ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 45/2021/QĐ-UBND
|
Thái Nguyên, ngày
06 tháng 10 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH
SỐ 12/2020/QĐ-UBND NGÀY 26/5/2020 QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm
2019;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày
17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 66/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh về bảo vệ
và kiểm dịch thực vật, giống cây trồng, nuôi động vật
thông thường, chăn nuôi, thủy sản, thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 67/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh
doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 77/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều
kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh
doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản
lý nhà nước của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP
ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều
Luật An toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 123/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP
ngày 12 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên
quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi
quản lý Nhà nước của Bộ Y tế;
Căn cứ Nghị định số 17/2020/NĐ-CP
ngày 05 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các
Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý Nhà
nước của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư số
17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm
đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không
thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 43/2018/TT-BCT
ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn thực
phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương;
Căn cứ Thông tư số
38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh thực
phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế
tại Tờ trình số 3470/TTr-SYT ngày 18/8/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số
12/2020/QĐ-UBND ngày 26/5/2020 quy định về quản lý an toàn thực phẩm trên địa
bàn tỉnh Thái Nguyên
1. Sửa đổi, bổ
sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Trách nhiệm của Sở Y tế
1. Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo
liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh.
2. Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban
Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh triển khai thực hiện công tác bảo đảm
an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế trên địa bàn toàn tỉnh.
3. Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh
kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm tỉnh; dự thảo Quy chế hoạt động,
phân công cụ thể trách nhiệm của từng thành viên Ban Chỉ đạo; báo cáo Ủy ban nhân
dân tỉnh về tình hình triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của
các sở, ban, ngành và các địa phương.
4. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa
phương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa
phương về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương thuộc
lĩnh vực được phân công quản lý.
5. Chủ trì, phối hợp thanh tra, kiểm
tra liên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm,
giám sát các sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh
doanh dịch vụ ăn uống theo thẩm quyền quản lý của ngành y tế theo kế hoạch, đột
xuất khi có yêu cầu; xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm.
6. Tổ chức tuyên truyền giáo dục, vận
động việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm
trên địa bàn tỉnh; đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ tuyến cơ sở
và người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm theo phân cấp quản lý.
7. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết các chỉ
thị, chương trình, kế hoạch về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tổ chức sơ
kết, tổng kết các chỉ thị, chuyên đề, chương trình, kế hoạch về an toàn thực phẩm
thuộc ngành y tế quản lý.
8. Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành liên quan và các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện.
a) Điều tra vụ ngộ độc thực phẩm,
giám sát, phân tích các nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, cảnh báo nguy cơ, phòng,
chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
b) Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, Sở Y
tế chịu trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực
phẩm. Các sở quản lý chuyên ngành có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông
tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thuộc lĩnh vực phân
công quản lý; phối hợp với Sở Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc
truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân
công quản lý.
9. Thực hiện quản lý, cấp, thu hồi Giấy
chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và quản lý đối với các cơ sở sản
xuất, kinh doanh thực phẩm bao gồm:
a) Cơ sở sản xuất nước uống đóng
chai, nước khoáng thiên nhiên, nước đá dùng liền, nước đá dùng để chế biến thực
phẩm, cơ sở sản xuất thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm
dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi,
hương liệu, phụ gia thực phẩm (trừ phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới,
phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng hoặc
không đúng đối tượng sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế quy định), chất hỗ trợ
chế biến thực phẩm, các vi chất bổ sung vào thực phẩm.
b) Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống
có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Bộ Kế
hoạch và Đầu tư hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cấp; các cơ sở kinh
doanh dịch vụ ăn uống có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân
cấp huyện cấp, quy mô từ trên 200 suất ăn/1 lần phục vụ; các cơ sở kinh doanh dịch
vụ ăn uống tại các cơ sở độc lập trong siêu thị và trung tâm thương mại; cơ sở
sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm khác không thuộc thẩm quyền cấp giấy
chứng nhận của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban
nhân dân cấp huyện.
10. Quản lý điều kiện bảo đảm an toàn
thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể, căng tin tại: các đơn vị lực lượng vũ
trang, nhà máy xí nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng; các nhà máy, xí nghiệp, doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh; các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung
học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; bệnh viện tuyến
trung ương, tuyến tỉnh trên địa bàn; nhà hàng trong khách sạn hai sao trở lên;
các cơ quan, tổ chức khác có quy mô từ trên 300 suất ăn/1 lần phục vụ; các cơ sở
được quy định tại điểm k Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của
Chính phủ.
11. Cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản
công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm dinh dưỡng
y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ
đến 36 tháng tuổi.
12. Tổ chức tiếp nhận bản tự công bố
các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến
thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với
thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đóng trên địa
bàn (trừ các sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm theo Điều 6 Nghị
định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ).”
2. Sửa đổi, bổ
sung khoản 2 Điều 8 như sau:
“2. Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy
sản tổ chức thực hiện quy định tại Điều 7 của Quy định này đối với cơ sở chăn
nuôi; cơ sở sơ chế, giết mổ động vật; chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở chuyên
kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc động vật, phương tiện vận chuyển động vật; cơ
sở nuôi trồng, khai thác/đánh bắt thủy sản.”
3. Sửa đổi, bổ
sung khoản 2 Điều 9 như sau:
“2. Quản lý an toàn thực phẩm đối với
các cơ sở thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
quy định tại khoản 1 Điều này và các cơ sở quy định tại điểm k khoản 1 Điều 12
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ.”
4. Sửa đổi, bổ
sung khoản 3 Điều 13 như sau:
“3. Cấp hoặc ủy quyền cho cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện
an toàn thực phẩm và quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm
trên địa bàn, bao gồm:
a) Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều
kiện an toàn thực phẩm; thu hồi Giấy chứng nhận khi không đủ điều kiện an toàn
thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống
có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp (trừ các
cơ sở được quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày
02/02/2018 của Chính phủ, các cơ sở do Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Sở Công Thương cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực
phẩm).
b) Quản lý điều kiện bảo đảm an toàn
thực phẩm đối với các cơ sở thuộc điểm a khoản 3 Điều này; các cơ sở kinh doanh
dịch vụ ăn uống không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại trường mầm non,
tiểu học có quy mô từ dưới 300 suất ăn/1 lần phục vụ; bệnh viện tuyến huyện và
bệnh viện hạng II trở xuống; cơ quan tổ chức khác có quy mô từ 30 suất ăn đến
dưới 200 suất ăn/một lần phục vụ; cơ sở dịch vụ ăn uống trong khách sạn một sao
trở xuống; các dịch vụ cung ứng suất ăn lưu động cho các đám cưới, đám hỏi, đám
tang...; quản lý, ký và tiếp nhận Bản cam kết an toàn thực phẩm đối với các cơ
sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do
ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý (trừ các sản
phẩm thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã).
c) Quản lý an toàn thực phẩm đối với
các chợ hạng 1 và 2.”
5. Sửa đổi, bổ
sung khoản 5 Điều 14 như sau:
“5. Kiểm tra, giám sát bảo đảm an
toàn thực phẩm tại các lễ hội, hội chợ, sự kiện văn hóa - thể thao do cấp xã tổ
chức và các đám cưới, đám hỏi, đám tang trên địa bàn do gia đình tự phục vụ ăn
uống.”
6. Sửa đổi, bổ sung
khoản 9 Điều 14 như sau:
“9. Giao công chức Văn hóa - Xã hội
theo dõi công tác an toàn thực phẩm, tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực
phẩm:
a) Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước
về an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về
công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
b) Ban hành các văn bản, quyết định,
kế hoạch về công tác an toàn thực phẩm; tổ chức thực hiện các chương trình, kế
hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đã được phê duyệt.
c) Chủ trì, phối hợp với Trạm Y tế xã
tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực
phẩm; triển khai công tác phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực
phẩm, ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm trên địa bàn
theo phân cấp quản lý.
d) Thành lập và tham gia đoàn thanh
tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp; tham mưu,
đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử phạt
vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo thẩm quyền.
e) Chủ trì, phối hợp với Trạm Y tế xã
thống kê, rà soát, phân loại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm,
kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Định kỳ, đột xuất báo cáo Ủy ban nhân
dân cấp huyện về công tác an toàn thực phẩm theo quy định”.
Điều 2. Bãi bỏ một
số điều, khoản, cụm từ của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số
12/2020/QĐ-UBND ngày 26/5/2020 quy định về quản lý an toàn thực phẩm trên địa
bàn tỉnh Thái Nguyên
1. Bãi bỏ khoản 3
Điều 3 Chương I, Điều 5, khoản 4 Điều 8, khoản 4 Điều 13, khoản 10 Điều 14
Chương II.
2. Bãi bỏ cụm từ
“xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm” tại khoản 2 Điều 7 Chương II.
Điều 3. Hiệu lực
thi hành
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ
ngày 20 tháng 10 năm 2021.
Điều 4. Tổ chức
thực hiện
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Y tế, Công Thương, NN&PTNT;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- CVP và các PCVP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, CNN, TH, KGVX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
Đặng Xuân Trường
|