Quyết định 47/2008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015

Số hiệu 47/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/10/2008
Ngày có hiệu lực 13/10/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Kon Tum
Người ký Đào Xuân Quí
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 47/2008/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 03 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN MỘT SỐ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20/3/1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Công văn số 570/TTg-CN ngày 11/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Chỉ thị số 26/2008/CT-TTg ngày 01/9/2008 của Thủ tướng chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản;

Căn cứ Nghị quyết số 10/2008/NQ-HĐND ngày 09/9/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kon Tum Khoá IX, kỳ họp bất thường (lần 3) về việc thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2015.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành có liên quan khẩn trương có văn bản liên ngành hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh nội dung Quy hoạch này.

Điều 3. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có những vấn đề phát sinh, vướng mắc, cần điều chỉnh, bổ sung; các Sở, Ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công thương tổng hợp) để trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Điều 4. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào xuân Quí

 

QUY HOẠCH

THĂM DÒ, KHAI THÁC, CHẾ BIẾN MỘT SỐ KHOÁNG SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 47/2008/QĐ-UBND ngày 03/10/2008 của UBND tỉnh Kon Tum)

PHẦN MỞ ĐẦU

I/ Sự cần thiết lập đề án quy hoạch khoáng sản

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII đã đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 là đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng công nghiệp đạt 19 %, tăng tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp từ 22 - 23% trong nền kinh tế, trên cơ sở dựa vào nội lực là chính, phát huy mọi tiềm lực sẵn có của địa phương nhằm tạo cơ sở vững chắc để đẩy nhanh công cuộc CNH - HĐH, góp phần đưa tỉnh Kon Tum ra khỏi danh sách tỉnh nghèo, thu hẹp khoảng cách về chênh lệch kinh tế với các tỉnh trong cả nước và đặc biệt là các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Tài nguyên khoáng sản được xem là một tiềm lực quan trọng của tỉnh, theo tài liệu Biên hội bản đồ địa chất và khoáng sản tỉnh Kon Tum tỷ lệ 1/100.000 (do Trường Đại học Mỏ và Địa chất Hà Nội thực hiện năm 2006 - 2007) đã tổng hợp và thống kê được trên 250 điểm biểu hiện khoáng sản dưới các quy mô: Mỏ, điểm quặng, điểm khoáng hóa (có dấu hiệu, tiền đề sinh khoáng) và đã khoanh định được 20 khu vực có triển vọng và rất có triển vọng, gồm các loại khoáng sản:

Khoáng sản kim loại có: sắt, crôm, môlipden, wolfram, bismut, đồng, chì, kẽm, thiếc, asen, nhôm, vàng, bạc, uran, thori, đất hiếm.

Khoáng sản phi kim loại có: pyrit, secpentin, than bùn, than nâu, đolomit, điatomit, kaolinit, fenspat, quaczit, silimanit, bột màu, puzơlan...

Vật liệu xây dựng và đá mỹ nghệ: sét gạch ngói, đá bazan, anđezit, cát, sỏi, đá mỹ nghệ secpentinit, đá ốp lát granit, gabrô...

Nước khoáng và nước nóng thiên nhiên có giá trị chữa bệnh, xây dựng các quần thể về du lịch sinh thái và điều dưỡng phục vụ nhân dân và du khách nước ngoài.

[...]