Quyết định 45/QĐ-UBND về Kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2017

Số hiệu 45/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/01/2017
Ngày có hiệu lực 13/01/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Đỗ Thị Minh Hoa
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 13 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TIÊM PHÒNG ĐỊNH KỲ CHO ĐÀN VẬT NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN NĂM 2017

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Thông tư số: 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;

Căn cứ Quyết định số: 2033/QĐ-UBND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017;

Căn cứ Quyết định số: 2075/QĐ-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành phương án phòng chống dịch Cúm gia cầm, dịch Tai xanh lợn (PRRS), dịch Lở mồm long móng gia súc và bệnh Dại ở động vật trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2017;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 04/TTr-SNN ngày 10 tháng 01 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2017.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức, thực hiện tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2017 theo đúng nội dung Kế hoạch được phê duyệt và quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đỗ Thị Minh Hoa

 

KẾ HOẠCH

TIÊM PHÒNG ĐỊNH KỲ CHO ĐÀN VẬT NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN NĂM 2017
(Kèm theo Quyết định số: 45/QĐ-UBND ngày 13/01/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Chủ động phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh ở gia súc, gia cầm với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát các hộ gia đình thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng định kỳ cho đàn gia súc, gia cầm nhằm tạo miễn dịch chủ động, đảm bảo an toàn dịch bệnh và chăn nuôi đạt hiệu quả.

- Tăng cường công tác chỉ đạo và sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi.

- Nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm để tiếp tục khống chế và tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

2. Yêu cầu

- Việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm là nhiệm vụ trọng tâm cấp bách của các cấp, các ngành và trách nhiệm của toàn dân; tổ chức tuyên truyền, vận động người chăn nuôi chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và ý nghĩa của việc tiêm phòng để người dân chủ động thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm của gia đình mình.

- Tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đảm bảo kỹ thuật, đúng chủng loại vắc xin, đúng đối tượng và an toàn cho cán bộ tham gia.

- Thực hiện tốt công tác giám sát sau tiêm phòng; theo dõi, có biện pháp xử lý kịp thời các trường hợp phản ứng sau khi tiêm; lập sổ sách để ghi chép đầy đủ, chính xác kết quả tiêm phòng.

- Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm có thể lây sang người và gây thiệt hại lớn về kinh tế, yêu cầu đối với đàn trâu, bò tối thiểu đạt 80% trở lên trong diện tiêm phòng; đối với đàn lợn (tiêm phòng cho đàn lợn giống được sinh ra từ đàn lợn nái sinh sản tại địa phương) tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu 80% trở lên trong diện tiêm phòng; đối với đàn chó, mèo yêu cầu đạt 100% trong diện tiêm phòng tại những vùng nguy cơ cao, khu đông dân cư, nuôi chó mèo tập trung.

[...]