Quyết định 4844/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2016, có tính đến năm 2020

Số hiệu 4844/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/12/2012
Ngày có hiệu lực 01/12/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Hồ Đức Phớc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4844/QĐ-UBND-NC

Nghệ An, ngày 03 tháng 12 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN NÂNG CAO HIỆU LỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2012 - 2016, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2010;

Căn cứ “Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015”;

Xét đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An tại Tờ trình số 2255/TTr-CAT(PC81) ngày 02/11/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2016, có tính đến năm 2020”.

Điều 2. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã hướng dẫn triển khai thực hiện.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Đức Phớc

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2012 - 2016, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4844/QĐ-UBND-NC, ngày03/12/2012 của UBND tỉnh Nghệ An)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Cơ sở pháp lý của việc xây dựng Đề án

Thi hành án hình sự là một hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước nhằm thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đây là một hoạt động tư pháp khá phức tạp liên quan đến quyền cơ bản của con người và chính sách hình sự của một quốc gia đối với người vi phạm pháp luật hình sự, do nhiều cơ quan chức năng, nhiều tổ chức chính trị, xã hội phối hợp thực hiện mà nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân. Nhiệm vụ của giai đoạn này nhằm mục đích cảm hóa tư tưởng, giáo dục nhân cách, văn hóa, kỹ năng lao động làm cho người chấp hành án trở thành công dân có ích cho xã hội, mặt khác góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa vi phạm pháp luật nói chung.

Từ trước đến nay, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động thi hành án hình sự, như: Pháp lệnh thi hành án phạt tù năm 1993 (đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2007); Nghị định số 60/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 quy định về việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ; Nghị định số 61/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo; Nghị định số 52/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 hướng dẫn biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; Nghị định số 53/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 hướng dẫn thi hành hình phạt cấm cư trú, quản chế; Nghị định số 54/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất; Nghị định số 113/2008/NĐ-CP ngày 28/10/2008 ban hành Quy chế trại giam… Qua thực tế thi hành các văn bản trên đã phát huy tác dụng tích cực và có hiệu quả trong công tác thi hành án hình sự. Tuy nhiên, các văn bản này phần lớn được ban hành từ lâu, ở những thời điểm khác nhau nên còn tản mạn, hiệu lực pháp lý chưa cao, bộc lộ những hạn chế, bất cập và chưa đồng bộ, nhiều quy định chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đòi hỏi của thực tiễn. Ngày 17/6/2010, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Khoá XII đã thông qua Luật Thi hành án hình sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2011, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, cao nhất, đầy đủ nhất từ trước đến nay về công tác thi hành án hình sự. Tuy nhiên, do mới được ban hành nên Luật Thi hành án hình sự vẫn chưa thực sự đi vào thực tiễn, nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật nói riêng, công tác thi hành án hình sự nói chung vẫn chưa đầy đủ. Do đó, để chủ động triển khai thực hiện Luật cũng như nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác thi hành án hình sự cần thiết phải xây dựng đề án.

2. Cơ sở thực tiễn của việc xây dựng Đề án

Nghệ An là một tỉnh lớn, dân số đông, có nhiều dân tộc sinh sống, nhìn chung điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn; một số nơi trình độ dân trí còn thấp, nhất là các vùng miền núi, rẻo cao; tình trạng thất nghiệp còn nhiều. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, bình quân mỗi năm xảy ra từ 1800 đến 2200 vụ phạm pháp hình sự. Tính chất, quy mô, thành phần phạm tội đa dạng, tiềm ẩn nhiều phức tạp, một số loại tội phạm có biểu hiện gia tăng, như: tội phạm về ma túy, giết người do nguyên nhân xã hội, cướp tài sản, cướp giật tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, tội phạm sử dụng công nghệ cao… các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động manh động, liều lĩnh trên nhiều tuyến, địa bàn. Đặc điểm, tình hình thực trạng đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến đối tượng thi hành án hình sự tăng cao.

Trong những năm qua, công tác thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Phần lớn các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án đã được thực thi nghiêm minh; công tác quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân, công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành các án phạt khác (ngoài án phạt tù) ngày càng chuyển biến tích cực hơn, góp phần giữ vững kỷ cương và ổn định trật tự xã hội.

Theo thống kê cho thấy, từ năm 2005 đến nay bình quân mỗi năm xảy ra từ 1800 - 2200 vụ phạm pháp hình sự, các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Nghệ An đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử từ 1500 đến 1800 vụ với 2100 đến 2300 đối tượng; chuyển từ 1450 đến 1850 phạm nhân đến các trại giam của Bộ Công an và trại tạm giam Công an tỉnh để chấp hành án và hàng trăm người có quyết định thi hành bản án hình sự còn ở ngoài xã hội. Tính đến ngày 30/12/2011, ở tỉnh Nghệ An còn 122 người đang tại ngoại, 103 người đang được tạm hoãn, 42 người tạm đình chỉ chấp hành án. Số người đang chấp hành án hình sự không phải là tù giam, gồm: Án treo 1438 người, cải tạo không giam giữ 143 người, quản chế 02 người, thi hành các biện pháp tư pháp là 10 người và các loại hình phạt khác là 19 người.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động thi hành án hình sự trên địa bàn cũng bộc lộ rõ những mặt hạn chế nhất định. Thực tế những năm qua, các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực thi hành án hình sự mới chỉ quan tâm đến việc thi hành án phạt tù, tử hình, trục xuất mà chưa quan tâm nhiều đến việc tổ chức thi hành các án phạt khác, như: án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế, cấm cư trú, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định… các loại án phạt này tuy đã được giao cho chính quyền địa phương hoặc các cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi người bị kết án cư trú và làm việc tổ chức thực hiện, nhưng nhìn chung chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập, sơ hở, thiếu sót; một số cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí còn chủ quan coi đây là nhiệm vụ của ngành Công an; công tác phối hợp chưa được chú trọng dẫn đến việc quản lý người chấp hành án hình sự còn lỏng lẻo, sơ hở; nhiều đối tượng chấp hành án ngoài xã hội đi đâu, làm gì không rõ, quá trình chấp hành án như thế nào chưa được giám sát, đánh giá; chế độ quản lý hồ sơ; chế độ thông tin, báo cáo chưa đầy đủ, thiếu chính xác làm hạn chế hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về công tác thi hành án hình sự. Đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ thi hành án hình sự phần lớn còn thiếu về số lượng, năng lực, trình độ còn hạn chế, chế độ chính sách đối với người làm công tác này chưa thoả đáng; cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí chưa được đầu tư, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Dự báo trong thời gian tới, công tác thi hành án hình sự sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, số lượng đối tượng phải tổ chức quản lý, giám sát, giáo dục nhiều và có xu hướng tăng, việc xây dựng hệ thống cơ quan thi hành án hình sự và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai thực hiện công tác thi hành án hình sự; cơ cấu tổ chức, lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án hình sự còn nhiều vấn đề bất cập cần tập trung giải quyết. Theo Luật Thi hành án hình sự, mọi đối tượng chấp hành án hình sự phải được theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ, định kỳ phải xem xét, đánh giá, nhận xét quá trình chấp hành án để làm cơ sở cho việc xét giảm thời hạn chấp hành án, đặc xá, miễn, giảm thời hạn chấp hành quyết định tư pháp.

Trước yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn và các căn cứ pháp lý nêu trên cho thấy việc xây dựng Đề án “Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2016, có tính đến năm 2020” là yêu cầu tất yếu khách quan và cần thiết, nhằm tạo lập một cơ chế hữu hiệu đảm bảo thực thi có hiệu quả hơn các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực trong toàn xã hội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

[...]