ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 45/2016/QĐ-UBND
|
Thành
phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 11 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ THĂM HỎI, ĐỘNG VIÊN NẠN NHÂN TAI NẠN GIAO THÔNG
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Thông tư số 58/2009/TT-BCA(C11) ngày 28 tháng 10 năm
2009 của Bộ Công an quy định và hướng dẫn thống kê,
tổng hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về tai nạn giao thông đường
bộ;
Căn cứ Nghị quyết số 99/2016/NQ-HĐND
ngày 05 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố về ban hành mức chi
thực hiện thăm hỏi, động viên nạn nhân tai nạn giao thông
trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
Theo đề nghị của Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 26279/TTr-SLĐTBXH ngày 20 tháng 10 năm 2016 về ban hành Quy định về
thăm hỏi, động viên nạn nhân tai nạn giao thông trên
địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về
thăm hỏi, động viên nạn nhân tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí
Minh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng
11 năm 2016.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân thành phố, Trưởng Ban An toàn giao thông thành phố, Giám đốc Sở Tài
chính, Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thành phố, Chủ
tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã - thị trấn, các tổ chức và cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP;
- Các Đoàn thể TP;
- Kho bạc Nhà nước TP;
- Các Thành viên Ban An toàn giao thông TP;
- Các cơ quan báo, đài TP;
- VPUB: PVP/VX;
- Các Phòng CV;
- Trung tâm Công báo;
- Lưu: VT, (VX/Th2) XP.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Phong
|
QUY ĐỊNH
VỀ TỔ CHỨC VỀ THĂM HỎI, ĐỘNG VIÊN NẠN NHÂN TAI NẠN GIAO THÔNG TRÊN ĐỊA
BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 45/2016/QĐ-UBND
ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành
phố)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Đối tượng
và phạm vi áp dụng
1. Quy định này áp dụng trong việc tổ
chức thăm hỏi, động viên nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông hoặc nạn
nhân, gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng do tai nạn giao thông
trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, gồm:
a) Tổ chức thăm hỏi, động viên khẩn cấp
đối với các trường hợp nạn nhân bị thương đến phải cấp cứu và điều trị tại cơ sở
khám bệnh, chữa bệnh và thân nhân, gia đình của các nạn nhân bị tử vong do tai
nạn giao thông trong các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
thuộc một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 6, Điều 5 Thông tư
58/2009/TT-BCA(C11) ngày 28 tháng 10 năm 2009 của Bộ Công
an quy định và hướng dẫn thống kê, tổng hợp cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin về
tai nạn giao thông đường bộ.
Việc tổ chức thăm hỏi, động viên khẩn
cấp được thực hiện đối với vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra:
- Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;
- Trên địa bàn các tỉnh, thành phố
khác nhưng có nạn nhân là người dân thường trú và tạm trú trên địa bàn thành phố
Hồ Chí Minh (khi có chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hoặc Ủy ban
nhân dân thành phố).
b) Tổ chức thăm hỏi, động viên nhân
“Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” hàng năm
đối với nạn nhân bị thương hoặc thân nhân, gia đình của nạn nhân bị tử vong do
tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt
nghiêm trọng có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo thường trú và
tạm trú trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Việc xác định đối tượng thuộc diện
hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo và đề nghị thực hiện thăm hỏi,
động viên thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện dựa trên tình hình
thực tế tại địa phương.
2. Quy định này không áp dụng đối với
những trường hợp nạn nhân hoặc người thân của nạn nhân bị tai nạn giao thông do
vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông, là nguyên nhân gây ra tai nạn
giao thông.
Việc xác định đối tượng thuộc trường
hợp phải thực hiện thăm hỏi, động viên khẩn cấp được căn cứ
dựa trên văn bản thông báo của cơ quan công an.
Điều 2. Nguyên
tắc thực hiện
1. Đối với việc tổ chức thăm hỏi, động
viên khẩn cấp:
a) Nhà nước thể hiện sự quan tâm,
chia sẻ, động viên bằng vật chất, tinh thần đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân
bị tai nạn giao thông nhằm làm giảm bớt nỗi đau, những mất mát, giúp họ có cơ hội,
động lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
b) Thể hiện sự quan tâm, động viên kịp
thời, trực tiếp bằng tiền hoặc hiện vật.
c) Công khai, minh bạch, đúng đối tượng,
định mức.
d) Việc thăm hỏi, động viên ngoài quy
định của Quyết định này (thực hiện theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền: Thủ tướng
Chính phủ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia hoặc Ủy ban nhân dân thành phố hoặc
do Ban An toàn giao thông thành phố đề xuất) sẽ giải quyết theo từng trường hợp
cụ thể.
đ) Mức chi thực hiện theo quy định tại
Quyết định này. Trường hợp vượt mức chi quy định phải có văn bản chấp thuận của
Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Đối với tổ chức thăm hỏi, động
viên hàng năm:
a) Nhằm thể hiện sự quan tâm, chia sẻ
khó khăn đối với nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông, giúp họ có
cơ hội, động lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
b) Hoạt động thăm hỏi, động viên hàng
năm chỉ thực hiện một (01) lần duy nhất đối với mỗi trường hợp.
3. Việc thăm hỏi, động viên hàng năm
không loại trừ các trường hợp đã được tổ chức thăm hỏi, động viên khẩn cấp.
Chương II
TỔ CHỨC THĂM HỎI,
ĐỘNG VIÊN KHẨN CẤP
Điều 3. Mức chi
thực hiện thăm hỏi, động viên khẩn cấp
1. Chi thăm hỏi, động viên khẩn cấp đối
với các nạn nhân bị thương do tai nạn giao thông phải cấp cứu và điều trị tại
cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với mức 3.000.000 đồng/người/vụ.
2. Chi thăm hỏi, động viên khẩn cấp đối
với thân nhân, gia đình của các nạn nhân bị tử vong do tai nạn giao thông với mức
5.000.000 đồng/người.
Điều 4. Tổ chức
thăm hỏi, động viên khẩn cấp nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông
1. Đối với tai nạn giao thông đặc biệt
nghiêm trọng quy định tại Điểm a Khoản 6 Điều 5 Thông tư số 58/2009/TT-BCA(C11), Ban An toàn giao thông thành phố chủ động tổ chức đoàn thăm hỏi, động
viên nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông; thành phần đoàn gồm:
- Đại diện Ban An toàn giao thông
thành phố;
- Đại diện Sở Giao thông vận tải;
- Đại diện Công an thành phố;
- Đại diện Sở Ngoại vụ (nếu có nạn
nhân là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư tại nước ngoài);
- Đại diện Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội;
- Đại diện Ủy ban nhân dân quận, huyện
và phường, xã, thị trấn nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi đối tượng cư trú.
2. Đối với tai nạn giao thông đặc biệt
nghiêm trọng quy định tại Điểm b, c, d, đ, e và g Khoản 6 Điều 5 Thông tư số
58/2009/TT-BCA(C11), Ban An toàn giao thông quận, huyện
nơi có tai nạn xảy ra tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức
đoàn thăm hỏi, động viên nạn nhân, gia đình nạn nhân bị
tai nạn giao thông; thành phần đoàn gồm:
- Đại diện Lãnh đạo Ủy ban nhân dân
quận, huyện;
- Đại diện Ban An toàn giao thông quận,
huyện;
- Đại diện Công an quận, huyện;
- Đại diện Phòng Quản lý đô thị;
- Đại diện Phòng Lao động - Thương
binh và Xã hội quận, huyện;
- Đại diện Ủy ban nhân dân phường,
xã, thị trấn nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi đối tượng cư trú.
3. Thời gian thực hiện: trong vòng 02
ngày làm việc, kể từ ngày xảy ra tai nạn.
Điều 5. Nguồn
kinh phí thực hiện tổ chức thăm hỏi, động viên khẩn cấp
Nguồn kinh phí thực hiện tổ chức thăm
hỏi, động viên khẩn cấp cho các nạn nhân tai nạn giao thông bị thương và thân
nhân, gia đình của nạn nhân bị tử vong do tai nạn giao thông theo Quy định này
bao gồm:
1. Đối với các nạn nhân bị tai nạn
giao thông do Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức thăm hỏi hoặc được cấp
có thẩm quyền chỉ đạo thăm hỏi: sử dụng từ nguồn kinh phí đảm bảo trật tự an
toàn giao thông được bố trí hàng năm cho Ban An toàn giao thông thành phố.
2. Đối với nạn nhân bị tai nạn giao
thông do Ban An toàn giao thông quận, huyện đề xuất thăm hỏi: cân đối từ nguồn
ngân sách hàng năm của quận, huyện.
Chương III
TỔ CHỨC THĂM HỎI,
ĐỘNG VIÊN HÀNG NĂM
Điều 6. Mức chi
thực hiện thăm hỏi, động viên hàng năm
Chi thực hiện thăm hỏi, động viên nạn
nhân bị thương hoặc thân nhân, gia đình của nạn nhân bị tử vong do tai nạn giao
thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng có
hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo thường trú và tạm trú trên địa
bàn thành phố Hồ Chí Minh với mức 3.000.000 đồng/trường hợp.
Điều 7. Tổ chức
thăm hỏi, động viên hàng năm nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông
có hoàn cảnh khó khăn
Định kỳ hàng năm, nhân ngày Thế giới
tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, Ban An toàn giao thông
thành phố xem xét lựa chọn và đề xuất các trường hợp thực hiện thăm hỏi, động
viên trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân quận, huyện và chủ động tổ chức
đoàn thăm hỏi, động viên.
Điều 8. Nguồn
kinh phí thực hiện thăm hỏi, động viên hàng năm
Nguồn kinh phí thực hiện thăm hỏi, động
viên hàng năm các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông có hoàn cảnh
khó khăn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng từ nguồn kinh phí đảm
bảo trật tự an toàn giao thông được bố trí hàng năm cho Ban An toàn giao thông
thành phố.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Sở Lao động
- Thương binh và Xã hội
1. Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành hướng
dẫn, triển khai thực hiện Quy định này.
2. Cử thành viên thường trực tham gia
đoàn thăm hỏi, động viên theo quy định.
Điều 10. Ban An
toàn giao thông thành phố chịu trách nhiệm
1. Phối hợp Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội triển khai, hướng dẫn các Sở, ngành, quận, huyện thực hiện Quy định
này.
2. Trên cơ sở báo cáo nhanh của Công
an thành phố, phối hợp các Sở, ngành tổ chức đoàn thăm hỏi,
động viên nạn nhân.
3. Lập dự toán và quyết toán kinh phí
thực hiện theo quy định.
Điều 11. Sở Tài
chính chịu trách nhiệm
1. Hàng năm, trình Ủy ban nhân dân
thành phố bố trí kinh phí cho Ban An toàn giao thông thành
phố để thực hiện Quy định này.
2. Hướng dẫn các đơn vị thực hiện
thanh quyết toán theo quy định.
Điều 12. Công an
thành phố chịu trách nhiệm
1. Hướng dẫn, triển khai thực hiện
Quy định này đến các đơn vị Công an quận, huyện.
2. Khi có tai nạn giao thông đặc biệt
nghiêm trọng xảy ra (kể cả vào ngày nghỉ, ngày lễ, tết) Công an thành phố nắm tình hình và báo cáo nhanh (theo quy chế báo cáo) về Ban An
toàn giao thông thành phố; trong đó phải đánh giá sơ bộ mức độ tai nạn như: số người tử vong, số người bị thương được đưa và cơ sở y tế cấp cứu
và điều trị, mức độ tổn thương trong tai nạn, thiệt hại tài sản...
Điều 13. Sở Giao
thông vận tải, Sở Ngoại vụ và các Sở, ngành khác có liên quan
1. Phối hợp, hỗ trợ Ban An toàn giao
thông thành phố thực hiện Quy định này.
2. Cử thành viên thường trực tham gia
đoàn thăm hỏi, động viên theo quy định.
Điều 14. Ủy ban
nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm
1. Chỉ đạo Ban An toàn giao thông quận
- huyện và các đơn vị có liên quan tổ chức và triển khai thực hiện Quy định
này.
2. Chủ động tổ chức đoàn của quận,
huyện thăm hỏi, động viên nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông
theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Quy định này.
3. Lập danh sách thành viên thường trực
tham gia đoàn thăm hỏi, động viên và gửi về Ban An toàn giao thông thành phố.
4. Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ
về Ủy ban nhân dân thành phố và Ban An toàn giao thông thành phố.
5. Hàng năm lập danh sách các nạn
nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn gửi về Ban
An toàn giao thông thành phố để xem xét tổ chức thăm hỏi.
6. Cân đối ngân sách hàng năm để thực
hiện Quy định này.
Điều 15. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc phát sinh, các Sở, ngành, đơn vị thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện
báo cáo về Ban An toàn giao thông thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế./.