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Việc hỗ trợ kinh phí cho
công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân
dân các cấp trong Quyết định này chỉ áp dụng đối với những trường hợp sau:
- Hỗ trợ kinh phí cho công tác
xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân, bao gồm: dự thảo quyết
định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân;
- Hỗ trợ kinh phí cho công tác
xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, bao gồm: dự thảo nghị
quyết của Hội đồng nhân dân do Uỷ ban nhân dân trình.
2. Nội dung chi hỗ trợ kinh phí
cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban
nhân dân các cấp:
a, Công tác lập dự kiến chương
trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh: chi tổ chức
hội thảo nghiệp vụ, các cuộc họp xét duyệt chương trình xây dựng quyết định, chỉ
thị của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
b, Công tác soạn thảo, xây dựng
văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp:
- Chi điều tra, khảo sát đánh
giá thực trạng quan hệ xã hội; nghiên cứu thông tin, tư liệu liên quan đến nội
dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật;
- Chi mua tư liệu phục vụ cho
công tác soạn thảo văn bản (nếu có);
- Chi trả thù lao cho những người
tham gia nghiên cứu, soạn thảo;
- Chi tổ chức các cuộc họp, hội
thảo trong quá trình soạn thảo văn bản;
- Các chi phí cần thiết khác phục
vụ trực tiếp hoạt động nghiên cứu, soạn thảo văn bản (nếu có).
c, Chi phục vụ cho công tác tổ
chức giới thiệu nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để lấy ý kiến nhân
dân (nếu có).
d, Chi cho công tác thẩm định
văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh và cấp huyện; rà soát, hệ thống hoá văn bản
quy phạm pháp luật.
đ, Chi hỗ trợ cho chế độ công
tác phí, làm đêm, làm thêm giờ, chi phí in ấn ... theo chế độ tài chính hiện
hành.
Điều 3. Mức
chi hỗ trợ kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng
nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp
1. Mức chi hỗ trợ kinh phí cho
công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân
dân tỉnh:
a, Chi soạn thảo văn bản:
- Đối với dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật ban hành mới hoặc thay thế: 500.000 đồng/dự thảo văn bản;
- Đối với dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật sửa đổi bổ sung: 400.000 đồng/dự thảo văn bản.
b, Chi viết báo cáo thẩm định:
150.000 đồng/báo cáo thẩm định.
c, Chi cho cá nhân tham gia vào hội
thảo nghiệp vụ phục vụ cho công tác lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản
quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh; soạn thảo, thẩm định văn bản quy
phạm pháp luật:
- Người chủ trì cuộc họp: 70.000 đồng/người/buổi;
- Các thành viên tham dự: 50.000 đồng/người/buổi;
-Tổng mức chi tối đa cho các cá
nhân tham gia vào hội thảo nghiệp vụ đối với từng nhóm công tác này như sau:
+ Đối với công tác lập dự kiến
chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân tỉnh:
1.500.000 đồng/năm;
+ Đối với công tác soạn thảo văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh: 400.000 đồng/dự
thảo văn bản;
+ Đối với công tác thẩm định văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh: 250.000 đồng/dự
thảo văn bản.
d, Đối với việc rà soát, hệ thống
hoá văn bản quy phạm pháp luật phục vụ trực tiếp cho công tác soạn thảo, thẩm định
văn bản quy phạm pháp luật thì vận dụng mức chi quy định tại Thông tư số
109/2004/TTLT-BTC-BTP ngày 17/11/2004 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp
hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản
quy phạm pháp luật, cụ thể như sau:
- Chi thù lao mời cộng tác viên
tham gia thẩm định đối với các văn bản thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn
phức tạp: 40.000 đồng/dự thảo văn bản;
- Chi rà soát, xác định văn bản có
hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm soạn thảo, thẩm định
văn bản: 20.000 đồng/văn bản quy phạm pháp luật tiến hành rà soát. Mức chi tối
đa cho hoạt động này là: 60.000 đồng/dự thảo văn bản.
đ, Đối với các khoản chi khác như
làm đêm, làm thêm giờ, chi phí in ấn, chuẩn bị tài liệu và văn phòng phẩm ...:
căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành
và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện làm căn cứ quyết
toán kinh phí, Uỷ ban nhân dân tỉnh hỗ trợ một phần cho các khoản chi này như
sau:
- Đối với công tác soạn thảo văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh: 200.000 đồng/dự
thảo văn bản;
- Đối với công tác thẩm định văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh: 100.000 đồng/dự
thảo văn bản.
2. Hướng dẫn hỗ trợ kinh phí cho
công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân
dân cấp huyện:
Căn cứ khả năng ngân sách của địa
phương, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thể xem xét hỗ trợ kinh phí cho công tác
xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tại
địa phương mình trên cơ sở mức chi tối đa như sau:
a, Chi soạn thảo văn bản:
- Đối với dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật ban hành mới hoặc thay thế: 250.000 đồng/dự thảo văn bản;
- Đối với dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật sửa đổi bổ sung: 200.000 đồng/dự thảo văn bản.
b, Chi viết báo cáo thẩm định:
100.000 đồng/báo cáo thẩm định.
c, Chi cho cá nhân tham gia vào hội
thảo nghiệp vụ phục vụ cho công tác soạn thảo, thẩm định văn bản quy phạm pháp
luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân cấp huyện:
- Người chủ trì cuộc họp: 50.000 đồng/người/buổi;
- Các thành viên tham dự: 20.000 đồng/người/buổi;
- Tổng mức chi tối đa cho các cá
nhân tham gia vào hội thảo nghiệp vụ đối với từng nhóm công tác này như sau:
+ Đối với công tác soạn thảo văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện: 200.000 đồng/dự
thảo văn bản;
+ Đối với công tác thẩm định văn bản
quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân cấp huyện: 100.000 đồng/dự thảo văn bản.
d, Đối với việc rà soát, hệ thống
hoá văn bản quy phạm pháp luật phục vụ trực tiếp cho công tác soạn thảo, thẩm định
văn bản quy phạm pháp luật thì vận dụng mức chi quy định tại Thông tư số
109/2004/TTLT-BTC-BTP ngày 17/11/2004 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp
hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản
quy phạm pháp luật, cụ thể như sau:
- Chi thù lao cho cộng tác viên
tham gia thẩm định đối với các văn bản thuộc chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn
phức tạp: 25.000 đồng/dự thảo văn bản;
- Chi rà soát, xác định văn bản có
hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm soạn thảo, thẩm định
văn bản: 10.000 đồng/văn bản quy phạm pháp luật tiến hành rà soát. Mức chi tối
đa cho hoạt động này là: 40.000 đồng/dự thảo văn bản.
đ, Đối với các khoản chi khác như
làm đêm, làm thêm giờ, chi phí in ấn, chuẩn bị tài liệu và văn phòng phẩm ...:
căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành
và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện làm căn cứ quyết
toán kinh phí, Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho
các khoản chi này.
3. Hướng dẫn hỗ trợ kinh phí cho
công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân
dân cấp xã:
Căn cứ khả năng ngân sách hàng
năm, Uỷ ban nhân dân cấp xã có thể xem xét hỗ trợ kinh phí cho công tác xây dựng
văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tại địa
phương mình trên cơ sở mức chi tối đa như sau:
a, Chi soạn thảo văn bản:
- Đối với dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật ban hành mới hoặc thay thế: 150.000 đồng/dự thảo văn bản;
- Đối với dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật sửa đổi bổ sung: 100.000 đồng/dự thảo văn bản.
b, Chi cho cá nhân tham gia vào hội
thảo nghiệp vụ phục vụ cho công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội
đồng nhân dân, Uỷ ban nhân cấp xã:
- Người chủ trì cuộc họp: 30.000 đồng/người/buổi;
- Các thành viên tham dự: 10.000 đồng/người/buổi;
- Tổng mức chi tối đa cho các cá
nhân tham gia vào hội thảo nghiệp vụ đối công tác này là 100.000 đồng/dự thảo
văn bản.
c, Đối với việc rà soát, hệ thống
hoá văn bản quy phạm pháp luật phục vụ trực tiếp cho công tác soạn thảo văn bản
quy phạm pháp luật thì vận dụng mức chi quy định tại Thông tư số
109/2004/TTLT-BTC-BTP ngày 17/11/2004 của Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp
hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra văn bản
quy phạm pháp luật, cụ thể :
Chi rà soát, xác định văn bản có
hiệu lực pháp lý cao hơn đang có hiệu lực tại thời điểm soạn thảo văn bản:
10.000 đồng/văn bản quy phạm pháp luật tiến hành rà soát. Mức chi tối đa cho hoạt
động này là: 30.000 đồng/dự thảo văn bản.
d, Đối với các khoản chi khác như
làm đêm, làm thêm giờ, chi phí in ấn, chuẩn bị tài liệu và văn phòng phẩm ...:
căn cứ vào hoá đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành
và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện làm căn cứ quyết
toán kinh phí, Uỷ ban nhân dân cấp xã có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho các
khoản chi này.
Điều 4. Tổ chức
thực hiện
- Việc lập dự toán, giao dự toán,
sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ cho công tác xây dựng văn bản quy phạm
pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện theo quy định
của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành;
- Các cơ quan, tổ chức khi được Uỷ
ban nhân dân phân công chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm định văn bản quy phạm
pháp luật có trách nhiệm hoàn chỉnh các chứng từ hợp lệ và thủ tục thanh quyết
toán cần thiết theo quy định pháp luật. Việc thanh quyết toán chỉ tiến hành sau
khi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân
được thông qua hoặc ban hành;
- Đối với công tác xây dựng văn bản
quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, tuỳ trường hợp
cụ thể Giám đốc Sở Tài chính đề xuất Uỷ ban nhân dân tỉnh cấp dự toán kinh phí hỗ
trợ cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ
ban nhân dân cho cơ quan thẩm định và cơ quan được phân công chủ trì soạn thảo.
Điều 5. Điều
khoản thi hành
- Quyết định này có hiệu lực thi
hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và hết hiệu lực thi hành sau khi liên Bộ Tài
chính và Bộ Tư pháp ban hành Thông tư hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh
phí hỗ trợ cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân
dân, Uỷ ban nhân dân các cấp hoặc có văn bản khác thay thế;
- Các ông, bà: Chánh văn phòng Uỷ
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc
nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân các huyện thị xã, thành phố căn cứ quyết định thi hành./.