BỘ CÔNG THƯƠNG
----------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 4800/QĐ-BCT
|
Hà
Nội, ngày 08 tháng 12
năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VÀ XÉT CÔNG NHẬN TIÊU CHÍ CƠ SỞ HẠ TẦNG
THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN TRONG BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN
2016-2020
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11
năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP
ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP
ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản
lý chợ;
Căn cứ Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24 tháng 9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về việc ban
hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg
ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về
việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn
2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg
ngày 17 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí
quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Thị
trường trong nước,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn thực hiện và xét
công nhận Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc
gia về xã nông thôn mới ban hành kèm theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17
tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia
về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành
và thay thế Quyết định số 12151/QĐ-BCT ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng
Bộ Công Thương về việc hướng dẫn thực hiện Tiêu chí số 7 về chợ trong Bộ tiêu
chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương, Giám đốc Sở Công Thương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- BCĐTW CTMTQG xây dựng NTM (để b/c);
- BCĐ CTMTQG xây dựng NTM các tỉnh, thành phố;
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (để b/c);
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố;
- Cục CNĐP;
- Lưu: VT, TTTN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Cao Quốc Hưng
|
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN VÀ XÉT CÔNG NHẬN TIÊU CHÍ CƠ SỞ HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN
TRONG BỘ TIÊU CHÍ QUỐC GIA VỀ XÃ NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4800/QĐ-BCT ngày 08 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Trong Hướng dẫn này các từ ngữ dưới
đây được hiểu như sau:
1. “Cơ sở hạ tầng thương mại xã nông
thôn mới” là hạ tầng thương mại được thiết lập tại địa bàn xã, bao gồm chợ nông
thôn hoặc cơ sở bán lẻ khác (siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng
kinh doanh tổng hợp) theo tiêu chí
quy định tại Chương II Hướng dẫn này.
2. Nông thôn là khu vực địa giới hành
chính không bao gồm địa bàn của phường, quận thuộc thị xã, thành phố (theo Nghị
định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về chính sách
khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn).
3. Siêu thị mini là loại hình siêu thị
có diện tích nhỏ hơn và danh mục hàng hóa kinh doanh với số
lượng tên hàng ít hơn siêu thị hạng III được quy định tại Khoản 3, Điều 3 của Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại được phê duyệt theo Quyết định số
1371/2003/QĐ-BTM.
4. Cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng
kinh doanh tổng hợp ở nông thôn là loại hình cơ sở bán lẻ quy mô nhỏ; kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu với cuộc sống,
sinh hoạt hàng ngày của người dân.
5. Điểm kinh doanh tại chợ là quầy
hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí trong phạm vi chợ.
Chương II
TIÊU CHÍ CƠ SỞ HẠ
TẦNG THƯƠNG MẠI XÃ NÔNG THÔN
I. Chợ nông thôn
Chợ nông thôn đạt tiêu chí khi đáp ứng
các yêu cầu sau:
1. Về diện tích, mặt bằng xây dựng chợ
a) Có mặt bằng chợ phù hợp với quy mô
hoạt động chợ; bố trí đủ diện tích cho các hộ kinh doanh cố định, không cố định và các dịch vụ tối thiểu tại chợ (trông giữ xe, vệ sinh công cộng).
b) Diện tích tối thiểu cho một điểm
kinh doanh trong chợ là 3m2.
2. Về kết cấu nhà chợ chính
Nhà chợ chính phải bảo đảm kiên cố hoặc
bán kiên cố. Chợ bán kiên cố là chợ được xây dựng bảo đảm có thời gian sử dụng
từ 5 đến 10 năm theo quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP.
3. Về yêu cầu đối với các bộ phận phụ
trợ và kỹ thuật công trình:
a) Có bảng hiệu thể hiện tên chợ, địa
chỉ và số điện thoại liên hệ với đại diện tổ chức quản lý chợ.
b) Nền chợ phải
được bê tông hóa.
c) Có khu vệ sinh bố trí nam, nữ
riêng.
d) Có bố trí địa điểm hoặc phương án
trông giữ xe (ngoài trời hoặc mái che) phù hợp với lưu lượng người vào chợ, bảo
đảm trật tự, an toàn cho khách.
đ) Khu bán thực phẩm tươi sống, khu dịch
vụ ăn uống được bố trí riêng, bảo đảm điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.
e) Có nước sạch, nước hợp vệ sinh bảo
đảm cho hoạt động của chợ.
f) Có phương án và hệ thống cấp điện
theo quy định bảo đảm cho hoạt động của chợ.
g) Có khu thu gom rác và xử lý rác
trong ngày hoặc có khu thu gom rác và phương án vận chuyển rác trong ngày về
khu xử lý tập trung của địa phương.
h) Có hệ thống rãnh thoát nước bảo đảm
thông thoáng và dễ dàng thông tắc.
i) Có thiết bị và phương án bảo đảm
phòng cháy, chữa cháy cho chợ theo quy định.
4. Về điều hành quản lý chợ:
a) Có tổ chức quản lý; việc tổ chức
kinh doanh, khai thác và quản lý thực hiện theo quy định tại Khoản
6 Điều 1 Nghị định 114/2009/NĐ-CP và Điều 7 Nghị định
02/2003/NĐ-CP.
b) Có Nội quy chợ được UBND cấp có thẩm
quyền phê duyệt và được niêm yết công khai để điều hành hoạt động, xử lý vi phạm
tại chợ.
c) Có sử dụng cân đối chứng, thiết bị
đo lường để người tiêu dùng tự kiểm
tra về số lượng, khối lượng hàng hóa.
d) Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp
luật. Đối với các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và
kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện
hành.
II. Cơ sở bán lẻ
khác ở nông thôn
Cơ sở bán lẻ khác ở nông thôn đạt tiêu chí khi đáp ứng các yêu cầu
sau:
1. Siêu thị mini
a) Có bảng hiệu thể hiện tên siêu thị, địa chỉ và số điện thoại liên hệ
với đại diện tổ chức, cá nhân quản lý.
b) Có thời gian mở cửa phù hợp cho việc
mua sắm hàng ngày của người dân.
c) Có diện tích kinh doanh từ 200m2
và có bãi để xe với quy mô phù hợp.
d) Danh mục hàng hóa kinh doanh từ
500 tên hàng trở lên.
đ) Công trình kiến trúc được xây dựng vững chắc, có thiết kế và trang bị kỹ thuật đảm bảo các yêu cầu
phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn môi trường, an toàn, thuận tiện cho
khách hàng; có bố trí điểm hoặc phương án trông giữ xe và khu vệ sinh phù hợp
cho khách hàng.
e) Có kho và các thiết bị kỹ thuật cần
thiết phục vụ cho bảo quản hàng hóa (tủ đông, tủ mát...); cho đóng gói, bán
hàng (kệ, giá, giỏ, móc treo...); cho thanh toán và quản lý kinh doanh (thiết bị
và phần mềm quản lý...).
f) Tổ chức, bố trí hàng hóa theo ngành
hàng, nhóm hàng một cách văn minh, khoa học để phục vụ khách hàng lựa chọn, mua
sắm, thanh toán thuận tiện, nhanh chóng; có nơi bảo quản hành lý cá nhân.
g) Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại
siêu thị mini không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải
đảm bảo đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. Cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng
kinh doanh tổng hợp
a) Có bảng hiệu thể hiện tên cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh
doanh tổng hợp, địa chỉ và số điện thoại liên hệ với đại diện tổ chức quản lý.
b) Có thời gian mở cửa phù hợp cho việc
mua sắm hàng ngày của người dân.
c) Có diện tích kinh doanh tối thiểu
từ 50m2 trở lên và có nơi để xe với quy mô phù hợp.
d) Danh mục hàng hóa kinh doanh từ
200 tên hàng trở lên.
đ) Có bố trí quầy hoặc khu vực phù hợp
để trưng bầy hoặc bán hàng hóa nông sản của địa phương.
e) Công trình kiến trúc được xây dựng
vững chắc, đảm bảo các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh
an toàn môi trường, an toàn, thuận tiện cho khách hàng.
f) Có trang thiết bị cần thiết (tủ
đông, tủ mát, kệ, giá...) để bảo quản hàng hóa và đáp ứng nhu cầu mua sắm của
khách hàng.
g) Tổ chức, bố trí hàng hóa một cách
văn minh, khoa học thuận tiện cho khách hàng lựa chọn, mua sắm và thanh toán.
h) Các hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại
cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp không thuộc danh mục cấm
kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với các hàng hóa, dịch vụ hạn chế
kinh doanh và kinh doanh có điều kiện phải đảm bảo đáp ứng theo quy định của
pháp luật hiện hành.
Chương III
XÉT CÔNG NHẬN XÃ
ĐẠT TIÊU CHÍ CƠ SỞ HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN
I. Đối với xã có
cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn
Xã được công nhận đạt Tiêu chí cơ sở
hạ tầng thương mại nông thôn khi đáp ứng một trong các nội dung sau:
1. Có chợ nông thôn trong quy hoạch
được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đạt chuẩn theo quy định tại mục I, Chương
II của Hướng dẫn kèm theo Quyết định này.
2. Có siêu thị mini hoặc cửa hàng tiện
lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn theo quy định
tại mục II, Chương II của Hướng dẫn kèm theo Quyết định này.
II. Đối với xã
chưa có hoặc không có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn
Trường hợp xã có
cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền
phê duyệt nhưng do nhu cầu thực tế chưa cần đầu tư xây dựng
hoặc xã không có cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong
quy hoạch thì sẽ không xem xét Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.
Việc xét công nhận xã đạt chuẩn nông
thôn mới được thực hiện trên cơ sở xem xét, đánh giá các
Tiêu chí còn lại trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương (UBND cấp tỉnh) căn cứ hướng dẫn tại Quyết định này có
trách nhiệm:
1. Ban hành quy định và hướng dẫn chi
tiết Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn phục vụ cho việc xét công nhận
xã đạt chuẩn nông thôn mới phù hợp với điều kiện thực tế của
địa phương.
2. Chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối
hợp với các Sở, ngành liên quan xây dựng mới hoặc rà soát,
sửa đổi, bổ sung quy hoạch đối với cơ sở hạ tầng thương mại trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với thực tế tại địa phương.
3. Ban hành cơ chế, chính sách thu
hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn
trên địa bàn phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành về ưu đãi đầu tư.
4. Xây dựng cơ chế hỗ trợ từ nguồn
ngân sách địa phương, kinh phí xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn hợp pháp
khác cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông
thôn trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
giai đoạn 2016-2020.
5. Giao Sở Công Thương có trách nhiệm
quản lý nhà nước đối với hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng
kinh doanh tổng hợp như đối với quản lý siêu thị quy định tại Quyết định
1371/2004/QĐ-BTM và không phân hạng đối với các loại hình này.
6. Chỉ đạo Sở Công Thương tổng hợp, đánh giá việc thực hiện Tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn
và gửi báo cáo (6 tháng, báo cáo tổng kết năm) về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong
nước) để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương./.